Parc de Bercy – Chủ Nhật Mưa

Sao chữ Em, Anh hay viết hoa quá há ?

Lắng nghe mưa hát …

Chơi Vơi

Mong Manh

Sắc Màu

Sắc Màu (2)

Dịu Dàng

Dấu Vết Mùa Đông

Dấu Vết Chiều Mưa

Thế nào Anh cũng trở lại …

Trời đã cuối tháng Ba …

Hôn

Tim Tím

Điểm Hẹn

Mong Chờ

Dáng Hoa

Bàn tay Em đây Anh

Parc de Bercy – Métro Bercy – Paris quận 12

Trang Thanh Trúc

Square de Montsouris – 6 giờ chiều …

Khai mạc mùa Xuân …

Tình cờ bắt gặp những nhánh nhỏ li ti ven đường …

Không một ai …

Nếu Anh thấy ánh sáng rọi qua khung cửa, nghĩa là Em không đi vắng …

Chờ …

Dõi mắt trông theo

Cánh cửa nào cũng khép, biết Em đâu mà tìm?

Nếu mùa Xuân không trở lại, không Hoa Vàng, hành lang sẽ ra sao?

Màu trắng ở lại trong chiều …

Mưa nhẹ thôi và, gió nhẹ thôi …

Hãy kiên nhẩn! Mặt trời sớm muộn cũng quay về …

Lủng lẳng

Square de Montsouris (Paris quận 14) – Station Cité Universitaire

Trang Thanh Trúc
Paris, tháng 03 năm 2010

Bài 37- Xem Ảnh Thanh Trúc – Giáo Sư Lê Văn Khoa thực hiện

Lê Văn Khoa sinh năm 1933 tại Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long miền Nam Việt Nam. Là một người tị nạn chiến tranh, Ông đặt chân đến Hoa Kỳ vào năm 1975. Ông viết nhạc với nhiều thể loại và đã có khoảng 600 nhạc phấm và hòa âm. Ông cũng đã soạn hòa âm về nhạc dân ca và nhạc phổ thông Việt Nam cho Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và Dàn Giao Hưởng Việt Mỹ (VAPO). Lê Văn Khoa cũng viết bài về âm nhạc và là chủ biên chương trình « Nhạc Trong Đời Sống của Chúng Ta », Đài Phát Thanh Little Sài Gòn.

Lê Văn Khoa tự  học Nhiếp Ảnh từ thuở hai mươi và đã được nhiều giải thưởng. Năm 1968, Ông cùng sáng lập Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (HNANT) và giúp Hội xuất bản 3 quyển sách. HNANT là một trong 10 hội đứng hàng đầu trên thế giới trong cuộc thi Nhiếp Ảnh Quốc Tế Al Thani và được huy chương vàng trong thể loại « Hội Ảnh Tốt Nhất » ở cuộc thi Trierenberg Super Circuit tại Áo Quốc. Lê Văn Khoa là người Việt đầu tiên có ảnh triển lãm ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông đã là giáo sư môn nhiếp ảnh tại Đại Học Salisbury State College, Tiểu Bang Maryland, năm 1976-1977.

Nguồn:  http://www.cothommagazine.com/

Bài 37- Xem Ảnh Thanh Trúc – Giáo Sư Lê Văn Khoa thực hiện

Hôm nay mời bạn ảnh xem hình của một người, theo tôi, rất lạ, rất nên tìm hiểu. Người đó là cô Thanh Trúc. Vài dòng vắn tắt để giới thiệu với các bạn nhân vật này. Tên trọn vẹn của cô là Trang Thanh Trúc. Theo cô kể, bên ngoại theo ngành sư phạm và bên nội làm thương mại, có dịch vụ ở Nam Vang, Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh. Đó là lý do gia đình cô di chuyển nhiều. Cô chào đời ở Nam Vang, Cam Pu Chia. Cùng gia đình về Sài Gòn năm 1969. Năm 1970 lên Đà Lạt. Cô từng theo học trường Lasan d’Adran, học nội trú Couvent des Oiseaux.

