Nostalgie. La Pose. Courbes. Féminité : Dương Phương Linh

nostalgie_duongphuonglinh

Nostalgie – Duong Phuong Linh

http://apou.hautetfort.com/media/02/02/1837421706.jpg

lapose_duongphuonglinh

La Pose – Duong Phuong Linh

http://apou.hautetfort.com/media/00/02/426565504.jpg

nostalgieduongphuonglinh

Courbes – Duong Phuong Linh

http://apou.hautetfort.com/media/01/00/1260914512.jpg

feminite_duongphuonglinh

Féminité – Duong Phuong Linh

http://apou.hautetfort.com/media/00/00/1424198533.jpg

Chiều hôm qua ghé nhà Linh ăn hủ tiếu Mỹ Tho xong còn được Họa Sĩ cho xem những bức tranh mới thành hình.

Tuyệt Vời : Hủ tiếu, Nostalgie, La Pose, Courbes, Féminité của Dương Phương Linh.

http://apou.hautetfort.com/

Dương Phương Linh

duong-phuong-linh6

http://linhnn.free.fr/calligraphyvietnamienne.htm


Trang Thanh Trúc (TTT) : Được biết Linh cũng cầm tinh con Rồng. Vậy theo Linh, người phụ nữ tuổi Rồng, là người như thế nào?

Dương Phương Linh (DPL): Là người dễ thương, dễ chịu, dễ mến, dễ ưa.

dplinhDương Phương Linh

TTT : Trúc không biết vẽ. Nhưng rất thích xem tranh Linh, đặc biệt góc « làm việc » của Linh. Cái góc đầy mầu sắc ấy, có từ bao giờ ?

DPL : Linh bắt đầu vẽ tư cuối năm 2005 nhưng cái góc khá sạch sẽ đó chỉ có cách đây chưa được 6 tháng. Trước đó Linh vẽ trên giuờng (trước truyền hình), hoặc ngay trên sàn nhà.

duong-phuong-linh-8

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Divers/Artiste.jpg

TTT : Lúc nào Linh vẽ? Lúc nào Linh đàn? Lúc nào Linh chụp hình? Và lúc nào Linh làm thơ?

DPL : 3 món đầu thì Linh làm lúc nào Linh có thể, còn thơ thì thói quen làm thơ ngay trong giờ làm việc, khi nào làm việc chán quá thi làm thơ cho mau tới giờ dzià.

TTT : Ngoài bốn bộ môn trên, có bộ môn nào mà Trúc chưa dược vinh hạnh biết không?

DPL : Còn … môn làm biếng đó Trúc.

duong-phuong-linh-10

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Paysages/Barques.jpg

TTT : Gần đây nhất, Linh vừa mới có một cuộc triển lãm tranh. Linh có thể nào cho biết thêm về quá trình cuộc triển lãm ấy được không ?

DPL : Nói chữ triển lãm nghe to tát quá, chỉ là một buổi ra mắt nho nhỏ ngay trong hãng Linh làm việc. Nguyên do khởi xướng cách đây khoảng một năm, khi mà một số bạn đồng nghiệp cuả Linh xem những bức tranh Linh vẽ và đề nghị Linh giới thiệu những bức tranh ấy vào dịp Giáng Sinh …

TTT : Những bức tranh đầu tiên, phát xuất từ nguyên do nào?

DPL : Biết vẽ là ước mơ thơ ấu cuả Linh, không bao giờ nghĩ mình có thể làm được nên không thử cho đến một hôm tự nhiên nói sao mình không thử … Thế là có nguyên do để bắt đầu … Linh tiếc là mình không chiụ thử sớm hơn.

duongphuonglinh3

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Portraits/Mamy1.jpg


TTT : Ví dụ nha, Trúc thích tranh quá, Trúc muốn có được một bức tranh vẽ cũng « ngang ngửa » như Linh vậy. Trúc phải làm sao? Trúc phải tìm ai để học?

DPL : Linh thì Linh chả tìm ai cả, trên mạng và các nhà sách có đủ tất cả những tài liệu cần thiết để mình bắt đầu. Hãy bắt đầu với cây viết chì, vài tờ giấy trắng, rất đơn giản, rất tiện và rất đầy đủ. Bắt chước vẽ lại tất cả những gì mình thấy thích. Trước là tập vẽ hình dạng sau đó là thể tích, rồi ánh sáng vv … … Cái bắt đầu nào cũng có khó khăn nhưng khi mình thực sự muốn thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua (điều này chắc Trúc còn rõ hơn Linh nữa à). Sau đó khi đã có một chút kiến thức lận lưng rồi thì mình có thể tìm thầy để học thêm những mánh khoé nghề nghiệp.

duongphuonglinh4

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Portraits/Mamie.jpg

TTT : Điều gì đối với Linh là quan trọng nhất trong cuộc sống hiện tại ?

DPL : Linh vẫn đặt gia đình là trên hết Trúc à. Xong bổn phận gia đình thi` tới đam mê của mình… Cuộc sống lúc nào cũng phải có mục đích thì mới có ý nghĩa.

duong-phuong-linh-7

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Divers/Pieds.jpg

TTT : Hãy nói một chút về tuổi nhỏ nghe. Hồi trước, Linh học ở những ngôi trường nào? Và Linh đã có những kỷ niệm nào đáng ghi nhớ nhất ?

DPL : Linh học tiểu học & trung học Hùng Vương, trong quận 5. Kỉ niệm đáng nhớ vẫn là thuở học trò phá phách, thuở mới lớn mơ mộng. Vẫn là những trận mưa rào cùng với mấy đứa em họ tắm mưa, hay những buổi chiều sau bữa cơm chơi Domino, đánh cờ tướng với tụi nó. Đứa nào thua phải uống nước phình bụng … Kỉ niệm thi` nhiều lắm làm đầu óc mình đôi khi không có chổ cho hiện tại … quên trước quên sau.

TTT : Trong trang Blog của Linh, http://apou.hautetfort.com/poeme/, Trúc có đọc được một bài thơ gởi ngày 19 tháng 10 năm 2008. Bài thơ dễ thương. Linh viết bài thơ trong tâm trạng hạnh phúc? Hay là ngày … Sinh Nhật?

DPL : Bài thơ này thật ra Linh viết cũng lâu rồi. Thơ thì viết nhiều lắm để hết trên Blog không xuể đâu nên chỉ để phụ hoạ cho tấm hình vẽ … Không nhớ là lúc viết mình có tâm trạng hạnh phúc hay không nhưng chắc chắn là Linh viết bài nay với tâm trạng vui, khi không vui thi thơ nó cũng yểu xiù hà.

duong-phuong-linh-9

http://linhnn.free.fr/images/Galeries/Divers/PointdePied.jpg


Câu Chuyện Chim Sẻ

Em kể anh nghe một câu chuyện mùa Thu

Dễ thương lắm của những con chim nhỏ

Giữa bóng chiều ngày lưng chừng đâu đó

Gió hiu hiu từng vạt nhớ buồn xo

Những con chim sẻ của mùa Thu lấp ló

Đứng chuyện trò hỏi đã đến Xuân chưa

Mà trong gió nắng cứ vàng như lụa

Mà cỏ cây còn e ấp thẹn thùa

Chúng bảo nhau cơn mưa ngày hôm qua

Làm rụng mất đám lông xinh nho nhỏ

Và cơn bão vừa ghé ngang qua ngõ

Làm tơi bời hú vía ngàn nỗi lo

Và rồi …

Câu chuyện lan nhanh đến những chỗ không ngờ

Chuyện chúng mình chúng cũng rành mạch rõ

Chúng kháo nhau ngày mai về bên đó

Chở hộ nàng ngàn nỗi nhớ rõ to …

Em bật cười nghe nắng ấm về thăm

Xoè bàn tay có những hạt gạo mới

Cám ơn nhé những chú chim nông nổi

Đã cho tôi một ngày vui trong đời

Mai thức giấc vuông cửa anh có khách

Nhớ đón chào anh nhé bạn chúng ta!

