Cho Mai Sau

ChoMaiSau1

ChoMaiSau2

1.

– Thanh Thanh nghe?

Cô gái nhìn lại Vĩnh một cái. Trông cô có vẻ tư lự sao đâu. Mỗi có chuyện đặt  tên cho nhân vật mà sao không dứt khoát được. Tên gì bây giờ? Mà có cái tên con gái nào đẹp bằng tên cô đâu chớ!

– Thanh Thanh hả …

– Ừ.

Vĩnh cúi xuống thấp hơn. Cái giọng trầm trầm quen thuộc:

– Nghe?

Cô  ngước mắt lên.

– Nghe gì?

– Đồng ý chọn tên Thanh Thanh đó.

– Đồng ý gì! Cái này là Vĩnh chọn chứ ai chọn. Một chữ Thanh, như tên người ta đó thì đẹp. Bày đặt lấy Thanh Thanh, nghe kỳ quá hà. Nghe giống phim bộ Hồng Kông. Sến nữa!

Vĩnh cười lớn:

– Sến đâu mà sến. Thanh Thanh nghe dễ thương thấy mồ đi. Thanh Thanh ơi. Thanh Thanh à. Thanh Thanh à. Ơi, Thanh Thanh.

Bất giác Thanh nhìn Vĩnh chăm chăm. Cái nhìn bén như dao:

– Có bà con với ai trong Chợ Lớn không đó?

– Quê tui ở Đà Lạt. Chợ Lớn chắc nhiều đất hơn Chợ Nhỏ? Mà nó nằm ở đâu mới được cái Chợ Lớn này?

– Nó nằm ở Sài Gòn!

– Sài Gòn?

– Ừa.

Cô gật đầu chắc ăn như bắp.  Cười đầy tự tin.

– Chợ Lớn là ở Sài Gòn chớ đâu!

Cạp thêm trái bắp khác. Vườn ai trồng bắp mùa này chắc sẽ trúng mánh. Nhờ cô. Mà thôi, không cãi nữa. Cãi với người dưng khác họ. Ai rảnh hơi đi cãi với người thân. Nhưng chưa kịp dạo lại mấy cái nốt nhịp nhàng Thanh Thanh, Thanh Thiếc, Vĩnh đã bị cô gắp mấy cái nốt ấy ra, cho nó đi chơi thật xa.

– Thanh Thanh. Nghe sặc mùi phi thân, cỡi ngựa, kiếm hiệp, với bánh bao!

–  Gì có bánh bao trong này nữa trời!

– Thì đó. Ba cái phim bộ Hồng Kông đó đó. Đụng đụng chút là ngai vàng, là trả thù, là tiểu thư, công chúa, sư  phụ, đệ tử, gian tặc. Đụng đụng chút là dừng chân. Chẳng bao giờ thấy súc miệng đánh răng! Rồi mỗi khi dừng chân là tạt vào cái quán nào đó mua bánh bao ăn. Một trăm phim như vậy hết đó. Vĩnh không thấy hả?

– Có xem phim bộ bao giờ đâu mà biết!

Thanh ngồi thẳng lưng lên. Đôi mắt mở to hơn. Sau đôi mắt ấy, là mầu gì  mà sao chiếc miệng cô cong cớn thế này:

– Có bốn sạo không đó?

– Bốn sạo?

– Ừ, bốn sạo là hơn ba sạo một nấc. Là Vua nói láo đó. Có hơi bị biết nói chơi không?

– Không. Nói nghiêm túc. Chưa hề xem phim bộ Hồng Kông.

– Chưa hề?

– Không hề!

2.

Thanh Thanh, thì… Thanh Thanh.

chomaisau5

chomaisau4

3.


Vĩnh luôn chọn những dãy bàn cuối lớp mà ngồi. Thanh thì không. Bàn Thanh ngồi thường là rất gần bàn Thầy Cô. Trong lớp học hồi đó có đến hơn 45 mạng. Sau ba mươi năm hỏi ra mới biết Vĩnh không nhớ ai với ai. Hèn gì tụi bạn hay nói với nhau rằng, Vĩnh đơn độc lắm. Đơn độc, cùng nghĩa với … cao sang! Thời học trò, thích “phiên âm” chữ đó ra sao thì chữ đó sẽ được dịch vậỵ Không cần thiết đúng nghĩa hay saị Trong khi lúc ấy, Thanh thì đếm mặt hầu như đủ mọi người. Chẳng phải trí nhớ Thanh nhiều chỗ chứa đâu mà bởi vì cô giữ sổ điểm. Trong sổ điểm ấy, có tấm hình 4 x 6 của mỗi con ma học trò kề bên. Thanh nhớ như in. Riêng Vĩnh, không có chi tiết  nào cô quên dù trong lớp dĩ nhiên còn nhiều  tên con trai khác.

Đúng rồi, còn nhiều tên con trai khác lắm.

Vĩnh không tham gia những buổi sinh hoạt ngoài trời với lớp . Không biết đi Lái Thiêu bằng xe đạp vui thú bao nhiêu. Không biết cảm giác vào Sở Thú chụp hình kỷ niệm từng cặp dễ thương như thế nào, thì làm sao Vĩnh mường tượng được cái nỗi ray rứt đầy lo ra khi bạn bè bắt đầu hẹn hò nhau.  Chưa dám mời riêng ai đó, cũng như chưa dám đi riêng với ai đó, cho nên, phải mời luôn một bày bạn  vào rạp chiếu bóng xem phim cho không bị dị nghị, cho bớt bị để ý.

30 năm trước, hình như trong mỗi một chúng ta luôn có trong lòng nỗi hoang mang đầy sợ sệt này. Sợ người khác phái biết mình đang để ý, nhớ mong vì họ.  Sợ đứa bạn thân nhận ra những hời hợt nơi mình. Sợ Thầy Cô biết được vì sao mình lơ đãng trong lớp học. Sợ lung tung kể cả ba cái mụn!

Vĩnh không quan tâm đến bạn bè cùng lớp mà chỉ kết bè, kết bạn với các lớp bên cạnh. Không gọi là cao sang thì gọi là gì! Đó chỉ mới là chuyện nhỏ. Chuyện lớn nữa là nếu các cô gái mà đem lòng nhớ thương ai đó không phải trong lớp học mình thì càng bị cho là  “nuôi ong tay áo”.  Mặc dù, các tiểu thư chưa từng nhận được ổ bánh mì Ba Lẹ nào từ các chàng trai. Nhưng chưa nhận được không thể bi quan cho rằng đó là sự “không hiểu biết”, và kết thúc! Từ “chưa”, đến “sẽ”, gần xịt. Cứ cái gì ở trong lớp học, là… chung. Là không thể ra riêng.  Là đám con trai có thể thương thầm nhớ trộm chung cô bạn học nho nhỏ. Nhưng tuyệt đối không thể để một tên con trai hàng xóm láng giềng nào đó ghé mắt vào, bắt cóc ra. Hãy nhớ thế!

Thấp thoáng trong lòng Thanh nhánh phim xưa lãng đãng quay về.  Thanh tìm cách khơi lại cho Vĩnh nhớ từng người bạn trong lớp. Bởi chính Thanh, Thanh muốn ôn lại, Thanh đang nhớ lắm. Đâu dễ gì 30 năm sau gặp lại được mười  một người bạn cùng lớp trên mạng lưới Internet trong vòng 24 tiếng đồng hồ!

30 năm lưu lạc. Ý Trời. Mất biệt tin tức bạn bè. Cũng ý Trời. Phải chờ đến giờ, đúng ngày, đúng tháng, đúng năm. Phải chờ đến ai đó  đầy thiện chí  may ra mới có thể tìm được tin tức bạn học như ngày hôm nay.

