Paris, 60 phút và – 3° C !

Trúc dành 60 phút, giờ ăn trưa để bước vào trong Serres d’Auteuil (quận 16) với hy vọng là tuyết còn đọng lại đâu đó! Hai miếng bánh mì kẹp thịt heo muối trét bơ, thực đơn lạnh tanh, nhưng mà khí hậu bên ngoài cũng ấm áp gì đâu! Lạnh gặp lạnh ra gì ta?

 

Thì Đó!

1/

– Em ơi, em có sao không? Anh đợi và nhớ em cả buổi chiều. Anh mong em không có chuyện gì cả? Anh không thấy em gọi, cũng không thấy em viết thư, cũng không thấy em trên FB, anh lo lắm …

– Ồ, vậy là anh đợi em mút chỉ rồi!

– Thì đó …

Anh nhấn mạnh chữ Thì xong thả nhẹ ra rồi vo tròn chữ Đó cao vút lên mây. Nghe anh nói « thì đó » mà não nề.

– Em định nhắm mắt ngủ chút thôi, không ngờ em thăng luôn cho tới sáng. Xin lỗi!

– Gì mà lỗi phải!

– Thì để anh đợi đó mà. Mai mốt nếu gặp nhau, trong lúc em ngủ thì anh làm gì?

– Anh ăn!

– Anh ăn?

– Ừa, em. Anh ăn!

Cô im lặng mấy giây. Bao nhiêu cảm xúc tá túc chạy quanh. Ăn! «Anh con bà phước, món gì anh ăn cũng được trừ bù lon thôi em nhé! Anh thích ăn từ lúc bẩm sinh!» Má ơi, nghe lãng mạn hết sức. Trong khi đó trang tiểu thuyết cô đang viết lại mường tượng khi cô ngủ anh sẽ ngồi (hay nằm cạnh bên) hầu quạt. Thêm chút mưa bên ngoài kia (phải có mưa, nếu không làm sao giữ chân «hai đứa » lâu hơn). Thiệt tình! Ăn, một tiếng thôi. Quên, « Anh ăn », hai tiếng chứ, ngôi thứ rõ ràng. Anh ăn còn em ngồi đó ngó miệng. « Ăn chocolat không em, anh cho liếm miếng! » Cô hiểu và nhớ điều nhắn nhủ này lắm. Cô lịch sự từ chối, anh có vẻ không buồn chút nào ở cái lắc đầu cô.

– Mai mốt gặp nhau, anh nên rinh nguyên cái tiệm chạp phô theo nha anh.

– Để làm gì em?

– Để làm gì à? Thì để khi anh đói, có đầy đủ cà phê, cà pháo, mì ly, mì tô, đủ hiệu, đủ cỡ …

– Em cứ chọc anh hoài!

Anh thừa biết, cô không chọc anh thì chọc ai.

– Thì đó …

2/

– Chó mèo gì anh thấy cũng dễ thương. Anh thích cả hai!

– Em thì thấy chó dễ thương, chụp vô hình càng dễ thương (trừ khi nó nhe răng nanh, lúc ấy thì mình không còn dịp đếm xem bên trong nó có bị sún cái răng nào không). Nhưng con mèo ngó thấy ghét. Vào trong hình ngó càng thấy ghét thêm!

– Em cứ nói thế …

– Thiệt, em gặp nó ở đâu em kêu nó đi ra!

– Em đuổi mèo thì được, đừng có đuổi anh vậy nghe!

– Em làm sao dám đuổi anh chớ!

– Thì đó! Em thương anh lắm đúng không bé, em đâu nỡ nào đuổi anh phải không?

3/

Paris mưa liên tục suốt tuần nay, mưa dầm dề, mưa nằm vạ không muốn dứt, mưa từ sáng sớm cho đến tối khuya, mưa đâu mà mưa mãi không ngừng vậy nè! Sau một trận mưa những con đuờng thắp đầy lá. Người phu quét không ngừng tay. Chắc là phải quét như thế cho đến bao giờ tất cả những chiếc lá không bám nổi trên cành rơi xuống mặt đất.

Nhưng Tình Khúc Tháng Sáu lại bay sang thành phố cô trong một đêm khuya nào đó, quên rồi:

– Em buồn ngủ chưa, nhỏ?