Dương Phương Linh

http://apou.hautetfort.com/poeme/

VÀI VẤN ĐỀ VỀ NHÂN SÂM – Nguyễn Đức Cường

ndc1

Nguyễn Đức Cường,

Sinh năm 1952 tại Sài Gòn

Cựu Học sinh Trung Học Mạc Đỉnh Chi, SG

Cựu Sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Đàlạt

Cựu Sĩ quan QLVNCH

Hiện đang hành nghề Đông Y tại Hoa Kỳ

Trú quán: Miền Nam California, USA

VÀI VẤN ĐỀ VỀ NHÂN SÂM

1/ Cách xử dụng Nhân Sâm:

Trong Y khoa Đông phương, Nhân sâm, là một trong những vị thuốc Bổ khá phổ biến, được biết đến như một thần dược, có khả năng hồi sức nhanh chóng, trong những trường hợp suy nhược tổng trạng sau một thời kỳ bệnh kéo dài, hậu sản hay hậu giải phẫu… Một cách tổng quát, Nhân sâm có những đặc tính và cách xử dụng như sau.

CHỈ ĐỊNH

1a/ Hồi phục nguyên khí: Bệnh nhân bị kiệt sức trầm trọng, với những triệu chứng Khí suy như: lạnh tứ chi, hơi thở ngắn và yếu, mồ hôi nhiều, mạch Nhược hay Vi tế (mạch rất nhỏ). Trong trường hợp này, Nhân Sâm có thể được dùng đơn độc, vẫn mang lại kết quả nhanh chóng, nhất là sau khi bệnh nhân bị mất máu nghiêm trọng, bất kể vì một lý do nào.

1b/ Bổ Phế khí, và điều chỉnh Khí: với những triệu chứng khò khè, hơi thở ngắn, thở mệt nhọc, với những biểu hiện của Phế Khí suy. Đây là những biểu hiện của Suyễn, một trong những nguyên nhân là do Thận không nạp được Phế khí.

1c/ Kiện Tỳ Vị: với những biểu hiện: Ăn kém, cảm giác đầy tức ở vùng Bụng và Ngực, tiêu chẩy mãn tính. Và nặng hơn nữa là Sa Bao tử, Tử cung, hoặc ruột già.

1d/ Sinh Thể dịch, và trị chứng Tiêu khát (Tiểu đường). Hoặc những trường hợp Khí và Thể dịch bị tổn thương do Sốt Cao và Toát Mồ hôi nhiều.

1e/ Bồi bổ Tâm khí và An thần: với những triệu chứng hồi hộp cùng với âu lo, khó ngủ, hay quên, và trạng thái bất an do Khí Huyết suy nhược.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Nhân Sâm có tác dụng rất hữu hiệu trong các trường hợp trên. Tuy vậy, chúng ta cũng cần thận trong, và tuyệt đối không dùng Nhân Sâm trong các trường hợp sau:

Huyết áp Cao. Chứng Âm hư sinh Nội Nhiệt, các chứng Thực Nhiệt, đang bị Cảm Cúm. Và trong các trường hợp mệt mỏi nhưng không có dấu hiệu Khí suy như đã kể trên (lạnh tứ chi, hơi thở ngắn và yếu, mồ hôi nhiều…).

Những trường hợp sau: Bệnh Gan Mật cấp tính, Viêm loét bao tử, Xuất huyết bao tử, Giãn Phế quản, Lao, Ho ra máu, Di tinh, Xuất tinh sớm, Ban đỏ, Phụ nữ thai nghén, trẻ em vị dưới 15 tuổi, cần tham vấn với một Bác sĩ chuyên khoa Đông y trước khi dùng Nhân sâm.

Liều dùng cho phép: từ 1 gram đến 9 gram mỗi ngày. Trong trường hợp khẩn cấp, như “sóc” do xuất huyết nặng (hemorrhagic shock), có thể dùng liều cao hơn trong một thời gian ngắn hạn, dưới sự quyết định và theo dõi của Bác sĩ. Cũng cần lưu ý một điều, trong khi đang xuất huyết, bệnh nhân tuyệt đối không dùng Nhân Sâm.

Dùng quá liều cho phép, có thể đưa tới những hậu quả như: Nhức đầu, mất ngủ, tim đập nhanh, và huyết áp tăng bất thường. Khi dùng Nhân Sâm, tránh dùng các loại Trà, có thể làm giảm hiệu quả của Nhân Sâm. Nhân Sâm có độc tính thấp, vì thế, dùng trong một liều lượng cho phép như đã nói ở trên, sẽ rất an toàn.

Nhân Sâm có thể dùng một mình (độc vị), nhưng không được dùng quá liều cho phép. Có thể dùng liện tiếp từ 10 đến 15 ngày, sau đó tạm ngưng 1 tuần lễ, rồi trở lại với liều lượng trên.

2/ Nhân Sâm và Tây dược:

Cho đến nay, chúng ta chưa ghi nhận được những sự xung khắc nào gây nguy hiểm cho bệnh nhân khi dùng Nhân Sâm và các loại Tây dược cùng một lúc. Tuy nhiên, dùng Sâm cùng một lúc với một số loại Tây dược, có thể làm giảm hiệu quả trị liệu của cả hai. Đặc biệt, một nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ cho biết, Nhân Sâm sẽ làm giảm tác dụng của Warfarin, một loại Tây dược chống bệnh máu đặc, cần thiết để phòng ngừa các tai biến về Tim mạch. Các bệnh nhân có vấn đề Tim mạch, cần lưu ý điều này.

Ngoài ra, khi dùng một bài thuốc có Nhân Sâm, hay các bài thuốc Đông y khác, chúng ta nên dùng trước, hoặc sau khi uống thuốc Tây 3 giờ đồng hồ là tốt nhất.

3/ Phân loại Nhân Sâm:

Có nhiều loại Nhân Sâm trên thi trường Đông dược, nói một cách tổng quát, có 3 loại chính như sau: Nhân Sâm Đại Hàn, Nhân Sâm Hoa Kỳ, và Nhân Sâm Trung quốc. Những người có bệnh Tiểu đường, đều có thể dùng Nhân Sâm, để chống lại triệu chứng Tiêu Khát (Thirsting Disorder).