Trong chuyến về Việt Nam lần đầu, Vĩnh quyết định tìm cho ra con hẻm cũ nhà Thanh. Vĩnh tự nhắc mình phải kiên trì. Vĩnh có năm tuần lễ trước mắt. Phải cố mà tìm cho được thôi.

Trời xui đất khiến, Vĩnh gõ đúng cửa. Vĩnh để lại danh thiếp. Lời nhắn chuyển sang điện thư. Băng qua bao nhiêu con phố, hàng cây thân quen. Bay qua bao nhiêu mái ngói khô còm cõi, bay qua sông, băng qua biển. Vĩnh nhất định tìm cho được bóng dáng cô bạn học nho nhỏ năm nào. Rồi để ngay sau đó, khi không bên này Đại Tây Dương, Thanh cũng tìm lại được tấm thiệp Giáng Sinh của cô bạn học cũ mà trong đó có ghi cả số điện thoại nữa. Tại sao mấy năm về trước Thanh không nhìn thấy số điện thoại này bao giờ? Tại sao khi không tự dưng tấm thiệp rời khỏi học tủ rớt ra ngoài? Thanh nhặt lên, ghi vội số điện thoại gởi qua cho Vĩnh biết. Hai đứa thay phiên nhau gọi. Thế là, trong vòng 24 tiếng đồng hồ những bàn tay nắm lấy bàn tay.

Bốn năm trời học chung lớp. Ba mươi năm xa cách. Một phép lạ tuyệt vời đã đến và ban đồng đều cho:

– Bốn Việt Nam.

– Hai Úc.

– Một Pháp.

– Ba Mỹ

– Một Gia Nã Đại

4.

Đâu dễ gì chúng ta gặp lại nhau, phải không ? …

5.

– Bao giờ gặp lại Thanh ở Việt Nam, Vĩnh sẽ «bao hết ». Từ A đến Z. Nghe?

– Bao hết là làm sao?

– Là lo hết. Thanh muốn đi đâu, Vĩnh đưa Thanh đi. Từ Nam ra Bắc. Lúc nào cũng được. Bao lâu cũng được.

– Nói nghe như thiệt …

– Thiệt! Quân tử nhất ngôn!

– Rủi đến lúc ấy, Vĩnh bận gì đó rồi quên thìsao?

– Không có đâu. Bận cũng dẹp hết!

– Để lúc ấy xem sao cái đã nghe. Mà đi chơi đó, mình phải hỏi mấy cái công ty du lịch hả Vĩnh?

– Hỏi để làm gì ?

– Thì hỏi để đi người ta lo cho chứ hỏi làm gì!

– Trời. Thanh muốn đi đâu, Vĩnh đưa Thanh đi.

– Vậy mình phải mướn xe hả?

– Không. Tự Vĩnh lái xe đưa Thanh đi. Vĩnh đưa Thanh về. Không có mang con bỏ chợ đâu mà lo lắng như thế!

– Ơ, tính vậy cũng được đi. Nếu di chuyển bằng Honda thì mình đi thăm mấy chỗ nào gần gần thành phố. Có lý đó. Cho Thanh trả tiền xăng nghe. Tiền ăn thì chia đôi.  Ăn trưa Thanh trả. Ăn chiều Vĩnh trả!

– Trời, đi bằng Honda nắng thui cho Thanh chết toi. Đi bằng xe hơi!

– Xe hơi ?

– Đúng rồi. Mà Thanh này, Vĩnh nói tự nãy giờ. Vĩnh lo hết cho …

Thanh hỏi một câu không ăn nhặp gì:

– Xe hơi đâu mà Vĩnh có?

– Mua thì có. Chứ làm sao khi không mà có!

– Vĩnh có xe hơi?

Câu hỏi đúng ra là, Vĩnh làm sao mà sắm được chiếc xe để chạy ngay trong lúc con người và đời sống ở một đất nước còn lắm khó khăn,  nghèo khổ như thế ?

Nhưng Thanh do dự. Chần chừ. Cuối cùng Thanh im luôn.

Trang Thanh Trúc

(còn tiếp)

Bài ca cho tháng Năm

1.

baicachothangnam 8

– 1.75 nhân với số năm thâm niên, nhân với số lương hằng tháng. Thêm vài ba cái linh tinh khác, cộng trừ nhân chia tất cả cũng có thể cầm cự được mấy tháng trời. Số năm thâm niên càng cao càng có lợi.

– Chuyện bình thường có gì mới mẻ đâu!

– Chưa hết, thêm 8 000 euros tiền “chia buồn”!

– 8000 euros “chia buồn”?

– Đúng!

– Ai cũng được lãnh cái tiền này hết à?

– Gần như thế …

Ai đó ngồi trong góc cuối phòng ngớ ngẩn hỏi:

– Thất nghiệp rồi biết làm gì ta?

Câu trả lời rớt xuống như mũi dao ấn trên chiếc bánh bông lan mềm mụp.

– Thì mang bầu. Đẻ con!

– Còn Chantal? Thất nghiệp rồi chị làm gì?

– Biết làm gì đâu á! Hiện tại đã làm đủ 40 năm rồi. Có điều chưa đến tuổi để được đi hưu trí. Nếu thôi việc sớm sợ mai mốt lãnh hưu trí không cao.

– Michel? Anh có quyết định gì chưa ?

– Quyết định gì chứ? Trước sau gì cũng phải cày bừa. Cần tiền thì phải chịu khó đi theo “chúng nó” thôi. Đi về Nantes. Có biển. Ấm áp muốn chết!

– Tốt. Nhưng từ chỗ anh ở đến trung tâm mới sẽ mất bao nhiêu thời gian?

– Nửa ngày!

– Nửa ngày?

– Yes!

– Vậy chắc là anh phải mướn phòng trọ rồi?

– Chắc chắn rồi!

– Để vợ ở nhà một mình không sợ à?

– Sợ chớ!

Phòng ăn này mọi năm vui nhộn lắm. Nào là đèn, nào là dây kim tuyến lấp lánh. Chưa kể mùi lá thông thơm nồng. Nhưng năm nay, không khí Giáng Sinh ngột ngạt thở muốn không ra.

Buổi sáng thức dậy biếng lười bò ra khỏi giường. Tìm công tắt điện mở đèn. Khoác thêm cái áo choàng xám có hình con chuột và hai vành tai đỏ. Ngại ngùng đứng nhìn ra đường. Mở to miệng ngáp.

Mai mốt thất nghiệp rồi biết làm gì ta?

Làm thơ! Đúng rồi. Phải học làm thơ. Vậy mà nghĩ cũng không ra!

2.

baicachothangnam 2

Con chí nhỏ, em hãy ngồi cho đàng hoàng rồi nghe anh kể đây.

– Ồ anh đã về. Hồi nãy em gọi nhưng anh không có ở nhà. Nói ngay em biết, mọi việc thuận lợi chứ?

– Thuận lợi và không thuận lợi!

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là ông chủ khách sạn quyết định chọn anh!

– Vậy là vui rồi! Em rất mừng cho anh.

– Nhưng cả em và anh, « hai đứa chúng ta », đều giỏi ngang nhau mà!

– Thôi đi…

– Thiệt!

– Không thiệt!

– Anh nói thiệt!

– Ừa, thì thiệt! Nhưng kể tiếp em nghe đi…

– Anh nói với ông ta, anh xuất thân công việc từ một khách sạn.

– Thấy chưa! Em nói có đúng không? Đó là một ưu điểm chứ bộ!