– Dạ sắp rồi anh …

Buồn ngủ mà cũng đoán trước được là sắp đến hay chưa đến hay quá há. Cô cười trong chăn bông, cô trùm kín mít như sợ tiếng nói của cô hàng xóm láng giềng nào nghe lén vậy.

– Anh hát ru em ngủ nhé?

Cơn buồn ngủ khi không vuột tan.

– Anh hát hả. Chịu liền. Anh hát em nghe đi anh …

– Ừa, anh hát em nghe bản này, không cười nhé …

Lại nhé! Hát lẹ đi cha Nội cho con còn ngủ nữa. Nhưng nói thế thôi cô gắng nén giọng cười, nhỏ nhẹ cứ như con thỏ:

– Dạ anh …

Cô kéo tấm chăn bông ra hít thở không khí, chờ đợi. Một lát, cô lại nhắc nhẹ:

– Hát đi anh …

Bên kia, anh lục đục với cái gì không biết, đợi thêm một lúc cô nghe giọng anh nhừa nhựa.

– Anh mê nghe nhạc Ngô Thụy Miên lắm em à

– Dạ …

– Em nghe nha …

– Dạ …

Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em

Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan

Gót bước buồn lây trong gió chiều mưa bay

Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê

Anh muốn cùng mây giăng kín đường về

Gọi tên em, gọi tên em cho mát bờ môi ấy

Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng

Mình yêu nhau, mình yêu nhau

Dù trời mưa bay, mưa bay…

(thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên)


– Khi anh đến thành phố này cũng vào tháng sáu. Trời lúc ấy mưa. Anh nghe nó hằng đêm. Nghe trên cái K7 tape. Lúc đó làm gì có CD! Anh nhớ em. Anh không nhìn thấy ai khác, ngoài em. Thật sự là như vậy. Là như vậy đó! Có lạ không chớ …

Đâu có gì lạ đâu mà anh chớ với chiếc! Anh chỉ thấy mỗi mình em là chuyện bình thường. Rất bình thường, nhớ thế nhé! Chết tổ, khi không cô cũng lây bệnh anh, mấy cái chữ nhé-nhè-nhe-nha-nhá-nhỉ rất Bắc Kỳ nó cứ « ám » vào cô, là « làm sao ta »? Làm = lao động; xì ta = sao, nữa hay sao hả!

Hôm nay, khi viết cho con mèo tên « Thì Đó », tự dưng cô bấm nút nghe lại giọng anh qua Tình Khúc Tháng Sáu. Cô phân vân lắm nhưng chưa một lần nói ra. Mấy lần anh hỏi, « Chừng nào em cho anh đọc cái bài gì đó viết về giọng ca anh ? ». Cô chỉ cười qua loa. Sắp rồi anh …

Trời mùa thu nơi đây lạnh da diết. Cô biết cô thương anh tha thiết. Nhưng sao cô vẫn do dự, phân vân hoài không dám nói ra. Cô suy nghĩ lung lắm. Bởi hát như anh đó, không biết cái dàn máy trong mấy tiệm Karaoké đến bao giờ mới chịu ghi lên được 100 điểm há? Thương mà ngại nghe anh hát lúc trời chuyển mưa quá! Chắc thành giông tố luôn …

– Thì đó!

Trang Thanh Trúc

Behind the Scenes – video, « Có Một Câu Chuyện Như Thế … « 

Behind the Scenes – video, « Có Một Câu Chuyện Như Thế …  »
http://www.youtube.com/watch?v=0K3djNGew8c

Một ngày 18 tháng 4 năm 2008 vào lúc 16h40mn 02s, Yahoo gởi đến cho Trúc một lá thư đến từ Việt Nam :

Anh Hải có về SG, ghé vô hẻm và tìm nhà, tìm chị Trúc. Anh Hải cho địa chỉ để liên lạc

