RA MẮT SÁCH (tại Nam Cali)

Rất mong có dịp  gặp gỡ và làm quen với các Bạn trong ngày RA MẮT SÁCH

tại Nam Cali –  Chủ Nhật 27/12/2009  vào lúc 11 giờ trưa

Seafood Palace 1 – 11752 Beach blvd

Stanton, CA 90680

http://trangthanhtruc.com/w/

Đọc DON HỒ : TRĂNG VẪN TRÒN ĐÊM THÁNG TÁM

trung thu2  031009 trungthu3  031009

trung thu 031009 DonHo2

Không biết Tết Trung Thu với mọi người thì sao chứ trong trí của tôi Tết Trung Thu rất dễ thương, dễ thương lắm.

Tôi còn nhớ mồn một cái háo hức ngày xưa khi thấy ngoài chợ bắt đầu rực rỡ treo lên những chiếc lồng đèn cá chép, máy bay, con thỏ… Và cho đến khi được bố mẹ dắt đi mua, được nắm trên tay, tung tăng ôm cái lồng đèn về nhà, thì ôi nó mới sung sướng làm sao! Mà tôi hơi khó tính nhé, phải là lồng đèn giấy bóng kiếng đỏ rực rỡ, có quẹt màu lên với khung tre vót, lót khung bên trong mới chịu. Giấy bóng kiếng phải kéo cho thật căng. Bèo nhèo, nhăn nhăn là bị chê ngay. Cỡ lồng đèn xếp bằng giấy thì cho dù nó có lộng lẫy hay đẹp cách mấy vẫn không thể nào hấp dẫn tôi được.

Những năm còn ở bên Thái Lan, tôi không còn nhớ dân Thái có đón  Trung Thu hay không, nhưng rằm tháng tám về là mẹ tôi thể nào cũng ráng kiếm đâu đó được mấy cái đèn cho anh chị em chúng tôi rước đi, hát vang cùng nhà. Cho tới khi về lại Sài gòn thì cái thú được rước đèn đi lòng vòng với bạn bè, xóm trên qua xóm dưới, nó vui vô cùng tận.

Ngay từ buổi trưa Trung Thu là chúng tôi đã tự giác đi tắm rửa thật sớm, đầu tóc chải láng o. Ăn cơm cũng giục ầm nhà lên phải ăn cho thật sớm, không lần khân như mọi ngày. Khi trời sửa soạn xâm xẩm tối, lúc tiếng con nít bắt đầu lao xao ngoài đường là chúng tôi nôn nóng lắm rồi, chỉ ngóng chờ cho bố mẹ bật đèn xanh là chúng tôi cắm ngay cây đèn cầy vào đèn rồi tung cửa nhào ra nhập đám. Đi một mình không được nhé, phải đi một nhóm với nhau, bố mẹ dặn!

Tôi đã không biết được cảm tưởng của những đứa bé trạc tuổi mà bố mẹ không đủ sức sắm cho con một chiếc lồng đèn, vì may mắn thay gia đình chúng tôi thuộc loại trung lưu, tương đối cũng không quá túng bấn trong lúc ấy. Một lần đã đọc ở đâu đó câu chuyện của người cha già yếu, bịnh hoạn đạp xích lô. Thương con, ráng hết sức tàn đạp thêm một cuốc xe cuối cùng trong đêm mưa để ôm về trong ngực áo được cho con một chiếc đèn lồng ấm áp, xinh xắn. Người cha ngã gục sau khi nhìn thấy ánh mắt con trẻ rạng ngời hạnh phúc…. Tôi rưng lệ, cảm động lắm. Thầm tự hỏi sao bố mình không làm nghề … đạp xích lô rồi ôm về cho tôi cái lồng đèn thay vì dắt tay đi mua như bao người? Chắc là tôi sẽ khẽ hét lên, rồi chạy ra ôm chầm lấy bố. Hôn hai bên má bố rồi hai tay nhận lấy cái lồng đèn một cách nâng niu, trìu mến. Còn chuyện bố có sẽ gục ngã ngay như trong câu chuyện đã đọc thì tôi cố tình bỏ lửng, không thèm nghĩ xa hơn…

Lần cuối cùng tôi còn được rước đèn, khi ấy thành phố mới bị đổi tên. Cúp điện kinh niên. Ngày nào cũng cúp. Cúp bất kể sáng, trưa, chiều, tối… Cúp không màng lễ lộc… Chập choạng tối rằm tháng 8 trời vẫn còn oi nóng. Nhà nhà thắp đèn dầu tù mù ảm đạm. Đèn dầu thì cái bóng chụp hay bị ám bồ hóng, ánh lửa thật hiu hắt. Trong khi lồng đèn thì mới tinh, giấy bóng trong, nhìn thấu xuyên ngọn nến sáng tươi, lung linh nhảy múa. Tâm trạng cuả người lớn khi ấy phiền muộn chuyện nước non gì chúng tôi còn nhỏ quá không cần màng tới. Chỉ biết trời càng tối, đèn đường càng mờ thì đèn rước càng sáng, càng vui. Nhà tôi ở trong một đường hẻm tương dối lớn, đối diện với Việt Nam Quốc Tự, được gọi là khu Vườn Bà Lớn, toàn những gia đình trung lưu, ngay sát cạnh chung cư Nguyễn Thiện Thuật. So với lứa trẻ bên chung cư, chúng tôi khá hơn nhiều về mặt vật chất. Bạn bè cùng lứa trong xóm khi ấy vừa mới tụ tâp, rộn rã cười nói được vài câu thì ở trong hẻm tối ào ra một đám trẻ bặm trợn chắc từ bên chung cư sang, xông vào chúng tôi dựt phá lồng đèn. Dĩ nhiên phản xạ tự nhiên chúng tôi dựt tay ngược lại. Những chiếc đèn chao mạnh, ánh nến hoảng hốt, liếm lên mặt giấy bóng kiếng, bắt lửa, bừng cháy. Góc phố lóe lên những ánh lửa phừng phừng rồi ngóm tắt. Chúng tôi mặt đứa nào đứa nấy méo xệch, ngỡ ngàng. Đang ngơ ngác, chưa kịp nhận thức được chuyện gì mới xảy ra thì đám kia rít lên :