Về lại Sài Gòn năm 1975, học trường Trung học Phan Sào Nam. Năm 1978 được bảo lãnh qua Pháp và cư ngụ tại Paris cho đến nay. Cô viết văn (đã xuất bản sách). Cô viết nhạc (có nhiều CD nhạc đã phát hành). Cô chụp ảnh (để dùng trên trang nhà vì không muốn tự ý dùng hình

của người khác). Ở đây chúng tôi chỉ nói đến ảnh của Thanh Trúc thôi. Riêng sự tự trọng của cô, không tự ý dùng ảnh của người khác, nhất là khi không biết tên tác giả để ghi lời tri ân, đã thu phục cảm tình của tôi. Thử xét qua giới nhạc của ta, có bao nhiêu bài nhạc được thu thanh, được phát thanh mà người ta không hề nhắc đến tên tác giả. Dù hay dù dở, dù đẹp dù xấu, Thanh Trúc tự chụp hình để dùng. Chụp mãi rồi quen, rồi ghiền. Chụp nhiều, trong đó thế nào cũng có ảnh đẹp để dùng. Paris, thành phố lớn, có nhiều công viên, nhiều cảnh đẹp để Thanh Trúc tha hồ mà chụp ảnh. Mời bạn vào thế giới ảnh của Thanh Trúc:

Ảnh 1. “Chờ Phone Của Anh“


Nghệ sĩ thấy những cái mà ta không thấy, nghĩ những điều mà ta không nghĩ tới, dùng chữ mà ta không không thường dùng. Nhìn ảnh này bạn thấy gì? Một bàn máy đánh chữ hiệu Underwood cũ xưa, một đồng hồ reo ở bên cạnh, những thứ không ai dùng đến ngày nay. Những tờ giấy ghi chép dán đầy trên tường. Mặt bàn thật gọn, thật sạch chứng tỏ lâu rồi không có ai ngồi vào đây để làm việc.

Chúng chỉ còn là dấu tích của một thời đại đã qua. Thanh Trúc chụp ảnh này trong thư viện Shakespeare vì Thanh Trúc thấy khác hơn chúng ta và Thanh Trúc cho ảnh này cái tên ta không ngờ “Chờ Phone Của Anh”. Sao tình tứ thế? Tính chất lãng mạn vốn có ở trong lòng người chụp ảnh đã để lộ ra ngoài. Như vậy ta cứ theo đường hướng này mà phăng lần ruột rà của tác giả.

Điều tôi xin minh xác ở đây là tôi chưa hề quen biết, chưa nói chuyện với Thanh Trúc dù là qua điện thoại. Tôi được biết ảnh của Thanh Trúc qua hai ảnh giới thiệu của Phan Anh Dũng bên Cỏ Thơm Magazine, nhận thấy ảnh của cô có nét đặc biệt nên yêu cầu cô chia sẻ với người yêu ảnh bốn phương. Thanh Trúc vui vẻ nhận lời.

Ảnh 2. Cồng Viên Lá vàng


Một người viết văn, làm thơ, viết nhạc phải là một người có tâm hồn nhạy cảm trước nét đẹp. Một chiếc lá rơi có thể làm cho người đổ lệ. do đó Thanh Trúc không thể nào bỏ qua ghế trống công viên chiều Thu. Sừng sững trong chốn hoang vắng này chỉ có mấy pho tượng đá bất động không biết đã từ bao lâu rồi. Người có nhớ chăng những lời hẹn hò một chiều thu năm trước?

Ánh sáng yếu nhưng cũng đủ cho ta thấy màu vàng của lá thu trái sáng in lên nền đen và xanh sậm của lùm cây không được nhận ánh nắùng. Ánh sáng dịu, không chói chang thích hợp với khung cảnh chiều Thu buồn.

Ảnh 3. “Dâng Hiến”


Tính chất lãng mạn đã giúp Thanh Trúc thấy đá cứng vẫn có chất mềm dẻo của da thịt, những đường nét của đá giống như đường nét của thân người để chụp ảnh bức tượng đẹp này. Điều làm tôi ngạc nhiên rất nhiều vì Thanh Trúc cho biết chưa hề học qua lớp nhiếp ảnh nào, và ngỏ ý mong muốn có dịp được học hỏi thêm. Nhưng trong các ảnh của Thanh Trúc chứng tỏ cô có căn bản bố cục thật vững. Có thể có bạn khó tính sẽ trách Thanh Trúc cắt ảnh quá cận ở đầu nên không thấy hai tay của cô gái trẻ ôm đầu ông già trong cơn kích động mãnh liệt. Theo tôi Thanh Trúc cắt hai bàn tay cô gái rất tốt, để người xem không tìm nhìn thêm mà quên đi phần hấp dẫn chính là nét mặt, thế nằm ngửa và