Trong 3 loại này, Nhân Sâm Trung quốc không thể dùng trong trường hợp Cao Huyết áp, vì tính chất “sinh Hỏa” của nó. Nhân Sâm Đại Hàn và Nhân Sâm Hoa Kỳ, có tính chất Bổ Khí, trị Dương suy, nhưng lại không “sinh Hỏa”, vì thế, an toàn cho người có chứng bệnh Cao Huyết áp. (Tất nhiên, khi dùng hai loại Nhân Sâm Đại Hàn và Nhân Sâm Hoa Kỳ, người bệnh vẫn phải tuân theo những quy định về liều lượng cho phép.)

4/ Lưu ý:

Trên thực tế trị liệu, Nhân Sâm có mặt trong rất nhiều Bài Thuốc, áp dụng trong từng trường hợp bệnh lý. Để tránh lầm lẫn, đồng thời mang lại hiệu quả trị liệu cao nhất, người bệnh nên tham khảo với một Bác sĩ Đông y, hầu có thể có một công thức thích hợp nhất cho mình.

Nhân đây, chúng tôi xin lưu ý Quí vị một điều rất quan trong, với những bài thuốc đăng tải trên báo chí hay Internet, chúng ta chỉ nên xem đó là những tài liệu tham khảo, không nện xem đó là những cộng thức chung, thích hợp cho mọi người. Một bài thuốc Đông y, khác hẳn với Tây y, được gia giảm liều lượng từng vị thuốc một, tùy theo tình trạng bệnh lý của từng người. Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xẩy ra, khiến bệnh không thuyên giảm, lại diễn biến phức tạp hơn, vì người bệnh đã dùng một bài thuốc không thích hợp cho trường hợp của mình.

5/ Kết luận:

Nói chung, Nhân Sâm là một loại thuốc Bổ quan trong trong Đông y, khi kết hợp với một số bài Thuốc có tác dụng bồi bổ khác, có thể giúp cho việc trị liệu đạt kết quả nhanh chóng. Tuy vậy, Nhân Sâm không phải là một loại thuốc Bổ có thể dùng dài hạn. Vì thế, để tránh những hậu quả tai hại do dùng dài hạn và quá liều, hay không thích hợp, chúng ta cần tham khảo ý kiến với một Bác sĩ chuyên môn.

Nguyễn Đức Cường, L.Ac., Ph.D.

Nguyễn Đức Cường và câu chuyện Châm Cứu

Nguyễn Đức Cường,

Sinh năm 1952 tại Sài Gòn

Cựu Học sinh Trung Học Mạc Đỉnh Chi, SG

Cựu Sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Đàlạt

Cựu Sĩ quan QLVNCH

Hiện đang hành nghề Đông Y tại Hoa Kỳ

Trú quán: Miền Nam California, USA

TTT : Thưa anh, anh là một nhạc sĩ, thi sĩ. Vậy nguyên nhân nào đưa đẩy anh vào nghề châm cứu?

Đời sống lắm chuyện tình cờ, và một trong những tình cờ ấy, đã đưa tôi đến với khoa Châm cứu, một ngành Y khoa Đông phương mà trước đó, nhiều lần tôi cũng “tình cờ” nghe nhắc đến, nhưng rồi cũng để ngoài tai.

Đó là thời kỳ 1975-1985, một thập niên của Việt Nam đói nghèo, khổ đau và kiệt quệ đến tận cùng. Một chén cơm chia nhau, giá trị hơn ngàn lời hứa hẹn, môt viên thuốc cho nhau, nặng gấp trăm ân sủng mơ hồ. Người ta sống từng ngày để thấy mỗi ngày, đời mình một tan tác hơn. Cái đói lấn át cái bệnh. Và Bệnh, vô hình chung trở thành một sự xa hoa trên thân phận của mình.

Trong thời kỳ đó, ác nghiệt thay, vào giữa năm 1977, tôi bị đau răng, và viêm cả nướu răng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cơn đau trong những ngày đó đã hành hạ mình “tàn nhẫn” như thế nào! Thoạt đầu, tôi dửng dưng, ăn nhằm gì, nhà mình còn trụ sinh mà, Ampicycline chứ chẳng chơi đâu, chỉ cần 3 ngày thôi là mọi sự sẽ bình thường. Nhưng rồi 3 ngày trôi qua, mỗi ngày 1500 mg trụ sinh mà vẫn chưa thấy gì lay chuyển, lại thêm 3 ngày nữa. Lạ thật! Cái đau vẫn y nguyên, không những thế, mặt tôi đã bắt đầu sưng tấy, và tệ hại hơn, tôi không còn ăn uống gì được nữa. Ngay cả nói chuyện, cũng không, tôi phải dùng bút mực để “đối thoại” với người nhà. Rồi suốt một tuần lễ sau, tôi chỉ còn có thể hé mệng để uống chút sữa thay cơm mà thôi. Tiếp tục uống trụ sinh đến hết tuần lễ thứ hai, vẫn không kết quả, tôi bắt đầu hoảng hốt. Không hoảng hốt sao được, thời kỳ đó, người dân Sài gòn đã biết nếm mùi “Giấy giới thiệu”. “Hành trình” khám bệnh bắt đầu từ Trạm Y tế Phường, nếu chữa không xong, Phường mới cho giấy giới thiệu lên Y tế Quận. Nếu vẫn không xong, mới tới phiên nhà thương. Nhưng tại nhà thương, bạn sẽ được phát cho một đợt thuốc trụ sinh của Nga hay Tiệp Khắc… là những loại trụ sinh trói vi trùng không chặt. Được vậy cũng là may mắn, còn không thì sẽ là Xuyên Tâm Liên, một loại thuốc Đông y thường chỉ được dùng để trị các chứng nhiệt độc ở Phổi, đường tiểu, và Da khá hiệu quả, không hiểu vì sao, lại được Bộ Y tế nâng lên hàng thần dược có khả năng trị bá bệnh, cho bá nhân bá tánh! Tôi đành chịu trận nằm nhà, ôm lấy cơn đau, không biết sẽ tới bao giờ. Sau 14 ngày dùng trụ sinh liều lượng cao, cơ thể tôi nóng ran lên, cộng với cái đói vì không ăn được, tôi đành ngưng tất cả. Cho đến một buổi sáng đẹp trời, một người bạn, NCT, đã là một ca sĩ nổi tiếng từ trước 1975 đến thăm, thấy tình cảnh tôi, bèn nói:

-“Thôi, ông đi châm cứu đi!”

Tôi hỏi:(bằng giấy viết)

-“Châm cứu là cái gì?

-“Là người ta dùng kim châm vào huyệt trên người mình để trị bệnh”, T. trả lời.

– “Sao người ta biết trong người mình có huyệt mà châm?”

– “Trong người mình thiếu gì huyệt, người ta học thì phải biết chứ. Hồi xưa tôi học võ, cũng biết mà! Ông cứ thử đi, hay lắm đó, tôi bị bệnh viêm xoang mũi, cứ bị nghẹt hoài. Mấy năm nay rồi, ngày nào tôi cũng phải nhỏ thuốc Rhinex, không có là không xong. Nhưng từ ngày đi châm cứu đến giờ, tôi không còn phải lệ thuộc vào ba cái thuốc nhỏ mũi nữa, mà đâu có phải châm nhiều đâu, có 7, 8 lần à.”