– Thì ừ. Ổng có vẻ thích thú khi biết rằng anh xuất thân từ một Sofitel như khách sạn ổng đang chăm nom. Phần khác, anh cũng đã từng hầu bàn, rửa ly, rửa chén cho nhà hàng khi khách sạn thiếu người. Ổng thích một người có thể làm nhiều việc chứ không riêng gì công việc giấy tờ hành chánh. Như em biết đó, công việc trong một khách sạn khác xa với Trung Tâm Kế Toán của chúng ta đang làm nhiều lắm. Trong khách sạn, khi thiếu người, chủ tớ, bằng cấp cao hay bằng cấp thấp gì cũng phải xắn tay áo lao động như nhau. A-lô, a-lô!

– Em đây…

– Em đang ngồi hay đứng vậy?

– Em đang đứng.

– Anh nghĩ, em nên ngồi cho ngay ngắn đàng hoàng! Vì cái tin anh sắp nói gay cấn lắm!

– Anh nói nghe thấy ghê …

– Thiệt!

– Thì thiệt! Kể tiếp em nghe đi.

– Đến đoạn nào rồi?

– Đoạn khách-sạn-khi-thiếu-người…

– À, đọan khách sạn khi thiếu người phải xắn tay áo làm đủ mọi việc, là chuyện nhỏ. Chuyện anh sắp nói đây mới là lớn. Anh không biết lương hướng em như thế nào, nhưng cái giá mà họ đưa ra ít hơn lương anh hiện tại gần 400 euros!

– Anh nói nghe như thiệt!

– Anh không có cà rỡn đâu. Thiệt chứ bộ!

– Thì thiệt. Mà nghe sao chè đậu quá. Rồi sao anh?

– Họ nói, lương bổng trong một khách sạn và trung tâm kế toán khác nhau lắm. Nhưng cái khác ấy sẽ được “đấng tối cao” bồi thường trong vòng hai năm. Nghĩa là nếu anh nhận, anh sẽ lãnh lương như hiện tại không có gì thay đổi trong vòng hai năm. Nhưng sau hai năm thì khách sạn không cam kết được điều gì.

– Em thấy cái đó cũng là điều đáng ngại. Nhưng theo em, trong vòng hai năm anh có thể tìm cách xoay trở…

– Xoay trở thế nào được chứ? Anh 52 tuổi rồi!

– 52 tuổi, rồi sao!

– Hai năm sau sẽ là 54. Ai lại đi mướn một người già như anh chứ?

– Anh cứ nói thế!

– Em chưa hiểu đâu. Em còn nhỏ tuổi hơn anh nhiều lắm. Bao giờ em bằng tuổi anh như bây giờ emh sẽ hiểu nỗi lo lắng của anh hơn.

Bên kia đầu dây im lặng. Chắc người tóc chấm ngang vai đang tìm cách phá câu chuyện cho bớt căng thẳng, nhưng tìm cách phá không ra thành thử lại lại bồi thêm một câu lơ tơ mơ kiểu:

– Rồi anh có trả giá họ không?

– Chưa!

– Sao chưa?

– Không biết sao hôm ấy trời xui đất khiến anh hiền quá không biết! Anh chỉ nói rằng, cái giá họ đưa ra không tương đương với công việc và kinh nghiệm của anh hơn ba mươi năm nay. Mặc dù là “bộ cao cấp” bồi thường ngay cái khác biệt lương bổng cho hai năm liền với một tấm chè-que (chèque). Lại không phải đóng thuế số tiền ấy. Em cũng biết mà. Nhưng tưởng tượng khi không mỗi tháng lãnh lương ít hơn 400 euros với cái lương bình thường, anh thấy bệnh quá. Họ cứ nhắc tới nhắc lui cho anh hiểu là trong vòng hai năm liền tiền lương anh không thay đổi vì sẽ được bồi thường số thiếu hụt. Nhưng hai năm sau thì sao?

– Thì anh tìm cách chẩu!

– Anh tìm cách chẩu!

– Ừa.

– Tìm cách chẩu, rồi sao đó?

– Rồi sao gì anh…

– Thì em vừa xúi anh sau hai năm tìm cách chẩu đó!

– À, thì em nghĩ, nếu anh không thích ở lại thì anh phải chẩu thôi.

– Trời, vậy cũng nói! Rồi anh đi tìm việc làm khác hay đăng ký thất nghiệp với cái lương rẻ mạt trong giấy tờ à? Thôi đi chí mén. Mà em coi chừng đó nghe…

– Coi chừng gì anh?

– Coi chừng gì à. Để nghĩ xem đã. À, em coi chừng nếu họ không chấp nhận những đòi hỏi của anh, họ sẽ gọi lại em đó!

– Ồ, không có chuyện đó đâu.

– Tại sao lại không! Mà làm gì tư dưng em lo dữ vậy?

– Vì em không muốn họ gọi!

– Tại sao tụi mình lại cùng đút đơn vào cái chỗ này làm chi cho gây toàn chuyện bực mình không hà!

Câu chuyện nhỏ vây quanh đời sống của hai người bạn đồng nghiệp, tạm thời, khép lại ở đây. Người này phải chạy đi rước đứa bé tan giờ học Karaté. Người kia phải lo chăm bón sân vườn.

3.

baicachothangnam 3

– Bàn ăn hôm nay có bao nhiêu người lận?

– Bốn.

– Michel không ăn à?

– Dạ.

– Bộ việc nhiều lắm hay sao mà không ăn trưa ?

– Hôm nay thứ sáu mà…

– Thứ sáu! Rồi sao ?

– Michel có bao giờ ăn trưa thứ sáu với tụi mình đâu chớ!

– Ừ há.

Em ngồi cạnh bên, vừa uống trà vừa cười chọc quê :

– Anh dạo này lơ tơ mơ quá nghe. Tối là phải ngủ đàng hoàng!

– Đương nhiên. Tối ngủ rất đàng hoàng! Nhưng giấc ngủ cứ bị chập chờn. Thật bực mình.

Em hỏi nhỏ:

– Bộ tại việc làm à?

Anh cười nhẹ:

– Tại đủ thứ!

Em nhìn ra ngoài cửa sổ, có hộp pizzas của tên vô giáo dục nào đó ném từ trong phòng ném xuống sân. Mấy cái chuyện nho nhỏ này mai mốt không gặp nữa rồi sẽ nhớ. Đúng không?  Em quay lại bâng khuâng nhìn anh:

– Hồi xưa tới giờ em cứ tưởng…

– Em tưởng gì?

Em đắn đo mất vài giây:

– Em tưởng, có vợ có chồng bên cạnh thì khi gặp những vấn đề khó khăn đầu óc mình bớt căng thẳng hơn.

– Cái đó là tại em cứ tưởng! Có thêm người bên cạnh đôi khi gây phiền toái lắm. Bởi phải nghe đầy những cái cằn nhằn. Như vợ anh đó, cằn nhằn sao hôm trước không nhận đại cái chỗ khách sạn trả lương ít xịt! Vợ anh còn bàn đến căn nhà phải bán ngay nếu anh không tìm được việc làm sớm. Đối với vợ anh là sau khi nhận số tiền bồi thường, ra khỏi hãng, qua ngày hôm sau anh phải có việc làm mới tức khắc. Nếu không là chết đói liền! Nhưng làm sao mình có quyền làm việc trong giai đoạn hãng báo cho nghỉ việc đâu. Hai tháng ở nhà ăn lương rồi còn đòi đi tìm việc gì đó làm ngay. Chán thì thôi luôn. Giải thích hoài cũng không xong. Buổi ăn tối nào vợ anh cũng lôi cái chuyện anh từ chối không nhận việc làm trong khách sạn, để rồi trách móc lung tung.