bộ ngực trần của nữ thần hiến dâng thân xác cho thần Pan trong thần thoại Hy Lạp. Dĩ nhiên tác phẩm điêu khắc có hình thể trọn vẹn là một tuyệt tác nơi bảo tàng viện Louvre, nhưng người chụp ảnh ghi nhận một phần hấp dẫn nhất của pho tượng là tài khéo của người chụp ảnh.

Ảnh 4. Dáng Khuya


Cũng nơi bảo tàng viện Louvre ở Paris, cảnh đêm bên ngoài rất hấp dẫn mà Thanh Trúc đã thu vào ống kính máy ảnh của mình. Một ảnh

đêm rất sắc nét và có chiều sâu đáng nể. Chủ điểm đặt vào đúng vị trí. Những chỗ sáng và tối không phá bố cục toàn ảnh nhưng bổ túc lẫn nhau. Với tâm hồn văn thơ Thanh Trúc đã nhân cách hóa ảnh của mình bằng tên rất gợi hình lẫn gợi tình là “Dáng Khuya”. Nếu ghi nhận được sự ướt át nhiều hơn của đường đêm, ảnh sẽ linh động hơn nhiều. Nhờ chụp với máy ảnh digital nên Thanh Trúc chụp ảnh xong, lên métro ngồi, mở máy ra xem ảnh và nghĩ phải làm gì với ảnh mới chụp, nhờ đó cô thấy đường về nhà không còn xa nữa.

Ảnh 5. Đèn Khuya


Cũng nơi bảo tàng viện Louvre, có thể cùng một chuyến đi Thanh Trúc chụp ảnh Đèn Khuya. Đường phố vắng tanh sau cơn mưa ướt nên mặt

đường ghi nhận sự phản chiếu ánh sáng đèn đường đồng thời hắt lên vách tường, giúp vách tường đỡ tối. Trời khuya không còn người qua lại,

Đèn Khuya hai hàng thẳng tắp theo đường phối cảnh vững vàng, vẫn sáng. Thanh Trúc bố cục ảnh theo trực giác bén nhạy của mình. Cô xác

nhận là chụp ảnh nhiều nhưng không phải ảnh nào cũng đẹp, cô chụp để ghi dấu những khoảnh khắc của thời gian xảy ra quanh mình. Đúng vậy. Không ai có tài gì để chụp ảnh nào cũng thành tác phẩm nghệ thuật.

Tình cảm đã dắt Thanh Trúc đi khắp các nẻo đường để nhìn thấy cái đẹp ở quanh mình, dù đó là tượng đá, là chiếc máy đánh chữ cổ lỗ, những đoạn đường hoang vắng trong đêm khuya. Cô chụp rất nhiều nhưng tôi chọn ảnh những nhánh cây trụi lá để đi vào khối tình cảm lắng đọng,

man mát buồn mà ta đang xem.

Ảnh 6. Mấy Nhánh Ngậm Ngùi


Những nhánh cây khô lòa xòa buông xuống trên mặt sông nước mà tôi thấy bên dưới có trăm ngàn bóng ma dang ve vẩy rủ rê. Có thể Thanh Trúc đang thương tiếc những chiếc lá đã lìa cành trong một hình ảnh, một không gian tương đối tĩnh. Cùng một ảnh người khác xem có thể có một cảm xúc khác hơn. Riêng tôi, tôi thấy trong cái tĩnh có cái động, trong nét buồn tàn ẩn nhịp vui, một niềm vui tái hợp dù là trong ảo ảnh. Có những nhánh cây đã chạm vào mặt nước, những bộ xương khô sắp chìm vào hư vô để rồi không còn gì nữa. Ảnh này mặt nước quá xám thành quá nặng nề bi đát. Đề nghị Thanh Trúc cho nước sáng hơn, ảnh sẽ dễ nhìn hơn nhiều.