Ngày 13 tháng sáu năm 2008 trong vòng 24 tiếng Hải và Trúc bắt được liên lạc với Trần thị Anh Thư, Vũ thị Bích Thủy, Lý Thanh Quang, Huỳnh Thiên Quốc Thái, Vũ Lệ Chi nhờ tấm thiệp chúc Giáng Sinh Thư gởi Trúc năm nào đó « khi không » rớt từ ngăn kệ xuống! Trúc biết, Trúc có giữ một tấm thiệp Giáng Sinh của Thư mà trong đó có ghi số điện thoại Thư từ Houston nhưng tấm thiệp ấy giờ ở đâu nếu không có sự xếp đặt của Trời đất, của Chúa, cho tấm thiệp ấy rớt xuống trước mặt Trúc qua bao năm tháng kiếm tìm …

Bạn bè sau 30 năm mở ra từng trang nhỏ. Kỷ niệm gợi về ngày tháng cùng phấn bảng, lớp học, Thầy Cô, bạn bè. Ai mất, ai còn trong con số mấy chục mạng? Tất cả mọi thứ bềnh bồng, bềnh bồng …

Hai người mất tích được trong nhóm nhanh chóng loan tin, đó là Đặng Thanh Bạch và Nguyễn Quang Huy. Mất tích nghĩa là sao? Là đi vượt biên mà không có một chút tin tức, là đồng nghĩa với chữ chết hay sao? Trúc thật sự không mong điều ấy xảy ra cho bạn bè mình, các bạn đang ở đâu đó chưa thể liên lạc thôi. Nhưng hình ảnh Bạch cười duyên dáng ở một góc nào đó trên bàn thờ. làm Trúc dừng lại niềm tin! Còn Huy ? Trong lớp 9P1, chúng ta có đến hai người tên Huy lận . Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Xuân Huy . Cả hai đều mang họ Nguyễn, cũng Bắc kỳ, cũng hiền như cục bột.

Nhà Bạch và Trúc chỉ cần băng qua đường là hai con hẻm gặp nhau, cái dáng cao cao, gù gù, má lúm đồng tiền, mái tóc ngang vai, đi đứng cứ như con trai thôi! Trúc rời lớp 9P1, thi đậu vào Minh Khai năm 1978, nhưng không học một ngày nào ở ngôi trường này hình như Trời đất chỉ muốn Trúc ôm trọn những gì dễ thương nhất của thời Trung học ở Phan Sào Nam thôi!

Ngày đi xem kết quả, không thấy Bạch đâu hết, Trúc đạp xe đến nhà tìm Bạch hỏi thì mới hay Bạch rớt trong kỳ thi trúng tuyển! Tin Bạch rớt không làm Trúc đau bằng ánh mắt Bạch nhìn Trúc, con mắt buồn đỏ hoe, Bạch nói: « Nhỏ đi, nhỏ thi đậu. Ta ở lại, ta rớt! ». Trúc nghe Bạch nói mà chết lặng. Sao lại bất công như thế này, sao lại có thể bất công đến thế này Trời ơi …

Trúc dắt xe đạp quay ra khỏi hẻm nhà Bạch, Trúc không về nhà ngay mà chạy lòng vòng ngoài đường. Không biết đạp xe đi đâu, không biết con đường lá me nào buồn hơn con đường nào, không biết cái nắng tháng tám gay gắt ra sao, không nhớ gì cả cho đến một lúc khi chiếc xe đạp ngang qua Công Viên Lá Vàng, ngang qua hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trúc nhớ Bạch và thương nhỏ bạn mình làm sao đâu! Hình ảnh Bạch lờn vờn trước mặt, bao nhiêu lần cùng Bạch, cùng Chi thức dậy sớm đón xe lam, xe buýt học bơi ở hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học một thời gian Bạch và Chi bỏ Trúc ở lại hồ nhỏ, được sang hồ lớn.

Trời đất cho Trúc rời khỏi Việt Nam bằng máy bay cho nên đến giờ này Trúc cũng không biết bơi, Bạch biết không? Bạch à, nhỏ phải về thôi! Một tấm hình trên bàn thờ có chắc được gì đâu khi biển cả mênh mông như thế …

Một ngày thứ ba 10 tháng 8 năm 2010, 7 giờ 36 Yahoo mang đến cho Trúc một Nguyễn Quang Huy! Nhận được bảy hàng chữ Huy viết mà hết hồn và rùng mình luôn.
– Huy … chưa chết, chưa bị cá mập xơi à?
– Sao thế Trúc?
– Bạn bè nói, Huy đi vượt biên mất tích. Mất tích là chết đó. Huy chưa chết hả!