– Ồ vậy mà em luôn tưởng, có hai người thì dễ quyết định hơn…

– Ở đó mà hơn với hiếc gì!

Michel từ bên ngoài tạt vào uống cà phê. Anh ấy bồi thêm một câu:

– Phụ nữ hay bàn tới bàn lui. Vừa đồng ý đó, mấy phút sau đã tiếc, đã muốn thay đổi ý kiến vừa nêu ra. Như cô này này. Dài dòng văn tự. Nghe rất là mệt!

– Nghe rất là mệt?

– Chứ còn gì nữa!

– Anh nói nghe ngon lành quá há! Bà sếp nói em nghỉ mới có năm ngày trong tuần lễ Phục Sinh mà bản mặt anh thành cái bánh bao chiều rồi.

– Cô này nói nghe lạ ha. Cô ung dung nghỉ hè chứ bộ giấy tờ sổ sách cũng nghỉ hè theo à? Không có một người siêng làm việc và biết cách tổ chức như tui đó hả, còn lâu mới lo xong được việc của tui và, ôm luôn công việc của cô!

– Ghê. Đàn ông mà cũng kể công! Anh sẵn đứng gần máy cà phê đó, cho em xin một « đen dài đi » (un café noir!)

4.

baicachothangnam 10

Suýt chút nữa cô quên: 01 tháng năm, lễ Lao Động.

Hôm qua  trên bàn mỗi người có một nhánh Muguet (còn gọi là hoa Chuông), và Lilas tím.  Suốt nguyên ngày, thơm ngát niềm vui.

Cám ơn anh, Bernard …

5.

baicachothangnam 7

Thierry có tình nhân từ lâu nhưng việc gì phải kể. Đó là chuyện riêng, đàn ông. Không ăn nhập gì đến ai. Nhưng bí mật bị bật mí. Những lần Thierry gọi cho tình nhân tận trong phòng lưu trữ tài liệu. Đôi lần kẹt quá thì Thierry đóng cửa phòng ăn nhốt mình vài phút trong ấy. Mặc cho trên tường ngay tại  phòng ăn có ghi rõ hàng chữ, « Yêu cầu không sử dụng điện thoại di động trong giờ ăn ». Vậy mà ngay bên cạnh Thierry lúc nào cũng có cái điện thoại nhỏ xíu, “Không phải ai ai cũng có thể trả lời nếu không có mật mã”. Một hình thức an toàn đó mà. Thierry có vẻ hứng thú giải thích với mọi người như thế. Hạnh phúc. Tình yêu. Giấu giếm không dễ dàng. Christine, cô bạn đồng nghiệp có văn phòng đặt ngay cạnh bên văn phòng Thierry thì không ngớt than phiền chuyện Thierry nói năng nhỏ nhẹ kín đáo cứ như voi di chuyển trên đường phố! Giữa lúc họp hành mà không chịu tắt điện thoại di động. Rồi còn, « Mon bébé này, my baby nọ”. Mỗi lần Thierry trả lời điện thoại như thế là mọi người đoán biết ngay ai bên kia đầu giây. Bởi vì:

–  Anh ấy không bao giờ gọi vợ thân thiện như vậy cả!

Thỉnh thoảng vợ Thierry đi phố, đụng độ bạn bè đồng nghiệp của chồng, hay thắc mắc:

– Sao việc làm trong hãng các anh chị nhiều quá. Chồng tôi lúc nào cũng về thật trễ!

Về thật trễ, chuyện ấy có thật. Nhưng chỉ nằm trong giai đoạn phải  làm thống kê, ra kết quả cho mỗi cuối tháng, nửa năm, cuối năm thôi.

Lần khác, đó là chiều thứ sáu. Thierry chào mọi người rời văn phòng vào lúc 16 giờ 30. Vậy mà 18 giờ  Thierry lại quay trở lại. Khu vực tài chánh và cung ứng hàng hóa nằm đối diện thang máy nên « mọi giấu giếm càng không dễ dàng! »  Thierry không quay  lại một mình mà có người tóc dài bên cạnh. Điều ấy không đúng quy định trong hãng. Sự hiện diện của Thierry và người lạ mặt  làm mọi người bàng hoàng không ít. Họ bàn với nhau, về cho rồi!  Nán lại làm việc mà không tập trung được thì ích lợi gì. Đồng ý không? Đồng ý. Vậy là cùng nhau đi tìm Thierry để nhắc anh ta nhớ  là  nếu như anh ta ở lại trễ hơn, khi ra về, đừng quên bật công tắt báo động.

Ai biết điều gì sẽ đến sau cánh cửa?

6.

baicachothangnam 11

Sáng sớm chưa kịp đến máy để tự  làm cho mình một cà phê đã bị Thierry gọi lại. Anh kêu ra ngoài có chút chuyện riêng. Trong anh có vẻ quan trọng quá. Chuyện gì nữa không biết. Anh nhập đề ngay:

– Hôm thứ sáu đó . Em đã gặp « cô bạn anh ». Anh xin lỗi đã không giới thiệu đàng hoàng.

– Đâu có gì đâu anh. Tụi này hơi ngỡ ngàng chút thôi…

Em im lặng. Ngó nhau cùng cười.

– À, chuyện là như thế này. Nơi « cô bạn » anh làm việc đang tìm người.

– Tốt quá. Anh sẽ làm việc ở đó hả?

– Không!

– Sao không?

– Thân nhau quá, khó làm việc chung lắm! Anh nghĩ đến em. Anh giới thiệu em vào làm nơi đó, nếu như em chịu, và nếu như họ cũng đồng ý. Em thấy sao?

– Em à?

– Ừ.

– Ồ, cám ơn anh nhiều. Em rất bất ngờ …

– Có gì đâu. Có điều việc làm nơi đây không chuyên về Kế Toán như công việc chúng ta đang làm. Nằm cạnh bên Champs-Elysées. Được lắm!

Khi không tự dưng lo. Khi không cho thấy mỗi một ngày qua đi mình lại càng tiến gần đến sự thật phũ phàng hơn. Sự thật ấy là gì nếu không phải là cái chuyện mình sắp rời xa vĩnh viễn ghế bàn quen thuộc này. Mình đang có sức hút vô hình nào đó đẩy mình đến trước một bức tường. Mình không có lối đi quay lại, mình chỉ có mỗi lối duy nhất là tìm mọi cách phá vỡ bức tường ấy ra. Phá bằng cách nào và, làm sao?

Làm sao bây giờ?

Thierry vẫn thao thao bất tuyệt. Anh không nhận ra sự phân tâm ở đôi mắt cô. Anh ghi trong cuốn sổ tay nhỏ giờ hẹn, tháp tùng cô đến văn phòng mới. Anh có vẻ hân hoan. Trong lúc cô chờ thang máy đến gặp người phỏng vấn thì Thierry và người tình anh đứng ôm nhau, hôn nhau thắm thiết. Cả hai quên mất cô đang đứng đâu đó. Cô ngó mấy cái tấm bảng quảng cáo.

Mắc chứng gì thang máy ở đây chờ lâu quá vậy trời!

7.

baicachothangnam 5

baicachothangnam 4

Tháng năm, lần nữa quay về. Sinh Nhật một tuổi cho gần 86 người làm việc ở bốn Trung Tâm Kế Toán bị đóng cửa! Không biết những người khác giờ ra sao? Cô chỉ biết, Elysabeth sang tận bên Đức sắm chiếc xe Mercedes cũ, nhưng mới. Người bán chiếc xe hưu trí, chạy có mấy vòng, rồi hết thích Mercedes nên đăng quảng cáo bán trên Internet. Chantal mỗi tối thứ hai ghi tên học nhảy Country Music. Bernard đang nằm nhà dưỡng vết mổ. Thierry dọn ra ở luôn với cô tình nhân thời Trung Học. Bao giờ vui thì liên lạc với mọi người còn không thì bặt tăm tin tức. Michel sau gần sáu tháng nằm nhà chờ thời nay cũng đã tìm được việc làm mới cách nhà khoảng 1 tiếng 30 phút cho hai bận sáng chiều bằng xe.