7. Nỗi Xôn Xao Không Màu

Đây là trường hợp Thanh Trúc thấy những gì chúng ta không thấy, hay ngược lại, những gì ta thấy thì Thanh Trúc không thấy. Này nhé, ta thấy ảnh có nhiều màu, Thanh Trúc nói không màu. Ta thấy tĩnh lặng, Thanh Trúc thấy xôn xao. Nghệ sĩ có thể xuyên cái này để thấy cái

khác, thấy không phải bằng mắt mà bằng nhận thức, bằng cảm nhận. Thanh Trúc chụp ảnh này xuyên qua cửa sổ của một quán cà phê nên ảnh không được trong như ảnh chụp thẳng. Tôi ngạc nhiên khi Thanh Trúc nhận ra nét đẹp của những chiếc đèn này. Người bày trí đã cố tình

sắp bốn ngọn đèn theo bố cục, có thể đã treo đó rất nhiều năm, nay Thanh Trúc nhận ra và chụp ảnh. Tôi đề nghị Thanh Trúc cắt bớ bên trên và bên mặt một ít, bố cục ảnh sẽ mạnh hơn nhiều. Có lẽ cô chụp ảnh này cùng một chuyến viếng Louvre.

Ảnh 8. Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông


Một tên tựa ảnh rất lãng mạn diễn tả một tình cảm rất đậm đà. Thanh Trúc vốn là người chơi piano từ còn rất trẻ nên chiếc piano cổ trong thư viện Shakespeare gây sự chú ý của cô. Như máy đánh chữ trong ảnh 1, có lẽ không ai được đụng đến cây đàn piano này. Chờ Phone Của Anh, ta không thấy người em gái nhìn chăm vào cái điện thoại, đến Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông, không có người đánh đàn, không có âm vang mà Thanh Trúc vẫn thấy, vẫn nghe ra là sự mầu nhiệm cần thiết của trí tưởng tượng để sáng tác.

Ảnh 9. Sau Cơn Bão


Chụp ảnh có tính cách phóng sự cần có sự luyện tập và khả năng đặc biệt, Thanh Trúc chưa từng học chụp ảnh mà chụp được ảnh này trong chuyến du ngoạn bằng thuyền trên sông Seine là một thành công lớn. Bố cục thật vững, không khí và địa điểm lý tưởng cho cặp tình nhân tỏ tình với nhau. Trong một tíc tắc, trên con thuyền di chuyển, Thanh Trúc có được bức ảnh đẹp dù tên ảnh không bộc lộ được tinh thần của ảnh. Theo tôi nghĩ, Sau Cơn Bão Tố thật, cảnh trí không nên quá sạch sẽ như thế này, và Sau Cơn Bão Tình thì cặp tình nhân này phải có dáng điệu . . . và ăn mặc khác hơn. Nhưng ảnh đẹp là ảnh đẹp, không cần tên đẹp để làm ảnh thành ra đẹp.

Ảnh 10. Thoát Ly.

Một cầu thang thoát hiểm nơi các chung cư, nhưng tên Thoát Ly làm tôi có ý nghĩ không được thanh cao. Bố cục tốt. Qua những ảnh này ta thấy không cần phải đi xa, không cần có đủ diều kiện thuận lợi để có ảnh đẹp. Thành thật chúc mừng Thanh Trúc. Nên tiếp tục đi tìm đẹp qua nhiếp ảnh nhừng đừng bỏ văn thơ và nhạc.

Sau đây là ý nghĩ thật của Thanh Trúc, tôi nghĩ cô sẵn lòng chia sẻ với người yêu ảnh:

“Đi đâu Trúc cũng mang theo máy hình. Máy hình như sách, như nhạc. Thiếu một trong mấy thứ đó, nhớ, chịu không được! Theo Trúc, chụp hình nhiều không phải là chụp tấm nào cũng thành công, cũng đẹp. Nhưng chụp hình thường xuyên, mang cho mình thói quen tốt là mình biết quan tâm đến mọi việc xung quanh hơn. Tạo cho mình biết yêu thương từng khoảnh khắc nhỏ trong đời sống mình đang có. Với Trúc, Nhiếp Ảnh là một hình thức ghi nhật ký. Mỗi bức hình nhắc mình nhớ tâm trạng mình lúc đó ra sao. Khi mà không thể dùng giấy bút ghi ra ngay được thì mình dùng máy ảnh để giữ lại thời khắc ấy!