« Cấm tụi bay khóc nhe mậy? Khóc là tụi tao đục cho phù mỏ đừng trách nha! ».

Chúng tôi mếu máo ngó nhau. Một giọng không ngăn nổi, bật òa khóc. Thổn thức … Rồi nối nhau hai, ba bốn… Người lớn trong nhà ùa ra. Đám trẻ mất dậy vội lẩn mất tăm. Thôi chẳng còn đèn mà cũng chẳng còn nến! Đám nhỏ sụt sùi, sụt xịt… Người lớn cau mặt, buồn so. Bỗng cô hàng xóm ngày xưa làm sở Mỹ thì thào vào tai mẹ tôi. Người lớn thầm thì chuyền nhau… Vài người biến mất. Tụi tui đứng xụi lơ. 15 … 20 phút sau, người lớn lần lượt trở ra, trên tay mỗi người 2, 3 lon sữa bò trống, được cột dây vào 2 đầu và móc vào những cái que, trong có thắp lung linh nếp. Đèn Trung Thu dã chiến được chế biến cấp tốc. Đám nhỏ ngần ngừ, quay qua, quay lại liếc nhìn nhau. Ai cũng được trao cho một chiếc đèn độc chế. Ai cũng giống ai. Một người lớn ngân nga: « Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường… ». Hai giọng, ba giọng hòa theo … Rồi mọi người bỗng cùng đồng thanh ngân tiếng. Người lớn hát, con nít hòa. Đèn dã chiến nhấp nháy, phản chiểu áng sáng của nhau trên bề mặt sắt bóng loáng của lon sữa, lạ lạ, hay hay… Chúng tôi di chuyển, bắt đầu tha đèn đi từ đầu trên qua xóm dưới, dưới ánh mắt không mấy thiện cảm của những người phường đội đang canh gác đầu xóm. Buổi rước đèn ấy lại trở thành một kỷ niệm nhớ đời nhất trong tôi. Nhớ mãi mấy chục lon sữa bò lấp lánh ánh trăng đêm rằm năm ấy.

Những năm sau đó, tôi đã lớn hơn lên để không còn rước đèn mà thế vào đó là những cuộc vui khác. Vả lại gia đình bắt đầu xuống dốc nên chúng tôi có muốn cũng không dám đòi hỏi. Nhưng mỗi lần lại thấy lồng đèn Trung thu treo nhan nhản khắp nơi, tôi lại thấy lòng mình bâng khuân nhoi nhói nhớ. Tôi vẫn muốn được đưa tay rờ những chiếc lồng đèn xinh xắn. Muốn được ngửi cái mùi giấy bóng kiếng rất đặc trưng của chiếc đèn.

Đêm nay lại Trung Thu đấy. Ngó qua khung cửa sổ máy bay, ngang tầmmắt, mặt trăng sáng ngà, rực rỡ lớn. Bên dưới, ánh đèn của thành phố Houston qua đám mây mịt mù, bắt đầu trải dài, nhấp nháy, thoang thoáng giống những ánh nến lung linh phản chiếu trên những lon sữa bò năm xưa. Tôi như đi lạc giữa con trăng và vùng lấp lánh sáng. Chỉ còn thiếu bóng chị Hằng Nga và chú Cuội. Đưa mắt tìm kiếm bóng dáng cây đa trên cung trăng. Chắc hẳn trong khoảnh khắc này, không ai gần Cung Hằng bằng hành khách chúng tôi. Những vệt xám mờ nhìn không giống cây đa to mà giọng mẹ đã mơ màng kể sau khi chỉ lên mặt trăng năm xưa chút nào!

Máy bay chúi nhẹ. Giọng người tiếp viên hàng không thông báo sửa soạn đáp. Con tàu lẩn vào vùng mù mịt mây mưa, xám ngắt, rung nhẹ. Mọi thứ bên ngoài cánh cửa sổ bỗng tối sầm…. Rồi vượt qua cụm mây ấy, cung hằng lại chợt rực rỡ sáng lòa… Tôi có nhìn lầm hay không? Kìa cây đa to sừng sững xõa lá… Chú cuội? Chị Hằng?

Lại tối sầm… Ô, khuôn mặt thấp thoáng, phải chăng … khuôn mặt tranh tối, tranh sáng của chú cuội phản chiếu trên khung kiếng đang ngó thẳng vào tôi cười? Chị Hằng bồng bềnh tóc nhướng đầu ngó ra… Giọng người con gái Á Châu ngồi ghế giữa ngay bên cạnh tôi,đang nhoài người ngắm thành phố bên dưới, nhẹ tênh:

« Anh là người Việt? Anh có biết đêm nay là Trung Thu? Tôi chúc anh một đêm Trung Thu an lành nhé… »

DON HỒ