-“Thôi đi ông, hai tuần nay tôi uống Ampicicline, loại của Pháp đàng hoàng, mà vẫn chưa thấy kết quả, huống chi là ba cái kim. Tôi định sẽ ngậm nước muối vài ngày, chờ hết sưng, đến Nha sĩ nhổ quách đi là xong”, tôi loay hoay viết trả lời vào tờ giấy. T. đọc xong, ra về một nước, nhưng trước khi ra khỏi cửa, còn nói với một câu:

-“Tùy ông, nhưng mà khi nào muốn, cứ tới đó thử xem sao.”

Nói xong, T. còn cho tôi địa chỉ rồi mới ra về.

Sáng hôm sau, tôi quyết định đến “thử xem sao”.

Đó là một căn nhà tư nhân trong một đường hẻm, bên cạnh chùa Giác Minh, trên đường Phan Thanh Giản. Tiếp tôi là một chị tên Sánh, tuổi độ 25. Chung quanh chị, rất nhiều bệnh nhân chen nhau ngồi chật từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Bác Năm, sư phụ của chị, chủ nhà, cũng là một cư sĩ Phật giáo cao niên, khoảng 70, nhưng trông rất khỏe mạnh, đôi mắt sáng quắc, từ ánh nhìn của Ông, người ta thấy toát ra thần uy của một vị La Hán. Đến nơi, tôi mới biết, đây là một điểm châm cứu chữa bệnh phước thiện, mà Bác Năm đã tự nguyện mở ra từ sau năm 1975 để giúp dân nghèo, không lấy một đồng xu thù lao nào cả. Sau này, tôi từng chứng kiến, rất nhiều người khỏi bệnh, đem quà cáp đến đền ơn, Bác nhất định trả về.

Chị Sánh hỏi tôi: “Anh đau làm sao?”

Tôi cố gắng nói:

-“Tôi đau răng quá, đến độ không thể ăn uống gì được suốt hai tuần nay!”

Chị xem xét vùng đau rồi bắt đầu châm. Tôi còn nhớ, chị đã châm cho tôi 3 huyệt, 1 ở góc hàm, và 2 huyệt khác ở vùng lưng trên (1). Thao tác của chị khá nhẹ nhàng, tôi chỉ có cảm giác thoáng qua như bị kiến cắn rồi thôi. Chị lưu kim 20 phút, sau đó lấy ra và bảo tôi trở lại vào ngày mốt.

Ngay chiều hôm đó, sau một giấc ngủ, tôi mừng quá, vì cảm giác đau đã vơi đi một nửa, nhưng điều làm tôi mừng nhất, là đã có thể ăn được một chút gì! Rồi mỗi giờ đồng hồ sau, cơn đau mỗi nhẹ dần đi, cho đến trước khi tôi gặp chị lần thứ hai, cơn đau đã giảm đến 70 %.

Lần này, ngay sau khi châm xong, Chị nói:

-“Chắc anh không cần trở lại đây nữa đâu.”

Quả nhiên, sau lần châm cứu thứ hai đó, tôi đã hết đau hoàn toàn. Chuyện quá khó tin, nhưng có thật. Nhưng cũng bởi vì quá khó tin, nên sau đó, tôi đã tìm cách lý giải một mình: “Có thể lúc mình tìm đến châm cứu, cũng là lúc thuốc trụ sinh đã bắt đầu tác dụng, chứ lẽ nào chỉ có vài mũi kim thôi mà lại khỏi nhanh đến thế.” Và tôi đã rất “yên chí” với lập luận của mình, cho dù ơn chữa bệnh của chị S., tôi không thể nào quên.

Đời sống cứ thế vẫn chầm chậm, mỏi mòn trên đôi chân uể oải của cả dân tộc. Những bất hạnh dẫy đầy chung quanh tôi, từ khi vận nước suy tàn, cũng đẩy câu chuyện đau răng chìm vào quên lãng thật nhanh. Cho đến vài tháng sau, cuối năm 1977, tôi bị cảm nặng. Thời tiết năm đó lạ lắm, chưa bao giờ lạnh đến thế. Có những ngày, người dân Sài gòn phải mặc áo len. Họ kháo nhau: “Bộ đội đem cái lạnh từ Bắc vô Nam!”.

Nhà tôi lại không còn một viên thuốc cảm nào. Từ sau cuộc đổi đời 1975, tôi thường chia thuốc cho hàng xóm, hay bạn bè những khi cần, và trước đó hai tuần, tôi đã chia đến viên Aspirin cuối cùng.

Không biết phải làm sao, tôi tìm đến Đặng Công Minh, một người bạn cùng trường Mạc Đĩnh Chi ngày nào. Sau 1975, anh cũng trở thành học trò của Bác Năm về khoa Châm cứu.

Đường đến nhà Minh gió nhiều và lạnh, lần đầu tiên, tôi phải mặc áo len giữa đường phố Sài gòn. Tôi đến Minh chỉ với ý định nhờ cạo gió. Nhưng trái với điều tôi chờ đợi, Minh muốn châm cứu cho tôi. Lần này khác với lần trước, anh châm và cứu (hơ ấm huyệt) cho tôi 4 huyệt ở vùng lưng trên (2). Để cứu, anh dùng một cây thuốc Ngải cứu to bằng điếu xì gà (Ngải cứu là một loại Đông dược, không liên quan gì đến loại cây ngải, thường dùng để luyện bùa ngải mà ta thường nghe nói đến).

Chừng 20 phút sau, Minh hỏi:

-“Xong! Ông thấy đỡ chưa?”

-“Có vẻ bớt sốt, và bớt nhức đầu, còn cái lạnh thì phải bước ra khỏi nhà mới biết được”, tôi trả lời.

Sau đó, chúng tôi rủ nhau ra một quán cà phê vỉa hè gần đó. Bên ngoài, gió vẫn từng cơn, mang theo chút hơi ẩm của một trận mưa sắp về. Chuyện phiếm chừng 30 phút, Minh lại hỏi:

-“Bây giờ đỡ chưa?”

Tôi đáp:

-“Ừ nhỉ, Ông hỏi tôi mới để ý, bây giờ hết lạnh rồi”, vừa trả lời, tôi vừa xoa vai, và chợt biết, mình đã quên mặc lại chiếc áo len dầy cộm như khi đến.

Sáng hôm sau, cơ thể tôi trở lại bình thường.

Đó là lần thứ hai tôi được chữa trị bằng khoa Châm cứu, kết quả nhanh hơn uống thuốc rất nhiều. Nhưng lần này, tôi cũng có một lý do khác: “Mình còn trẻ, sức đề kháng còn mạnh, nếu không uống thuốc hay châm cứu, sớm muộn gì cũng hết thôi”. Thế là một lần nữa, tôi nhìn kết quả trị liệu đến từ Châm cứu như một may mắn tình cờ.