Ngoài ra, Nhiếp Ảnh còn giúp mình bớt căng thẳng nhiều lắm. Vì chụp hình thì hầu như cần đi bộ. Nếu ai không có phương tiện chọn bộ môn thể thao nào đó thì đi bộ là môn thể thao tốt lại ít hao tốn nữa. Đi bộ có cái hay là đôi khi mình tìm ra những con đường, hàng cây, bóng mát,

không hề thấy ghi trong bản đồ! Chụp hình xong, mang lên métro, trên bus, hay xe lửa, mở máy xem lại từng tấm hình mình vừa bấm máy, Trúc nghĩ , không gì vui, hạnh phúc bằng mình tự kiểm tra lại thành quả mình!

Chưa hết, xem hình trên máy thôi đâu có đã, về đến nhà chuyển ngay lên máy vi tính kìa. Cái lo âu là không biết khi xem trong máy hình rõ như vậy, khi chuyển ến máy vi tính có được như vậy hay không. Thế là bao chuyện cơm áo lại bỏ ngoài tai, thấy chưa! Trước mắt giờ chỉ còn biết ly café chiều và, mấy tấm hình yêu dấu!

Thật tình cho đến bây giờ, Trúc không chắc mình hiểu rõ được các bố cục khi mình ngắm nhìn, rồi bấm máy. Đi ngang qua chỗ nào đó, tự dưng thấy nó đẹp, thấy cần phải giữ khoảnh khắc ấy qua một tấm hình, thế là Trúc bấm máy. Có thể, người khác sẽ cho là xoàng, là tầm thường quá, nhưng Trúc thì lại thấy nó đẹp lắm!

Trúc không học chụp ảnh ở đâu cả:  Sách, cũng như trên Net. Khi ngắm một bức hình, Trúc chỉ nghĩ đơn thuần, mình đứng ở phía này, sẽ thuận với ánh mắt của mình hơn. Trúc bấm nhiều lần, nhiều kiểu, không phải bấm một lần là được ngay đâu!

Hình Trúc chụp nói giùm Trúc tâm trạng mình : Vui, Buồn, Cô Đơn, Khao Khát, Thất Vọng …”

Nguồn: Báo Việt Herald (18/03/2010)

Giáo Sư Lê Văn Khoa thực hiện

NGỌC LAN, CÁNH HOA MONG MANH – DON HỒ


Tuần rồi có dịp xuống Orange County dợt nhạc, mình cố tình đi sớm hơn một tị, mua một bó hoa nhỏ ghé thăm Ngọc Lan.

Đầu tháng 3, Nam Cali hay có những cơn mưa nhỏ, trời thật buồn. Buồn như cái ngày nào mình đang lái xe freeway trên đường đến lớp mà nghe tin Ngọc Lan mất.
Khi ấy mình nhớ trời chiều xâm xẩm, mây vần vũ, đang lái xe trên cây cầu vòng cung mình thấy như cây cầu như chao đảo. Phải tấp vào lề để lấy lại bình tĩnh.
Mình bỏ buổi học ra biển ngồi tuy chương trình học đang rất nặng, bỏ buổi học 4 tiếng hôm sau có thể không bắt kịp với mọi người & có thể sẽ phải lấy lại lớp đó. Nhưng mình biết đi vô lớp mình cũng sẽ không nghe, không thấy gì…
Trời tháng 3 năm ấy cũng còn lạnh, lạnh lắm & thêm gió.
Mình với chiếc áo thung mong manh, co ro, nhưng mắt không muốn rời những cơn sóng. Không hút thuốc nhưng giá lúc đó có một gói thuốc, có thể mình sẽ liên tu hút vàng tay…
Nói mình khóc cũng không đúng. Mình không khóc với nước mắt, nhưng có một cái gì đó nghèn nghẹn trong ngực, ở ngay cổ. Hình như cái đó là khóc ở trong. Một cảm giác thật không dễ chịu lúc nào…
Buồn thật buồn…
Tại sao người tốt lại ra đi sớm đến như thế?
Thật sự, mình không gần với Ngọc Lan nhiều, nhưng qua những lần đi diễn xa chung với nhau, mình cảm được & biết cô là người hiền lành & tốt.