32 năm, làm sao có thể tin được những niềm vui lại có thể xảy ra ở thế gian này!

Tháng tám, mùa hè, nóng gần chết nhưng Trúc phải lật đật đi tìm áo để khoác khi bắt gặp trên Yahoo một dòng chữ: « Người bạn thời thiếu niên » đến từ Huy Nguyên …

Trúc không mở ra ngay, bàng hoàng có, sợ có, xúc động có. Huy chắc không thể nào ngờ được ngay bên cạnh Trúc la` một Trưởng lớp Lý Thanh Quang, Huỳnh Thiên Quốc Thái (định cư tại Úc), Vũ thị Bích Thủy (Việt Nam), Vũ Lệ Chi & Trần thị Anh Thư (Mỹ), Trần Như Hải (Canada)

Huy là một người bạn có thể liệt kê vào danh sách « trẻ em khuyết tật » vì Trúc không bao giờ nghe Huy nói chuyện! Khi học 7P1, Trúc làm Phó lớp, hai chữ duy nhất Trúc nghe được từ Huy là « cám ơn »! Nguyên năm lớp 8P1, Trúc không nhớ Huy ngồi ở đâu trong lớp học mình, Trúc không thấy Huy đâu cả! Đợi sang 9P1, vào một giờ chơi Trúc hỏi Huy nhìn cái gì? Huy trả lời, « Không nhìn người ta sao biết người ta nhìn mình! » À, cái tên này cũng hay quá há, cũng biết trả lời trả vốn quá há. Ghét, không thèm nói chuyện luôn. Dẹp! Nhưng mà Trời không cho phép mình dẹp ai đó dễ dàng một cách ngang xương được! Sự hiện diện của Huy, đằng sau hai chữ mất tích làm cho bạn bè mình như lóe lên chút niềm tin hơn. Thế là, mọi người cùng đồng tâm, đồng lòng, lập ra một trang Blog Phan Sào Nam …

Video mang tên  » Có Một Câu Chuyện Như Thế … « , được bắt đầu như thế! Vẽ lại bức tranh mình đang ở. Vẽ lại dấu vết mình đi qua. Cho niềm tin mình bay cao, bay xa …

Trang Thanh Trúc

Có Một Câu Chuyện Như Thế …

Có Một Câu Chuyện Như Thế …
photos by Nguyễn Quang Huy
video by Trang Thanh Trúc

LES FEUILLES MORTES
paroles: Jacques Prévert
musique: Joseph Kosma

Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié…
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

REFRAIN:
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?
En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai!

Rôì Cũng Qua Đi

Rôì Cũng Qua Đi
Thơ Phạm Ngọc
Nhạc Trang Thanh Trúc
Phạm Kiên Hoài hòa âm
Quang Minh trình bày

Rồi Cũng Qua Đi…

Tháng mười
rồi cũng qua đi
mang theo những ngày giông bão
bỏ lại trên đường
chiếc lá vàng
bay lượn giữa cơn mưa
chào tạm biệt mùa thu
chào ngọn gió đầu Đông
chào em phía bên kia nỗi nhớ

Mùa Đông về
góc phố bỗng hoang vu
đã thấy lạnh
buốt mềm trên vai aó
nỗi cô đơn
vẫn dài đêm khát vọng
tình yêu em
dội sóng mãi không cùng

Tháng mười
về với những đợi mong
và niềm vui
chưa bao giờ có thật
với tình em
trong nỗi buồn quay quắt
đã một thời
mưa nắng phía sau lưng
trong bối rối
em chắc hiểu
điều anh chẳng nói

Hai chúng ta đã có lần nông nỗi
để hôm nay ngần ngại những ngôn từ
đợi mong gì cũng lỡ một mùa thu
anh xin giữ mùa Đông làm kỷ niệm
thôi em nhé!
Cứ lặng im đừng lên tiếng
để tình mình
đẹp mãi với mùa thu…

Phạm Ngọc
08102002
Mùa Khát Vọng – nxb Đà Nẵng 2004

Một Thoáng Phan Sào Nam

Hàng đứng, nhìn thẳng vào, từ trái sang phải Ghe Tổng là người mặc quần xám áo đen – Tấm hình này chụp tại sở thú, năm 1978. Trúc không có mặt vì đang bận chọc mấy con khỉ ở chuồng khỉ !