Nhưng cũng từ hôm đó, trong tiềm thức tôi, dường như một điều gì đang thức dậy – vừa là một cảm xúc mỗi lúc một sâu đậm trước những dấn thân không điều kiện của những con người thật bình thường trong thoáng nhìn đầu tiên, nhưng “phía trong” là cả một cõi lòng dạt dào thương tưởng đến tha nhân, một tâm hướng vì đời không mệt mỏi – vừa là một phân vân về thân phận của chính mình, sẽ đi đâu, về đâu, khi mà chung quanh tôi, âm thanh của cái Ác ngày một lớn dần trong một xã hội từ sáng sớm đến nửa khuya luôn ồn ào khẩu hiệu, những giá trị nhân bản đích thực lui dần vào quá khứ, nhường lại hiện tại cho một cuộc sống còn quyết liệt. Người ta khinh ghét những lời tuyên truyền huênh hoang dối trá, chế diễu những luận điệu ngớ ngẩn vụng về, nhưng cùng lúc, trong tận đáy lòng một số người, nỗi sợ bị “xã hội mới” loại trừ mỗi ngày một lớn! Tôi hiểu, dân tộc Việt Nam đang đi vào một chặng đường mịt mùng nhất của lịch sử. Hư và Thực chồng chéo lên nhau trong tâm trạng từng người, và toàn cảnh cuộc đời trở thành một bức tranh bi hài rộng lớn!

May thay! Trong cảnh ngộ “Thiên Hạ mang mang ai người tri kỷ” (3) ấy, cái Thiện dù ẩn mình, nhưng vẫn còn đang tồn tại. Bác Năm, chị Sánh, anh bạn Minh, và nhiều người khác nữa, trong cách nhìn của tôi, là những viên ngọc lấp lánh hiện ra một cách bất ngờ trong những ngày tăm tối ấy.

Ba tháng sau, tôi lại gặp một vấn đề sức khỏe khác. Đôi chân bỗng nhiên bị mỏi nhừ và nóng âm ỉ một cách lạ thường, lúc đầu tôi không để ý, vì nghĩ là mình đi xe đạp nhiều, nghỉ ngơi ở nhà vài ngày sẽ hết. Nhưng không, cảm giác mỏi nhừ và nóng vẫn mỗi ngày một tăng, xoa bóp cũng không xong. Tôi vốn khó ngủ, nhưng khi ngủ được chừng một giờ đồng hồ, lại bị thức giậy. Cảm giác mỏi nhừ và nóng không ở bắp thịt, mà hình như ở tận trong xương tủy (4).

Tự xoa bóp cho mình thêm một tháng trời nữa, vẫn vậy, tôi hoang mang tự hỏi: “Hay là mình bị chuyện gì về Xương?”. Sau cùng, vào một buổi sáng, tôi quyết định đến nhà Minh một lần nữa để thử xem anh có thể giúp được gì không. Tôi vừa bước vào vừa nói:

-“Này, tôi đang có chuyện, nếu bạn giúp được, tôi sẽ xin làm học trò bạn luôn”

Minh ngạc nhiên:

-“Ông cần chuyện gì, mà học cái gì mới được chứ?”

-“Thì học Châm Cứu, nhưng mà ông phải chữa cho tôi khỏi cái vụ này mới được”. Tôi nhấn mạnh hai lần, có phần thách thức, vì không tin rằng chuyện “thần kỳ” sẽ xảy ra lần nữa.

Sau khi nghe tôi mô tả tình trạng của mình, Minh chẩn mạch, suy nghĩ vài phút, lẳng lặng sắp xếp bộ kim rồi bảo tôi nằm xuống. Sau lần châm thứ nhất, tôi chưa thấy gì thay đổi. Nhưng đến sáng hôm sau, khi thức dậy, cảm giác mỏi đã bớt đi một nửa. Tiếp tục châm cứu thêm hai lần, đôi chân tôi đã trở lại bình thường.

Lần này thì tâm tư tôi đã bị lay chuyển thật sự. Giữ đúng lời hứa, hai tuần sau, tôi chính thức trở thành học trò của Minh. Anh dậy tôi những bài học căn bản gồm các học thuyết Đông y quan trọng, những bài học về hệ thống Kinh Mạch và Huyệt đạo trong cơ thể, phương pháp chẩn đoán và quan trọng nhất, cách thiết lập một phương huyệt hữu hiệu (effective point’s prescription) để việc trị liệu đạt được kết quả nhanh chóng.

Câu chuyện từ ngày đó đến nay đã hơn 30 năm, trong quãng thời gian này, sau khi học với Minh, tôi đã trải qua nhiều giáo trình Đông y khác tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, nhưng phải thành thật mà nói, những bài học đầu tiên từ Minh đã giúp ích cho tôi nhiều nhất. Lúc đó, tuy còn khá trẻ, anh đã là một Đông Y sĩ vững vàng từ học thuyết cho đến thực tế lâm sàng. Ngoài ra, tôi cũng học được từ anh một thủ pháp khá điêu luyện, đưa kim vào huyệt mà bệnh nhân không hề cảm thấy đau, hoặc đôi khi nếu có, chỉ là một thoáng chốc rất nhanh. Thủ pháp độc đáo này, về sau, đã giúp cho bệnh nhân của tôi an tâm, không chút căng thẳng vì sợ kim trong lúc trị liệu.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình Tây học, trong họ hàng lại có vài người là Bác sĩ nổi tiếng. Vì thế, nếu tôi đã từng mang nặng thành kiến xem nhẹ Đông y, cũng là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ hồi tưởng lại, việc tôi trở thành một thầy thuốc Đông Y lại không bình thường một chút nào. Nói đúng ra là Đông Y đã chọn tôi, một kẻ từng chủ quan trong nhận thức về một nền Y Học cổ truyền quá sâu xa, lại có phần nào trừu tượng trong hệ thống lý luận, khiến những ai chưa thấu triệt, sẽ dễ dàng “nhún vai”, hay “bĩu môi” rồi kết luận rằng Đông Y chỉ là sản phẩm của một hệ thống học thuyết mơ hồ, không chứng minh được (như Tây Y) trong phòng thí nghiệm.

Đúng, Đông Y không thể chứng minh được sở trường của mình trong phòng thí nghiệm, nhưng trải qua nhiều ngàn năm trong lịch sử nhân loại, những Đông Y sĩ, đã chứng minh sở trường của mình bằng việc gặt hái rất nhiều thành quả tốt đẹp trong thực tế trị liệu. Những khẩu quyết trong học thuyết Đông Y cổ truyền, chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa Tâm lý (cảm xúc) và Sinh lý (phản ứng của hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm, cũng như của các cơ quan nội tạng trước cảm xúc), không khác gì những phát hiện của khoa Tâm Sinh Lý học sau này. Ngoài ra, Âm Dương, Ngũ Hành không chỉ là những học thuyết Y học thuần túy, mà còn là những nguyên lý, khai mở một nhãn-quan-đồng-nhất-thể giữa con người và vũ trụ bao la, đồng thời đem đến cho con người một nhận thức đúng đắn về mối tương quan giữa cá nhân với gia đình và xã hội.

Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vẫn thầm cảm ơn tất cà những người tốt bụng và thiện duyên đã đẩy đưa tôi đến với Đông Y, một kho tàng Y học mà không biết đến bao giờ tôi mới thấu triệt được hoàn toàn. Và tận đáy lòng, tôi ước mơ một ngày nào đó, Tây Y, với những tiến bộ và thành tích vượt bực của mình, sẽ thật sự song hành với Đông Y trong việc phục vụ sức khỏe cho con người. Ngày ấy, mối “lương duyên” giữa hai sở trường này, dù khá muộn màng, nhưng chắc chắn sẽ đem đến cho nhân loại một phương pháp an toàn và hoàn hảo hơn trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật, vốn không bao giờ kết thúc. Mong thay!

Chú thích:

1/ Sau này, tôi mới biết đó là huyệt Giáp xa, nằm ở góc hàm dưới. Hai huyệt kia đều mang tên Tâm du, vùng lưng trên.

2/ Hai cặp huyệt Phong môn và Phế du, vùng lưng trên.

3/ Một câu trong bài thơ “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trạc.

4/ Đông y gọi triệu chứng này là “steaming bone disorder”, bệnh nhân cảm thấy dường như Nhiệt âm ỉ phát sinh từ xương.

TTT : Xin anh giải thích sơ lược về khoa Châm Cứu.

Khoa Châm Cứu

Nói một cách tổng quát, khoa Châm Cứu là một ngành của Ðông Y, dựa trên học thuyết Âm Dương (Yin-Yang Theory), Ngũ Hành (Five-Elements Theory) và Kinh Mạch (Channel and Vessel Theory). Có tất cả 12 Chính Kinh (6 Kinh Dương, 6 Kinh Âm) và 8 Mạch (4 Dương Mạch, 4 Âm Mạch) được phân bố khắp cơ thể con người. Các Kinh Mạch này dẫn truyền giòng năng lượng (Energy – còn được gọi là Khí hay Sinh khí), liên hệ với các Nội Tạng. Bên cạnh đó, trong mỗi chúng ta, Âm-Dương là hai nguồn năng lực vừa đối nghịch, vừa hỗ tương nhau, cần phải được quân bình, để bảo đảm cho giòng Khí lưu thông tốt đẹp. Ngược lại, sự bất quân bình Âm-Dương sẽ khiến giòng Khí bị đình trệ hay tắc nghẽn, đưa đến rối loạn và bệnh tật.

Có trên 2000 huyệt (point) nằm trên và ngoài các Kinh Mạch, mỗi huyệt mang một nhiệm vụ riêng. Khoa Châm Cứu tin rằng, qua huyệt, người ta có thể tái lập được sự quân bình Âm-Dương, đưa giòng Khí trở lại bình thường, để phục hồi sức khỏe từ Tinh thần cho đến Thể chất.

Châm Cứu được thực hiện như thế nào?

Châm Cứu được thực hiện bằng các kỹ thuật Châm (Acupuncture), và Cứu (Moxibustion – hơ ấm), hay Điện châm (Electronic-Acupuncture) trong thời cận đại, nhằm kích thích và khai thông các huyệt hầu tái lập sự quân bình trong cơ thể. Ðó là một loại kim rất mảnh, đặc và nhuyễn, làm bằng kim loại không rỉ sét (steel metal alloy), nhỏ như sợi tóc, thậm chí nhỏ hơn. Khi châm kim, một chuyên gia kinh nghiệm sẽ khiến bệnh nhân hoàn toàn không đau, ngoại trừ thỉnh thoảng bệnh nhân có cảm giác thoáng qua như kiến cắn. Trong khi được trị liệu, đa số bệnh nhân cảm thấy thư giãn và dễ buồn ngủ. Mỗi khi huyệt được kích thích, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê, nóng ấm, hơi nhức quanh vùng huyệt, hoặc cảm giác rần rần chạy dọc theo đường kinh mạch tương ứng. Ðó cũng là lúc huyệt được “đánh thức”, được khai thông. Vì thế, những cảm giác trên chính là những dấu hiệu tốt, cho biết huyệt đã đáp ứng một cách trọn vẹn sự kích thích của kim.

Phản ứng phụ do châm cứu gây ra thường rất nhẹ và tạm thời, gồm có: hơi chóng mặt, cảm giác đầu trống rỗng. Tuy nhiên, các phản ứng phụ này có thể tránh được nếu bệnh nhân không quá đói hay quá no trước mỗi lần trị liệu. Cạnh đó, một cách hiếm hoi, khi mũi kim chạm vào những mạch máu nhỏ li ti (capillary – vi mạch), một hạt máu thật nhỏ có thể sẽ theo ra ngoài sau khi rút kim.

Khi được dựa trên sự chẩn đoán chính xác, và xử dụng một phương huyệt tương ứng, khoa Châm Cứu sẽ đem đến cho bệnh nhân kết quả trị liệu tốt đẹp.

Tuy nhiên, có vài điều bệnh nhân cần ghi nhớ, khi tìm đến khoa Châm Cứu như sau:

* Hãy lưu ý Y sĩ nếu bạn đang có thai. Điện châm, và một số huyệt tuyệt đối không được xử dụng trong trường hợp này.

* Nếu bạn đang mang trong người một thiết bị điều hòa nhịp tim (pacemaker), bạn cũng không thể được Điện châm. Hoạt động của máy điện châm sẽ làm rối loạn hoạt động của máy điều hòa nhịp tim.

* Nếu bạn dễ bị xuất huyết hoặc xuất huyết bên trong (bầm), hoặc bị bệnh hoại huyết, một phương pháp trị liệu khác sẽ thích hợp với bạn hơn là Châm Cứu.

Châm Cứu có thể làm gì cho bạn?

Việc lượng giá tình trạng bất quân bình khí lực của bạn dựa trên những phương pháp chẩn đoán riêng biệt của Ðông y như bắt mạch, nghe giọng nói, quan sát sắc diện, cùng những phương pháp chẩn đoán khác, cũng như Y sử cá nhân (medical history), và gia đình bạn (family medical history). Từ kết quả lượng giá này, người thầy thuốc sẽ đề ra một nguyên tắc trị liệu, và một phương huyệt thích hợp.

Sau thập niên 1970, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận khả năng trị liệu của khoa Châm Cứu như sau:

1/ Những bệnh thuộc về thần kinh, cơ bắp, xương và khớp như viêm khớp, đau thần kinh, khó ngủ, chóng mặt, và đau nhức.

2/ Rối loạn tâm lý và cảm xúc như suy sụp tinh thần, buồn chán (Depression), lo âu (Anxiety).

3/ Rối loạn tuần hoàn như huyết áp cao, nghẽn mạch máu cơ tim, thiếu máu…

4/ Nghiện rượu và thuốc lá, bệnh béo phì (Obesity).

5/ Rối loạn đường hô hấp như viêm xoang, dị ứng, khó thở, suyễn…

6/ Rối loạn đường ruột như dị ứng thức ăn, tiêu chẩy mãn tính, táo bón, khó tiêu, kém ăn, viêm loét bao tử…

7/ Giúp các sản phụ sinh nở dễ dàng và nhanh chóng.

Ðến năm 1997, một bản nhận định được công bố bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận khoa Châm Cứu rất hiệu quả khi được áp dụng một cách riêng biệt, hoặc kết hợp với các phương pháp khác để trị bệnh nghiện ngập, nhức đầu, hành kinh đau, đau cơ bắp, viêm khớp, đau lưng, hội chứng đường hầm bàn tay (carpal tunnel syndrome), và suyễn.