Nhớ lại, lần đầu tiên mình hát chung với Ngọc Lan, năm 89, ở phòng trà Mini Club, San Jose. Khi ấy chả ai biết mình. Còn Ngọc Lan thì đang nổi tiếng, nổi ghê lắm.
Ngọc Lan quên đôi bông tai. Dợt nhạc xong cô biến mất. Tới phiên mình dợt xong thì cô trở lại, xòe đôi bông tai mới sắm từ đâu đó, ướm lên tai & hỏi: « Don coi thử nhìn có hợp với Lan không? ». Dĩ nhiên đẹp. Khỏi hỏi, Ngọc Lan đeo gì mà chả đẹp!
Đêm diễn hôm đó thật đông khách. Ngọc Lan ngọt ngào tỏa sáng trên sân khấu. Cô sang trọng, quí phái & kiêu sa, nhưng có một cái gì đó cũng rất mong manh, dễ vỡ. Cô hát nhạc Tây, cô hát nhạc Việt, cô hát New Wave, nhạc gì cũng tuyệt. Khán giả đầy sàn chìm đắm trong tiếng hát của thiên thần không đôi cánh. Cô thân thiện nhưng cũng thật đứng đắn…

Rồi những năm sau đó, mình cũng dần bắt đầu được ít nhiều biết đến & cũng có thêm nhiều dịp diễn chung với Ngọc Lan. Cô vẫn giữ vững vị trí thần tượng hàng đầu của bao người & có phần nổi tiếng hơn trước.
Một lần diễn chung ở Winnipeg, Canada. Chỉ có mình & Ngọc Lan. Đêm đó rạp diễn không có phòng thay đồ. Ca sĩ kiếm chỗ đứng canh cho nhau thay trang phục sau những tấm màn sân khấu. Và dĩ nhiên là trong ánh sáng mập mờ của đèn màu sân khấu rọi vào, tối lắm! Lúc ra về, mình trở vô kiểm soát lại thì thấy đồ ai lỉnh kỉnh rớt tùm lum trên mặt đất. Lượm lên, nào vòng, nào áo, rõ ràng là đồ diễn, không phải đồ thường.
Mình đưa ra & hỏi. Cô cười tươi: « Ô, của Lan đấy, cám ơn Don nhiều lắm ».
Mình đâu biết khi ấy thị giác của Ngọc Lan đã sút do căn bệnh hiểm nghèo đang đeo theo. Nhưng quả thật những lần đi chung sau đó mình có để ý dùm cô hơn vì nghĩ có thể Ngọc Lan hay vô ý. Mà đồ diễn thì mắc tiền, có khi mất rồi có tiền cũng không kiếm lại được thứ mình thích nữa.

Một thời gian sau, Ngọc Lan lấy Mai Đăng Khoa, một người bạn cùng trong ban nhạc Boléro của mình. Đám cưới của hai người không xa hoa phô trương mà ấm cúng đầy thân mật. Mình mừng cho Khoa, cho Ngọc Lan. Cho 2 người có nhau. Mình bớt … khoảng cách, nhích gần lại Ngọc Lan hơn trước.

Ngọc Lan ngày càng bệnh hơn nhưng không ai biết, hay đúng hơn mình không biết… Có lúc Ngọc Lan vắng bóng trên sân khấu một thời gian ngắn không ai biết lý do. Mình cứ nghĩ cô muốn bớt trình diễn lại để giữ giá trị của mình hơn.

Khoảng năm 98, Ngọc Lan trở lại Âu châu sau 7 năm dân bên Âu Châu mòn mỏi yêu cầu.
Một loạt 12 shows diễn trong 14 ngày. Dĩ nhiên là mệt lắm. Âu Châu mà, những nước san sát nhau, không bay đâu vì vé mắc, chỉ có lái xe thôi. Hát ở thành phố này xong là khăn gói lên xe lái ngay tới thành phố khác. Nhiều khi 7, 8 giờ sáng mới tới, vô khách sạn ngủ được vài tiếng là lại phải dậy sửa soạn diễn tiếp. Giờ rảnh là phải « tranh thủ » ngủ lấy sức thôi, không ngắm cảnh ngắm kiếc gì cả.
Ca sĩ có khoảng 7, 8 người, toàn thứ gộc. Ngọc Lan là cái đinh kéo khách của chuyến đi đó vì khách Âu Châu mong đợi cô từ nhiều năm rồi. Anh Trịnh Nam Sơn nhận làm người điều khiển chương trình nên ban tổ chức yêu cầu anh phải hát đầu luôn.
Chẳng ai muốn hát đầu lúc khách chưa vào đủ, âm thanh chưa chỉnh hay. Anh Trịnh Nam Sơn hát đầu cho đến show thứ tư thì mình thấy kỳ kỳ, không công bằng, tuy anh không nói ra. Mình xung phong lãnh ra hát thế cho anh từ đó trở đi.
Tới show thứ 8 thì tới phiên mình mệt mỏi. Những người ca sĩ đi cùng có thể hát thế đỡ cho mình một. vài lần – nhưng ai cũng, hoặc không để ý, hoặc im rơ …lờ đi! Chẳng ai dại!