 

Trong lớp có sự hiện diện một Lê Quốc Tông (chữ ‘Tông » viết làm sao ta ? Có dấu ^ trên chữ o hay là không? Ghi không có dấu ^ sao thấy thiếu thiếu gì, mà ghi có dấu ^ thì sao thấy kỳ kỳ. Thôi, tạm thời mình để y vậy nghen. Ai đó biết mách mình với nha). Tông nhỏ con, mắt to, hay cười. Lên lớp 9P1 Tông với Huỳnh Thiên Quốc Thái ngồi ngay phía sau lưng Vũ Thị Bích Thủy và Trúc. Tụi này thân, chắc cùng một dạng nhỏ con và cái xóm phía tụi Trúc còn gọi là xóm nhà lá. Học không biết có chăm hay không chớ phá hơn giặc. Thủy lúc ấy « đang » vào cái tuổi mới lớn, không lăng xăng năng động như Trúc. Trúc thì cười giỡn suốt ngày! Mặc dù ngồi bàn thứ nhì, sau lưng Đỗ Thị Kim Phượng, rất gần tầm mắt Thầy Cô Giáo chớ đầu Trúc lúc nào cũng quay lung tung (nhìn thẳng lên bảng thì có gì vui!) Từ chỗ Trúc ngồi, liếc sang bên phải là Nguyễn Quang Huy (Huy chọn chỗ ngồi ngay cửa để chuông reo là dông ra khỏi lớp ngay hay sao vậy ta?),  cạnh bên là Vòng Cún Sáng. Ngay phía sau Quang Huy, Sáng là Vũ Lệ Chi, Bùi Thị Hương, Đặng Thanh Bạch, Nguyễn Thị Hường, Tuyết, Nữ, Thu Nguyệt, và một số bạn đổi từ lớp buổi chiều lên. Dãy giữa là Nguyễn Xuân Huy, Thế, Võ Văn Trúc, Lê Văn Sang, Chu Văn Thông, Phan Thanh Hiền, Nguyễn Thu Trang, Cúc, Dương Văn Hoàng,  Ngô Văn Hồng, Lý Thanh Quang. Hai chị em Hương, Hạnh, chị Ngô Thị Hồng, chị Cao thị Ánh Hằng. Cuối lớp là Trần Thị Anh Thư, Trần Như Hải.

Bàn Trúc ngoài Thủy còn có Hậu. Bàn Tông ngoài Thái còn có Đức. Tụi này hay xé miếng giấy nhỏ trong tập chơi trò « viết thư » rồi chuyền nhau đọc. Ví dụ, Thái biên :

– Đêm đông Đức đốt đèn đi đâu đó?

Thái chuyền cho Trúc, Trúc viết:

– Đức đốt đèn đến động đá đứng đợi đào!

Tông viết:

– Đào đến đào đá đít Đức!

Thái viết:

– Đức đau điếng! Đức đau đớn!

Trúc viết:

– Đáng đời!

Tụi này hay chọc quê Đức vậy đó nhưng Đức trơ ra rồi, chẳng ăn nhằm gì đâu!

À có chuyện này Trúc hay lợi dụng lúc Thầy Cô ghi chép trên bảng là a-lê-hấp quay ra phía sau, lấy cây thước kéo ống quần của Tông lên để xem mấy cái mục ghẻ ghê cỡ nào. Mỗi lần như vậy là bị Tông trợn mắt, phùng mang, quát cho một trận. Tông vừa quát  vừa loay hoay kéo ống quần xuống:

– Có quay lên không!

Nhìn Tông mà không nhịn được cười, mà hễ Tông lo kéo ống quần xuống là Trúc trên này lo lấy cây thước chận mấy ngón tay Tông lại:

– Con gái gì mà dô diên!

Thái tỉnh bơ:

– Dô diên đối diện thấy thương liền!

Tông quay sang Thái mắng mỏ gì đó rồi nói:

– Thái tê tê Trúc!

À khi không ra thêm cái từ tê tê trúc! Mát dây nặng luôn hai cái tên này.