Riêng cô, cho đến bây giờ vẫn không biết làm Thơ.

8.

baicachothangnam 1

baicachothangnam 12

Tờ nhật trình sáng nay có đăng mẫu tin nhỏ,

« Nghĩa trang cần người quét dọn lau chùi các nấm mộ và, nhặt lá úa …  »

Khủng hoảng kinh tế cao độ , ở đâu thất nghiệp,  chứ  những con đường mang cả hồn Kim Cổ luôn cần sự thăm viếng và người chăm sóc …

Trang Thanh Trúc

Chào những giấc mơ dễ thương (9)

giac mo 10

Tháng tám ghé biển mà tâm trạng cô rối bời. Căn phòng thoáng đầy mầu sắc dễ thương phố nắng mà sao tâm trí cô lúc nào cũng dằn vặt bởi những con số.

Buổi tối, cô dỗ giấc ngủ bằng cách ban ngày chạy bộ từ ngôi nhà nghỉ mát này ra đến chợ (chỉ để mua mỗi có ổ bánh mì). Trước khi trèo lên giường cô lên xuống cái cầu thang mầu đất nhiều bận. Ai đó nói, khi cơ thể mệt thì giấc ngủ dễ chìm đắm hơn.

Sau mùa hè, cô trở về Paris, mấy con số hiện ra càng lúc càng to dần, rõ hơn. Trước sau gì cô cũng phải đi gặp họ. Họ là ai? Thẻ căn cước, hóa đơn điện thoại, mấy tờ lương, địa chỉ và số tài khoản cô đây. Cách thức đi đến đó thì dễ mà sao đôi chân và cõi lòng cô không thấy yên ổn chút nào.

Mấy năm về sau khi kinh tế khủng hoảng, cổ phiếu giảm sút, nhà cửa nợ nần ngập đầu, ai đầu tư vào địa ốc càng chết đứng chết ngồi hơn thì cô càng mơ trúng số bạo! Trúng độc đắc. Trúng 1 000 000 euros để mua lại bốn căn nhà của anh. Mua lại chứ không ham ở lại. Mua để giúp anh thoát khỏi áp lực. Đồng tiền không phải mình nặng nợ trăn trở làm nên, thì gọi là tiền « quỷ thần »! Cái gì không phải của mình thì trước sau cũng không lâu bền chi bằng mình mang giúp một người nào đó đang gặp khó khăn. Mình tặng lại điều may mắn ấy, chứ không phải mình mang cái của « quỷ thần » ấy cho người ta lãnh!

Cô nghĩ vậy đó. Rồi cô ung dung mua vé số.

Cô không muốn đi đâu xa hết. Nếu có phải đi xa thì cũng phải quay về. Cô mê cái con đường chạy từ Paris xuống biển. Càng xa thành phố không khí ô nhiễm bỏ lại sau lưng. Ở mấy ngày với không khí trong lành, hít thở cùng với mùi lá thông vậy là đủ ấm áp rồi. Vắng mặt vài ngày trong năm nhiêu đó cũng đủ làm cô nhớ. Rồi cô lại vội vã trở về tìm thành phố Paris lãng mạn. Xô bồ. Thỉnh thoảng ghé quán kêu café để không làm gì cả ngoài cái việc ngồi ngắm thiên hạ qua lại.

Bây giờ cô mới hiểu được và mang ơn anh.  Nhờ anh từ chối lần nào không thể giúp cô vay tiền bởi anh kẹt đầu tư vô nhà đất nên bây giờ cô bớt tánh ỷ lại. Bớt thôi chứ không chắc dứt.

Cô cũng tri ơn ngân hàng. Nhờ họ thông báo cho cô biết cô đã nợ ngập đầu rồi, bây giờ họ chỉ có thể cho cô mượn phân nửa số tiền cô yêu cầu thôi. Với cái tiền lãi « khách hàng ưu tú » chưa từng quỵt, cho nên đến giờ cô mới thanh toán nổi. Chứ nếu để cô mượn cao hơn thì chắc cô cũng đã phải gồng mình hơn nhiều năm tháng rồi.

Cô cần bao nhiêu lúc ấy? 1 500 euros!

Bốn con số để thanh toán tiền sở hữu chi phí thôi chứ có to tát gì lắm phải không? Nói là vậy, không phải ai ai cũng có sẵn trong ngân hàng số tiền ấy. Có người cho  rằng gì ít vậy, gì chỉ có bao nhiêu vậy? Sao mà sống đủ? Vậy mà ngày nay, có biết bao nhiêu người mất việc cũng chỉ có bao nhiêu đó, (đôi khi không dược đến số tiền đó), để cầm cự qua ngày.

Hôm trước cô xuống thuyền lang thang ở cầu Pont-Neuf. Người hướng dẫn viên loan báo, khi ngang qua đây quý hành khách hãy nhắm mắt lại và cầu xin cho mình một điều gì đó, rồi khi mở mắt ra, hãy đừng quên hôn người ngồi bên cạnh. Tục lệ dễ thương, biểu hiện yên bình! Cô cũng nhắm mắt lại nhưng không xin điều cho cô hết. Cô chỉ  xin mỗi một việc, cầu mong cho anh sớm tìm được việc làm. Khi cô mở mắt ra, bên cạnh cô không có ai là láng giềng cả mà chỉ là khung kính lạnh ngắt. Ngoài khung kính là dòng Seine. Ngoài dòng Seine là các nốt nhạc long lanh hiện về!

Cô sợ ngồi trên chiếc thuyền to. Sợ ngộp. Sợ không gần sông nước. Nên cô chọn bước lên chiếc thuyền chòng chành mà đi. Chọn lựa đôi khi không phải là do tính cách khiêm nhường mà bởi vì sức cô chỉ có thể bước lên chiếc thuyền nhỏ khiêm tốn như vậy thôi!

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (8)