Ngoài ra, những nghiên cứu khác cho thấy Châm Cứu còn đóng một vai trò tích cực trong việc phục hồi chức năng trong các trường hợp tai biến mạch máu não (Stroke), thoái hóa thần kinh (Multiple Sclerosis), chống nôn ói sau khi mổ xẻ (do phản ứng phụ của thuốc mê), chế ngự những triệu chứng trước hoặc sau thời kỳ mãn kinh, chống tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể, tăng cường hệ thống miễn nhiễm.

Kết luận:

Bắt nguồn từ Đông phương, với một lịch sử trên 2.500 năm, Châm Cứu đã khởi đi từ những bước sơ khai, vượt qua nhiều thời đại để kiện toàn cho đến hôm nay. Từ tiền bán thế kỷ 20, Châm Cứu đã có mặt trong các tài liệu Y học tại Pháp, lan dần đến các quốc gia Tây phương khác. Ở những quốc gia này, khoa Châm Cứu đã mở ra những hứa hẹn như là một trong những phương pháp trị liệu hữu hiệu và tích cực. Mặc dù không thể nói rằng Châm Cứu có thể trị được bá bệnh, ta vẫn có những bằng chứng hiển nhiên là, nếu được áp dụng một cách thích hợp, khoa Châm Cứu đã và sẽ đem đến trên thực tiễn lâm sàng nhiều kết quả khá lạc quan.

Christopher Cuong Nguyen L.Ac., NCCAOM., Ph.D.

References:

Xining, Cheng. Chinese Acupuncture and Moxibustion. Beijing: Foreign Language Press, 1987.

Maciocia, Giovanni. The Foundation of Chinese Medicine New York: Churchill Livingston, 1989.

Maciocia, Giovanni. The Practice of Chinese Medicine. New York: Churchill Livingston, 1994

Acupuncture Today, Vol. 3, Number 1, An MPA Media Public, Jan 2002

Phỏng vấn tác giả hai bài thơ: Cha và, Mẹ Là Ngôi Chùa Nhỏ

dsc02232edit.jpg

Nguyễn Đức Cường

Sinh năm 1952 tại Sài Gòn

Cựu Học sinh Trung Học Mạc Đỉnh Chi, SG

Cựu Sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Đàlạt

Cựu Sĩ quan QLVNCH

Hiện đang hành nghề Đông Y tại Hoa Kỳ

Trú quán: Miền Nam California, USA

91.jpg

Cha

Khi những làn sương muối,
Pha màu trên tóc Cha,
Như ngàn cơn sóng bạc,
Trườn lên miền biển cả.

Khi thời gian đọng lại,
Nếp chùng gương mặt Cha,
Như nẻo đường thơ ấu,
Một thời con đi qua.

Là khi con lớn lên,
trong niềm tin nguyên vẹn,
lòng bâng khuâng hò hẹn,
cùng mơ mộng không tên.

Nhưng đời như lưới nhện,
giăng từ buổi ban sơ,
Nhưng đời như mũi tên,
chờ con tự bao giờ …

Làm sao đau đòn roi,
Cha cho con tuổi nhỏ.
Làm sao buồn cơn giận,
Cha cho con ngày thơ.

Khi lưng con đã hằn,
ngọn roi đời khôn nguôi.
Và khi con mất hẳn,
lòng bao dung của người.

Ôi ! Lời Cha sớm trưa,
vang lừng trong trí nhớ.
Xưa ghi vào trang vở,
nay ghi vào nắng mưa …

Khi bao điều nghĩa nhân,
chỉ là ngôn ngữ lạ.
Khi bao người biển lận,
hóa thân là thiên thần!

Dù thời gian qua mau,
con mãi là trẻ nhỏ,
con mãi là ngọn cỏ,
làm sao choàng núi cao.

Con mãi là chim non,
làm sao qua hết biển.
Con muôn đời bé mọn,
làm sao vào Vô biên …

Nguyễn Ðức Cường

(Tuyển Thơ Chân Dung)

Trang Thanh Trúc (TTT): Thơ 5 chữ, nói giùm anh điều gì?

Nguyễn Đức Cường (NĐC): Khi đặt bút xuống để mở đầu cho một bài Thơ, hình như tôi chưa bao giờ chọn lựa trước một thể loại nào. Với người sáng tác, mỗi khi bắt gặp cảm xúc là một lần hạnh phúc, nhưng đó lại là một thứ hạnh phúc đến rất bất chợt, rất mong manh, thoắt biến, thoắt hiện. Nếu không vội vàng đón lấy, và cứ mải chần chờ suy nghĩ về một thể Thơ nào… 5, 7, 8 chữ, Lục Bát, hay Tứ Tuyệt… mình sẽ dùng để thể hiện, tôi e rằng cảm xúc ấy sẽ không còn nữa, hoặc sẽ nhạt đi rất nhiều.

Mỗi thể loại Thơ đều có nét quyến rũ riêng khi chuyên chở ý tình. Thơ 5 chữ, không khác gì những thể loại khác, tất cả đều nói giùm tôi những tâm sự muốn giải bày.

TTT: Anh ví, « Mẹ là ngôi chùa nhỏ ». Thế còn Cha? Sao chỉ duy nhất một chữ mà thôi ?

NĐC: Như bao nhiêu người khác, tôi yêu Mẹ. Với tôi, Mẹ là một người tình đẹp nhất trên đời, một người-tình-không-bao-giờ-phụ-rẫỵ Cả đời tôi, niềm vui nhận được từ Mẹ quá nhiều, đến độ nhiều khi tôi phải ngồi lại một mình trong một góc yên lặng của đời sống để hồi tưởng, nếu không thì sẽ có một ngày, một niềm vui nào đó bị bỏ sót trong ký ức xuyên suốt tuổi thơ cho đến ngày khôn lớn, có phải tôi sẽ thiệt thòi lắm không ?

Người ta ví Mẹ là trăng sao, là biển rộng, suối hiền, là nếp một, là chuối ba hương… là gì gì đi nữa thì cũng chỉ là những cảm nhận lúc vơi, lúc đầy, về một chân dung bất tử của đời mình. Nói ngàn lời, viết muôn câu nhạc, vẽ triệu bức tranh về Mẹ của mình, bạn hãy thử đi, sẽ không bao giờ thấy đủ. Nhưng cũng không thể nào không nhắc về Mẹ. Bởi dù mất hay còn, hoặc có lúc mình vô tình lãng quên, Mẹ vẫn bàng bạc trong không gian ta sống, trong thời gian ta đi, trong tâm thức của mình.

Nhưng còn Cha thì sao nhỉ? Lạ thật, nhiều lần tôi cũng tự hỏi mình như thế, Mẹ là ngôi Chùa nhỏ là tựa đề bài Thơ viết về Mẹ, nhưng khi viết về Cha, tựa đề lại chỉ là một chữ Cha, sao không thể dài hơn danh xưng của Người?