Mặc dù bị Tông xì nẹc chớ phá Tông vẫn phá. Cứ hễ Tông sơ ý là Trúc mang cái cặp Tông đem giấu, Trúc quăng ra phía bên hông lớp 9P1 cho Tông đi tìm mút chỉ. Tìm được là Tông lấy cây thước rượt Trúc chạy một mạch, một hai kêu Trúc phải xoè tay ra cho Tông khẻ. Tông kêu Thái tiếp viện, chận đường lại không cho Trúc chạy thoát! Thái cũng tới, dang hai cánh tay ra có khác gì ông phú lích đâu. Nhưng chắc là Thái sợ Trúc tông vào người Thái làm gãy cái sóng mũi cao hay sao không biết Thái lách ra mở đường cho Trúc chạy!

Trúc đặt cho Tông cái tên gọi rất ư là âu yếm đó là Ghe Tổng! Gọi trại ra là anh Tông Ghẻ nhé.

Ghe Tổng của chúng ta xem vậy mà cũng đến một lúc đề nghị cái điều lạ thật lạ (với riêng Trúc, đương nhiên) là:

– Ta đến « đón » mi đi học, nghe!

Trời, trời, mình có bị lãng tai không vậy. Mới xưng Mày Tao chua cay cỡ nào giờ khi không đổi tiếng Tao thành Ta, tiếng Mày thành Ta. Nghe mà hết hồn luôn.  Đó là cái buổi sáng mà tất cả các khối lớp 9 được chụp hình lưu niệm trước cổng trường Phan Sào Nam. (Không biết có ai giữ được tấm hình này?)

Sáng đó, Tông đứng chờ Trúc ở cái cột đèn cách nhà khoảng 10 thước, Tông không dám kêu cửa mặc dù nhà không có con chó nào. Tông đứng đó từ bao giờ thì Trúc không biết, khi Trúc ra hai đứa đi bộ từ con hẻm ra ngoài đường cái. Khi đến gần tiệm bán bánh kẹo ô mai Lan Hương, Trúc đâm ra ngại, Trúc nói, thôi băng qua bên kia đường đi được không (thay gì đi bên lề đường này thì tới trường PSN luôn). Tông gật đầu. Thế là hai đứa băng qua đường.  Nhưng trước khi băng qua đường, anh Ghe Tổng của chúng ta thêm một đề nghị khác:

– Đưa cặp đây, ta ôm cho!

Chu choa ơi, sao hôm nay tử tế quá luôn vậy nè. Có định lấy cái cặp người ta rồi quăng đi đâu đó để trả thù không vậy ông  nội! Trúc nhìn Tông nghi ngại, nhưng Tông đã chìa bàn tay ra đỡ lấy chiếc cặp Trúc rồi. Cái cặp sáng nay nhẹ như bông gòn. Tông còn không mang cặp nữa mà. Thế là hai đứa băng qua đường, đi dọc theo con đường dẫn đến trường. Đang đi, Trúc vấp phải cục đá chập choạng suýt ngã. Tông lúng túng dùng chiếc cặp táp đỡ lấy cánh tay Trúc. Chắc là sợ nếu đỡ bằng tay, cô ba tê sẽ lấy hết cái ghẻ sang cả mình, đâu có được! Đâu có « chia của » ngang xương vậy được. Trúc nghĩ như vậy rồi cười trong khi Tông nhìn Trúc hỏi tới tấp:

– Có sao không vậy ?

– Không!

Trúc gượng đứng cho ngay ngắn chút:

– Chắc không ?

– Không chắc!

– Thấy chưa, đưa cái chân coi coi!

– Không có sao mà!

– Không có sao thiệt hôn ?

– Thiệt!

Lát sau Ghe Tổng nói thêm câu khác:

– Tóc mi dài rồi đó nghe. Đẹp! …

Anh Ghe Tổng của 9P1 nói được nhiêu đó đó – rồi thôi đó –

Trang Thanh Trúc


WILL YOU BE OUR FRIEND ANIMAL LOVERS

WILL YOU BE OUR FRIEND, ANIMAL LOVERS
Photos, video by :
NGUYEN QUANG HUY & TRANG THANH TRUC