chao giac mo 9

– Truyện, tranh, hay nhạc chỉ cần một người thật sự hiểu mình thôi là đủ rồi!
– Chị nghĩ như vậy thật?
– Ừ.
– Em lại tưởng…
– Em tưởng gì?
– Em lại tưởng viết mà cho mọi người, mọi trình độ đọc và hiểu được mới là khó.
– Cái đó xoàng lắm! Viết phải cần nhiều ẩn dụ, hư cấu. Càng nhiều từ ngữ lạ lẫm. Càng khó hiểu, người đọc càng thích vì mình tạo nên cho họ cơ hội học hỏi, suy nghĩ!
– Thời buổi này, bộ chị nghĩ người đọc thích thú trong việc dùng thời gian để suy nghĩ lắm sao? Ngay trong lúc mà người ta lo bắt chết không biết bao giờ đến phiên mình sẽ bị mất việc đó!
– Đang nói chuyện văn chương mà khi không em đề cập đến chuyện cơm áo. Nghe mất phê quá! Có chứ sao lại không những người dùng thời gian để suy nghĩ. Thời nào cũng có thể tìm ra thời gian cả nếu thật sự người đọc chịu khó tìm tòi, trau dồi kiến thức.
– Nhưng các ẩn dụ trong bài lỡ người đọc không hiểu, gọi là không cùng tần số đó, thì sao chị? Như ngắm một bức tranh. Đâu có ai hiểu hết và cảm được tranh của Picasso đâu?
– Tất cả đều cần phải có một kiến thức tối thiểu, một trình độ hiểu biết sâu xa! Cần phải đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại, xem đi xem lại. Cần đắn đo. Cần gắt gao hơn!
– Em không nghĩ vậy lắm đâu. Em thấy chị đòi hỏi đọc giả cần nhiều thứ quá, có bao giờ chị quan tâm cái cần thiết tìm thấy được của đọc giả không? Em nghĩ một tác phẩm dựng ra điều tối thiểu cần phải có là sự chân thành và giản dị.
– Hai điều này xoàng lắm em!
– Nhưng em nghĩ một người sáng tác cần phải có có căn bản hai điều này mới mong gây được cảm xúc, sự thoải mái cho người đọc, người nghe, người ngắm.
– Tại em « nhân hậu » với « cách nhìn » thôi. Nhìn một tác phẩm mà hiểu ngay có gì đáng nói đâu. Khác chi mình đi trên con đường mòn. Em thấy đó, chiếc áo dài qua nhiều thế hệ cũng cách tân theo. Hồi xưa, các cô mặc áo dài mang guốc mộc nay các cô diện giày cao gót chín mười phân. Vẫn đẹp, đầy quyến rũ và đặc biệt là vẫn giữ được nét duyên dáng Việt Nam.
– Chị làm em mường tượng đến một ngày nào đó, các cô thiếu nữ không diện áo dài đi với giày cao gót nữa mà mang bốt đầu nhọn rằn ri, chắc là khó coi lắm há!
– Em còn trẻ mà sao đầu óc em cổ tích quá! Phải đổi mới chứ. Một người có máu nghệ sĩ là không thể dậm chân tại chỗ hoài được. Hiểu không?
– Em thích thay đổi nhưng phải có chừng mực kìa…
– Đã gọi là sáng tạo thì không thể đo lường chừng mực được!
– Được!
– Chị nói không được!
– Nếu nói như chị không lẽ tác giả muốn viết gì thì viết. Người đọc không hiểu, mặc kệ sao?
– Từ nãy giờ chị giải thích mà em vẫn cố chấp không chịu hiểu, nhỏ này thật. Người đọc cần phải có một trình độ kiến thức tối thiểu để suy diễn, để hiểu, chứ!.

Tháng Năm đêm không mưa mà sao trên mái hiên như có ai đó vừa đánh rơi hai nốt thăng trầm.

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (7)

mau nang 8

– Chị hả?

– Ừa …

– Chị làm cái gì mà điện thoại nhắn cũng không nghe.  Cà chớn! Cái bà này …

Khi không cái bị nghe chửi.

– Chị mới về đến nhà. Điện thoại di động hết xăng.

– Cà rỡn nữa đi! Em gọi tìm chị từ bốn giờ chiều nay!

Chà tình hình có vẻ gay cấn thứ thiệt rồi. Chuyện gì đây không biết. Giọng cô nhẹ xuống:

– Chị nói chị bận từ mười giờ sáng nay mà, quên hả?

Bên kia đầu dây nói trống không:

– Nhớ! Cho cái điện thoại cũng không thèm sử dụng!

Cô vớt vát:

– Điện thoại hết điện thiệt mà …

– Hết, bộ không biết câu điện vô hả?

Trời ơi, có biết cái sợi dây câu điện nó nằm ở mô đâu. Quăng mất toi mấy hôm nay rồi. Mà dùng điện thoại di động để làm cái gì chớ? Hồi xưa, không có phôn phiếc người ở thành phố nhắn tin người ở quê bằng cách đi ra xe đò nhờ anh tài xế chuyển tin. Thấy chưa? Nay thời buổi, (khi không văn minh), tự dưng bày ra cái điện thoại di động. Đụng đụng là bấm, là tin nhắn. Thấy ghét. Khi không bị nghe chửi oan. Cho làm chi? Người ta có xin đâu!

– Điện thoại của em cũng sắp hết điện rồi! Bây giờ chị nghe cho kỹ nè. Chi ghi cái địa chỉ này, rồi chị tìm cách mà đến cho kịp! Nói xong bên kia đọc ngay cho cô cái địa chỉ nhà hát gì đó không biết. Cô bên này tối tăm mặt mày.

– Cái gì? Đi coi kịch hả?

– Em mới vừa mua vé xong!

Cô kêu lên:

– Chị kẹt rồi nhỏ ơi!

Nhỏ em cũng hét lên:

– Không biết đâu! Chị làm sao đó thì làm, chị lấy métro đến ngay đi!

Trời ơi, mệt gần chết mà phải vác cái thân đi xem kịch thì chỉ có nước tan nát thôi.

– Chị kẹt rồi. Thiệt đó …

– Sao hôm qua em hỏi, chị nói, tối thứ sáu chị không làm gì hết!

– Thì hôm qua, lúc em hỏi, chị chưa có « chương trình » gì hết!

Nhỏ em như người từ trên giường rơi xuống sàn:

– Trời! Em mới vừa mua vé được xong cách đây 5 phút …

Sao nó dại thế không biết! Mua vé, thì cũng phải chắc xem người ta có đi được hay không chớ. Thì bây giờ lỡ chuyến đò rồi. Có mau mau xuống lấy métro đi cho kịp giờ hay không? Cô châm dầu thêm vào lửa:

– Em hoàn vé lại đi …

– Không! Vé mua rồi, hoàn cái gì!

– Mình mới vừa mua mà.

– Cũng không luôn!

– Chị đê-sô-lê thiệt tình …

– Désolée! Désolée!

Cúp máy. Thoát nạn. Cô trèo lên giường đánh một giấc cho đến sáng!

Hy vọng, nhỏ em cô đừng bao giờ đọc bài viết này. Và nếu có ai quen biết nhỏ em cô, cũng xin đừng mách lối cho nó biết để nó đọc bài viết này.

I van You.

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (6)

mau la

Cô bớt rồi …

Cái khác giữa câu chuyện anh và cô là anh sống trong đau khổ khi anh mất đi tất cả. Còn cô đau khổ trong khi mọi việc vẫn còn đó. Có điều, hình như cô đánh mất từ lâu nhưng cô vẫn mù mờ không nhận thức được. Cô không nhận thức được hay là cô không tin sự việc có thể chấm dứt như vậy được?  Và từ đó cô nghi ngờ chính bản thân cô. Mai mốt biết đâu, anh cũng xem cô như một người dưng.

Không cùng họ hàng thì gọi là người dưng chớ gọi là người gì ?

Như tối qua cô im lặng nghe anh nói. Cho đến một lúc tinh thần cô chao đảo. Cô nói anh cô phải đi ngủ ngay thôi. Hình như trong cô những khúc phim xưa từ từ quay về. Nó chậm rãi quay về nhưng đủ sức mạnh làm cô đuối.

Một giấc ngủ kéo dài đến 4 giờ sáng. Cô giật mình thức giấc. Nhưng cô quyết định không thức theo giấc! Cô tự pha cho mình một ly sữa nóng, mật ong. Cô dỗ giấc ngủ ngay sau đó.

Cô không dám so sánh với ai điều gì. Riêng cô, cô biết, cô  đã đi qua những con đường chông gai thế nào thôi.

Ngay trong lúc mình đau, mình chỉ nhìn thấy vết bỏng. Khi vết bỏng vơi đi mình cám ơn người đã giúp mình nhận ra bài học. Muốn chữa lành vết bỏng ngoài thuốc men, cần có lòng tin. Thuốc men thì hãy tự băng bó, và uống cho đều. Không ai rảnh rỗi mà nhắc nhủ đâu. Và lòng tin thì hãy tự cố gắng mà tạo.