Mẹ là người từ thuở ấu thơ, tôi có thể sà vào lòng như một con mèo bé nhỏ những khi cần hơi ấm, là người tôi có thể khóc với hay tỉ tê tâm sự, là người mà khi lớn lên bước vào đời, tôi vẫn có thể quay trở về bất kỳ lúc nào, để nương náu và chờ đợi đôi bàn tay mềm mại yếu đuối của Mẹ xoa dịu, hàn gắn tâm hồn tôi sau những lần thương tích.

Cha thì khác hẳn. Ngay từ thuở bé, ngưỡng mộ Người bao nhiêu, tôi lại càng không dám đến gần Người bấy nhiêu. Dù không ai bảo, nhưng đứng trước Người, tôi hiểu rằng mọi niềm vui, và nhất là nỗi buồn cần phải được chính mình… tiết chế! Tôi phải tập lớn khôn, dù với tuổi thơ, đó chưa là điều cần thiết, tôi phải tập hạ mình xuống lúc thành công, và phải biết nâng mình lên khi thất bại. Tôi phải tập đi một mình, dù chưa ai đòi hỏi. Tôi phải tự suy nghiệm trước những nan đề, dù chưa thật sự một mình. Tôi phải tập chuẩn bị cho một ngày mai bước vào đời, dù chỉ là một chú chim non chưa vững vàng đôi cánh. Rất hiếm khi Cha nắm lấy tay tôi, dù luôn bên cạnh. Rất hiếm khi Cha dỗ dành, dù tôi hiểu, Người không phải là gỗ đá.

Mẹ lúc nào cũng muốn tôi quanh quẩn một bên, Cha bao giờ cũng vẽ cho tôi một lộ trình tít tắp. Mẹ là lưu luyến quê nhà, Cha là những cuộc đi xa. Ngày xưa, trong trí óc trẻ thơ của mình, tôi thường tự nghĩ, ai đó ví Mẹ là biển, Cha là núi, chắc hẳn cũng vì như thế. Vì Biển là nơi để mình tắm mát, Núi là nơi để vượt qua… chính mình.

Nói về Mẹ, dễ dàng hơn nói về Cha nhiều. Vì Mẹ là trải ra, Cha là đọng lại. Nếu Mẹ là âm thanh của một cung đàn bất tuyệt, thì Cha là cả một cây đàn. Nắm bắt được hạnh phúc từ Mẹ không khó, vì hạnh phúc ấy luôn ở trước mặt. Nhưng để cảm nhận được hạnh phúc từ Cha, người ta cần phải đi qua một hành trình nào đó. Thời gian của hành trình ấy, đôi khi đến cả đời người!

Vì tình cảnh đất nước, tôi xa Cha Mẹ đến hơn 20 năm. Đó là một điều không may, nhưng suốt chặng đời dài đăng đẳng ấy, tôi vẫn còn có được một thứ hạnh phúc trong nhớ trong thương để tự an ủi mình. Nhớ những lúc ngồi bên ngạch cửa, nghe Mẹ tâm sự nhỏ to chuyện Hà Nội ngày nào, thời ấu thơ của Mẹ thoang thoảng gió Hồ Gươm, quyện lẫn hương trầm chùa Một Cột, sao hiền hòa và thơ mộng quá! Nhớ những lúc Cha im lặng suy tư về một thuở nào, ngắm “nắng Hè tô thắm lên môi”, nghe “thanh bình tiếng guốc reo vui”(*), để thấm thía những đợt sóng thế cuộc thăng trầm đang dội vào tâm khảm.

Chỉ khi xa rồi, tôi mới hiểu rằng cuộc đời Mẹ là một bài học về thương yêu và tha thứ, còn Cha là một vốn liếng để sinh thành và tồn tại. Giờ đây, tôi còn hiểu thêm được một điều, dù đã lặng lẽ khuất núi, âm thanh cùng bóng hình của Cha Mẹ vẫn hiện thân, không chỉ là ngọn hải đăng bên biển đời lồng lộng, mà còn là một nơi chốn rất yên và rất riêng để tôi, đôi khi thong thả tìm về…

13.jpg

TTT: Theo anh, Thơ là gì?

NĐC: Hình như mỗi người đều cất giữ trong tim mình một vũ trụ đầy mộng mị, làm hành trang đi trên… định mệnh của mình. Sự xung đột giữa Mộng và Thực bao giờ cũng đưa đến đổ vỡ. Và âm thanh của đổ vỡ, chính là Thơ.

TTT: Lúc nào anh làm Thơ?

NĐC: Tôi làm Thơ, vào những khi cần nuôi cho mình một hy vọng, hay những khi cần hàn gắn chính mình. Thơ vì thế, đôi khi là nụ cười, là phép nhiệm mầu nâng tôi qua thử thách; đôi khi là nước mắt, là phương thuốc thần làm vơi đi bất hạnh. Tôi làm Thơ để niềm hy vọng không hao mòn, và cũng để nỗi đau khổ nào đó trở thành quen thuộc. Khi trở thành bạn, Đau khổ sẽ chính là một thứ Hạnh phúc.

Làm Thơ cũng là một cách “vẽ” lại những chân dung tôi may mắn có được trong đời… Cha Mẹ, Thầy Cô, Người Tình, Bạn Hữu… và cũng để níu lại chia ly, để mất mát không thể nào xa mình hơn được nữa.

TTT: Thơ ảnh hưởng đời sống anh như thế nào?

NĐC: Thơ giúp tôi được tồn tại. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã sợ nhất một điều: sự vong thân. Thơ giúp tôi soi lại tâm thức mình mỗi ngày. Sống với Thơ là sống bằng hay sống với cảm xúc. Được như thế, những rung động ban sơ của tâm hồn sẽ còn nguyên vẹn mãi. Hành trình cuộc đời và lý trí ban cho con người kinh nghiệm, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận, nếu quá tin vào kinh nghiệm, tôi sẽ dễ bị “lạc đường”. Thơ, vì thế, giúp tôi giữ được những bước thăng bằng trên đường đời vốn rất chông chênh.

(*) Trích từ ca khúc Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương.

2.jpg

Mẹ là ngôi Chùa nhỏ

Con ngồi đây lặng lẽ,

Thương nhớ hoài mùa Xuân.

Con ngồi đây quạnh quẽ,

Riêng Mẹ đã bao lần.

Mẹ là ngôi Chùa nhỏ,

Ðón con về nương thân.

Mẹ là đôi mắt tỏ,

Tha cho con lỗi lầm.

Mẹ là Xuân bay qua,

Nuôi đời con khôn lớn.

Mẹ là hương sen ngát,

Về trong mộng hiền lành.

Như bầu trời lồng lộng,

Là mặt đất bao la,

Là mưa rào tuôn xuống,

Cho đường con thắm hoa.

Mẹ là nắng thênh thang,

Bình minh xưa chói rạng.

Là mây chiều lãng mạn,

Những ngày Thơ huy hoàng.

Mẹ là đêm thức giấc,

Ðêm xanh biếc ngàn sao.

Là vô cùng đôi mắt,

Có sương mù trên cao.

Mẹ đi suốt mùa Hè,

Qua hối hả mùa Thu,

Và mùa Ðông tất tả,

Riêng cho con mùa Xuân.

Nguyễn Ðức Cường

(Tuyển Thơ Chân Dung)

t r a n g t h a n h t r u c

thực hiện ngày 25/03/2008