Và, như anh thấy đó,  cứ thế, cô lần mò đi ….

***

Sáng nay cô điểm tâm bằng bánh ú lá tre chấm đường với café.

Sao cái gì có chữ tre trúc trong đó, nghe cũng trục trặc hết!

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (5)

ghe cong vien

Cái ông đội cái nón lụp xụp năm nay 40 tuổi, vô gia cư từ mười hai năm nay. Mặc dù vấy ông không muốn rời bỏ cuộc sống lây lất trên vỉa hè, kể cái chòi dựng lên bằng bìa cứng. « Ở đây, tui sống an nhàn. Tui tự canh chừng đồ đạc tui, tui muốn ở cạnh bên con chó của tui. Tui có vào trung tâm dành cho những người không nhà cửa nhất định, nhiều lần là khác, nhưng gây cho tui nhiều phiền toái lắm. Người ta trộm giỏ tui, đã vậy có lúc tui còn bị lây chí nữa ».

Cái người trẻ tuổi đội mũ len, thì ngược lại, không thích nay đây mai đó bên vỉa hè mà thích có một chỗ trọ trong trung tâm. Anh ta mới có 25 tuổi, anh tìm được một việc làm trong tiệm bán chạp phô. Mỗi tháng lãnh cỡ 300 euros. Ngoài việc làm có lương hướng thật khiêm nhường đó, anh phải ngửa tay xin tiền người qua lại. Bao giờ trong túi rủng rỉnh xu teng anh thuê một phòng nhỏ trong khách sạn, còn những ngày khác có lúc anh ngủ ở trong trung tâm nơi dành cho những người không có nhà cửa nhất định. Có lúc anh lang thang đầu đường xó chợ với con mèo của anh. Anh than, ở trung tâm, chua lắm. Nào là gây gổ nhau, đánh nhau, nào là mỗi sáng người ta « mời » mình ra đường. Mình phải rinh theo bao nhiêu thứ « gia tài » lỉnh kỉnh theo cùng. Đến tối, quay về.  Đèo theo bao nhiêu thứ « của cải » lỉnh kỉnh ấy về. Thiệt khổ!

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (4)

trua-nay-191

Trên các vỉa hè, ngay trung tâm thương mại, ăn mày như một cái nghiệp. Người ta hết bồng bế những trẻ thơ có khi còn đang trong thời kỳ bú sữa mẹ, rồi nay người ta đổi sang « chiến thuật » mới. Chiến thuật này, áp dụng có lý hơn bằng cách trưng bày cạnh bên: chó, mèo, kể cả thỏ …

Nếu chính phủ Pháp nghiêm khắt phạt cái tội ăn mày mà tay xách nách mang các bé thơ dưới sáu tuổi thì những người (phần đông) là Ru-Ma-Ni, (và đến từ các nước Đông Âu), đã nghĩ ra sáng tác mới.

Ai lại có thể thờ ơ, lãnh đạm khi vô tình bắt gặp ánh mắt ngơ ngác, tròn xoe của các chú chó con, mèo con, thỏ con? Nhất là con nít, chúng mê thú vật như gì. Thế là, sự buôn bán bất chính từ đó bắt đầu!

Tùy theo giống, có con lên hàng 800 euros tỉnh queo. Cứ thử kì kèo giá đi sẽ rõ. Từ 150 đến 1500 euros, tùy người bán nữa. Phần đông họ đánh cắp, và có lúc mang từ Roumanie sang.

Rảnh rỗi đảo qua đảo lại ở trạm Chaussée d’Antin-Lafayette, khu Bastille, hay Saint-Michel, sẽ thấy các con thú đáng thương này chịu mưa, chịu gió, chịu nắng ra sao. Chẳng thức ăn, cũng chẳng nước uống. Sau khi thu nhặt được tiền, thì cũng hết cảnh ve vuốt, vờ vịt thương yêu. Mấy chú còn lại, chen chúc nhau trong cái chuồng nhỏ xíu. Cứ ở yên trong đó, mai ta mang ra vỉa hè, trưng bày tiếp. Đã gọi là « tháp túng » với nghiệp ăn mày mà.

Người qua đường nghĩ rằng, khi họ mua một con vật đáng thương như thế, họ không chỉ cứu vớt được bản thân nó mà còn giúp đỡ cho chủ của nó nhẹ gánh lo!

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (3)

den

1.

– À, tối qua cô có xem chương trình về những tội ác tày trời không?

– Những tội ác tày trời?

– Đúng vậy. Chiếu ở đài 2, hay 3 gì đó …

– Ông nói gì nghe ghê quá!

Ông nháy mắt :

– Chưa gì có người sợ rồi há? Nói xong, ông cười hả hê kéo ghế ngồi tỉnh bơ. Mấy ngón tay phải búng búng tờ giấy đầy số trên bàn. Ông có vẻ khoan thai quá hay là ông đang cố nén nỗi bàng hoàng, ghê rợn, trước câu chuyện gì đó mà ông cho là tội ác tày trời. Ông hỏi lại cô lần nữa. Người gì mà – càng cao tuổi – càng bán tính bán nghi. Ông với triệu chứng già sắp không phải kình nhau rồi!

– Hôm qua cô thật không có xem chương trình ấy hả . Uổng quá…

– Hôm qua, tui mắc coi thi tuyển lựa ca sĩ!

– Ồ! Cô mà cũng xem chương trình ấy?

– Có chứ!

– Tui tưởng tụi con nít mới coi thôi chứ…

Cha nội này ăn nói chết duyên hết biết đi.

Cô liếc ông thầy một cái mà chắc ổng không để ý. Cái trán ổng cũng cao dữ.

– À, cô còn nhớ câu chuyện người phụ nữ giết cô bạn thân thiết của mình không? Hôm qua họ nhắc lại chuyện ấy để cho mọi người sáng tỏ thêm phần nào đó mà.

Cô trầm ngâm giây lát rồi nói:

– Thôi, ông « tóm tắt » đi!

– Ừ, thì tóm tắt!. Muốn tui tóm tắt thì tui tóm tắt . Lát nghe  mà có không hiểu đầu hiểu đuôi đừng trách à nghe!

Cô cười, lại cười.

Vui buồn gì sao cô cũng cười.

2.

Bà ta để thuốc ngủ trong tách trà cho người bạn gái uống. Cái người xấu số ấy, đối với bà là một người bạn tâm giao từ nhỏ, chớ có phải là người quen qua đường đâu. Sau khi người bạn rơi vào tình trạng lờ đờ thì bà ta đề nghị người bạn nên đi tắm cho tinh thần sảng khoái. Khi kéo người bạn vào trong bồn tắm, bà lại châm thêm ly trà thứ nhì (không quên, bỏ thêm vào ly trà thuốc ngủ).

Sau đó, bà trấn đầu  người bạn trong nước cho đến chết ngộp, rồi bà dùng dao cắt các đường gân cho máu chảy  ra . Cứ thế, bà xả máu người bạn như  một người bình thường ngâm mình trong nước ấm một lúc rồi xả nước đi . Bà vừa làm công việc ấy vừa canh giờ các con bà ghé về nhà ăn trưa . Bà cũng từng có con, có cái . Bà không phải là người phụ nữ độc thân! Công tác bà làm coi như mới thi hành được một phần ba. Chưa xong đâu . Bà phải lo cơm nước cho hai đứa con. Thế là bà giấu, bà trùm, bà kéo thân xác  người bạn xấu số ấy ra tạm trú ngoài hành lang. Đợi các con đi học trở lại bà khệ nệ kéo lê thân xác ấy trở vào. Bà xén, bà cắt, chia ra làm ba phần. Rồi bà chôn, bà giấu, bà bỏ vào ba cái bao ở ba nơi khác nhau. Chính đứa con trai 14 tuổi của bà đã phụ bà khiêng một trong ba cái bao ấy từ nhà ra. Cậu bé không hề nghi ngờ chuyện kinh khủng gì vừa xảy ra ngay trong căn hộ của cậu. Một cái bao khác bà quăng gần cái hồ, đứa con hỏi, Mẹ quăng cái gì vậy? Bà điềm tĩnh trả lời, Mẹ quăng đồ đạc phế thãi trong nhà.

Bà quăng xác người như người ta quăng bừa một bao rác.

Người ta suy luận rằng, bà đã trải qua một đời sống khủng hoảng rất nặng nề về tinh thần. Bà muốn kiêng ăn, bà tìm đến bác sĩ. Người ta ghi cho bà một toa thuốc quá liều so với người bình thường. Người ta bỏ tù vị bác sĩ ấy ba tháng, rồi rút bằng. Bạn gái của bà chết oan mạng bởi những viên thuốc trị ốm ấy chăng? Những viên thuốc gây nên kích thích, phá hoại, rối loạn toàn bộ thần kinh trong cơ thể bà. Người ta lên án vị bác sĩ.

Người ta cho rằng bà đã từng làm việc trong nhà thương, bà chăm sóc bệnh nhân rất ân cần, rất nghiêm chỉnh. Bà lại là một người Mẹ, có hai con. Rồi vì những chuyện giận hờn, đâm ra thù hằn. Bà ép, bà nén, chuyện nhỏ nhen trong lòng. Bà nuôi âm ỉ tất cả bằng than, rồi biến thành hỏa diệm sơn lúc nào không hay.

Riêng bà, luật pháp cũng không tha thứ tội lỗi bà gây nên dễ dàng. Bà vẫn còn phải xé nhiều tờ lịch lắm.  Biết đâu, cả đời …

3.

– Thôi, đi làm việc tiếp! Hết chuyện rồi! Ông thầy đứng lên bỏ vào văn phòng riêng.

Hai bờ vai cô ngoài này,  nổi gai!

trangthanhtruc

Chào những giấc mơ dễ thương (2)

nuit-1

Ở Paris, có 37 chiếc cầu trên dòng Seine. Pont-Neuf là chiếc cầu lâu đời nhất nhưng lại mang tên là Cầu-Mới. Neuf, tượng trưng cho con số 9, và nói lên điều mới mẻ. Vậy, Pont Neuf là Cầu Mới. Cô thích dịch như vậy đó. Hôm qua, để thử nghiệm lần nữa cái máy chụp hình cũ ông anh rể cho vào ngày cuối ở Cali, cô hăng hái lấy métro xuống trạm Pont Neuf cho kịp chuyến du thuyền khởi hành vào lúc 8 giờ tối. Ngồi trong métro, vừa lo, vừa mong cho mau tới. Bởi nếu không cô phải chờ chuyến khởi hành vào lúc 9 giờ đêm. Nhưng trời thương thiệt. Xuống trạm Pont Neuf mới có 8 giờ kém 10. Có điều Trời thương thiệt chút đỉnh thôi à, cô đi không đúng lối ra, hay là cô chỉ quen dùng lối ra này để đi thành thử phải lội bộ từ đầu cầu bên này cho đến cuối cầu bên kia. Rồi hối hả theo các nấc thang xuống kịp mua vé, để lên thuyền.

nuit-1bis

Pont-Neuf

8 giờ tối, trời còn sáng và ấm áp quá chừng. Khách du lịch từ đâu đến mà đông như thế này không biết! Ai nói, ai than van tệ trạng khó khăn của kinh tế vậy? Cô thấy vui lây với không khí này. Cô tưởng, 8 giờ tối là… tối lắm, là người ta lo cơm nước, là chuẩn bị coi tin tức buổi tối xong, là lo chui vô giường ngủ hết trơn rồi.

8 g iờ tối đêm nay thì không. Người ta mặc quần áo mát mẻ. Đâu ai như cô đâu. Cô « thủ » áo lạnh, áo khoác, kể cả khăn choàng cổ. Đống bộ chi cho nhiều vậy không biết!

Ừa, hãy đợi đấy. Thuyền ra sông, gặp gió rồi sẽ biết gió từ lòng nước thổi ngược lên mát mẻ cỡ nào nghe!

Cô cười một mình trong bụng, khoan thai, ngồi bên dưới chỗ không có ai để dễ bấm máy hình. Hầu như khách du lịch – đi theo đoàn – được ưu tiên mời lên tầng nhất ngồi. Ngoài tầng nhất, không còn tầng nào khác cao hơn đâu. Nhưng nói vậy cho có vẻ xa cảng, sang cả đó mà!

Có mấy chiếc du thuyền khác, cần phải đặt chỗ trước để họ lo phần ăn tối. Buổi tối, gọi là ăn Đi-Nê của tiếng Pháp, và Đi-Nờ của tiếng Anh. Sao tiếng Anh, có nhiều âm hay chuyển sang dấu huyền quá há? Hay là người Việt mình yêu thích nhấn âm huyền cho giống người Anh, người Mỹ, thành thử nghe người Việt mình nói tiếng Anh cứ nghĩ tiếng Anh nhiều âm huyền? Như: Mẹc-Xê-Đì (Mercedes), Kim-Bẹc-Lỳ (Kimberly). Người Mỹ, người Anh thiệt, họ phát âm có cài cái dấu huyền ì ạch theo sau không?

trangthanhtruc


nuit-8

Rời bến …

Nhổ neo. Rời bến. Những nốt nhạc đêm rắc xuống dòng sông êm ả hiền hòa. Làm sao lòng không thể hiền hòa khi lát nữa đây bến đỗ này cô lại tìm về. Ra đi mà không biết bao giờ trở lại, mới sợ!

Như trong mắt anh hình như có đôi chút lo lắng. Anh nắm lấy những ngón tay cô siết nhẹ. Bàn tay của anh lớn hơn bàn tay cô nhiều quá. Bàn tay không có vẻ khô cằn. Vậy là người « tương đối » cũng siêng năng, biết chăm sóc chính mình. « Không có vẻ khô cằn lắm », không có nghĩa là người lười hoạt động, trái ngược lại là người siêng hoạt động mà biết chăm sóc bàn tay mình! Để làm gì nhỉ? Anh Bắc Kỳ. Cô Nam Kỳ. Cô nên tập nghe cho quen, nhỉ với nhá, tưới hột sen vào. Trở lại câu chuyện của anh, cô suy nghĩ giùm anh. Như thầy bói mù, nắm được tay người rồi là phải sờ mấy đường gân, rà mấy nếp nhăn để phỏng đoán sức khoẻ tình duyên gia đạo. Đoán mò, hên, biết đâu trúng .

– Em cảm thấy anh không phải người nóng tánh. Anh siêng chăm sóc bàn tay chắc là để phòng hờ có nắm giữ những ngón tay thon thả mềm mại của tiểu thư nào đó, hỏng làm người ta hết hồn. Há?

– Này, không có người ta nào hết ngoài cái cô đang ngồi bên cạnh đâu nhé!

– Khách rộn chuyện quá. Nghe « Qua » đoán tiếp nè !

Nhổ neo. Rời bến.

Câu thơ anh gởi chỉ có năm chữ thôi:

– Bao giờ em trở lại?

– Dạ em không biết. (Có thật không đó? Làm sao cô không biết được chớ! Tánh cô từ trước đến nay đâu có nói chuyện kiểu lừng khừng như thế đâu. Hay là cô sợ cô phải lòng …)

Biết đâu.

Thiệt tình!

trangthanhtruc