Show thứ 9, Ngọc Lan lên tiếng: « Thôi từ show này trở đi, Lan sẽ hát đầu cho. Don hát đầu như vậy đủ rồi! ». Rồi cô xăm xăm đi vào phòng thay áo & làm mặt. Mọi người ai cũng đuối lắm rồi. Ngọc Lan với căn bệnh trong người còn đuối hơn, cô vẽ mắt thật lem nhem. Lâm Thúy Vân & chị Hương Lan la lên: « Trời ơi, Ngọc Lan vẽ mắt kiểu gì vậy? » Rồi 2 người xúm lại chùi & làm mặt lại cho cô.
Và dĩ nhiên không ai để cô ra đầu. Cô là sự mong đợi của mọi người khách mà. Và dĩ nhiên mình lại ra đầu cho những show còn lại nhưng mình như khỏe hẳn lên. Mình cảm động, nhưng giữ trong lòng. Mấy show trước mình đỡ cho anh Trịnh Nam Sơn. Những show còn lại mình vui hẳn, coi giống như là mình đỡ cho Ngọc Lan vậy…

Càng về sau do ảnh hưởng của những loại thuốc, Ngọc Lan hay quên hơn trước. Có những lần đi qua máy rà ở phi trường, cô đi luôn, bỏ quên bóp lại. Đi về tay không, mất hết tiền show, mất luôn cả giấy tờ.
Bạn tôi, Khoa, nhờ tôi để mắt tới Ngọc Lan dùm trong những lần đi chung. Thế là tôi để tâm hơn.
Có những lần sau giờ diễn, Ngọc Lan & tôi ngồi nói chuyện vớ vẩn với nhau trong phòng vì Ngọc Lan sợ ma, không ngủ được. Tôi mệt quá ngủ gục. Khi thức dậy không thấy Ngọc Lan đâu, tưởng đã về phòng ngủ. Hôm sau mới biết Ngọc Lan đi kiếm người khác nói chuyện vì tôi ngủ mất, Ngọc Lan vẫn sợ ma nhưng không dám đánh thức…

Chuyến cuối cùng đi với Ngọc Lan lại ở Âu Châu. Chuyến này có Khoa – chồng – đi theo kèm. Ngọc Lan hát giọng xuống vì sức khỏe kém. Tin đã đồn ra ngoài là mắt Ngọc Lan yếu không còn thấy gì. Ở vài show đầu tôi tận mắt thấy vài khán giả vô ý thức đứng trước sân khấu quơ hai tay qua lại trước mặt khi cô đang diễn để xem cô có thấy không?
Xót xa… Tôi thấy.
Ca sĩ khác thấy.
Chắc Khoa cũng thấy. Nhưng hy vọng Ngọc Lan không thấy và không biết cho khỏi đau lòng…
Tôi lại càng bảo vệ & chú ý tới Ngọc Lan hơn tuy có Khoa ngay bên cạnh.

Show ở Đức, Khoa đứng trong thầm thì chỉ trước cho Ngọc Lan lối đi lên cầu thang sân khấu & chỉ những đống dây điện ngoằn ngoèo tối hù dưới đường đi để Ngọc Lan tránh. Ngọc Lan vẫn không thấy rõ. Hai người tiến dần ra ngoài vùng sáng hơn. Khán giả chú ý, bắt đầu chỉ chỏ cho nhau. Hai người không để ý vẫn thầm thì chỉ nhau. Khán giả cũng rì rầm xôn xao… Tôi tiến vội ra & khẽ nhắc Khoa lùi lại vào trong chỗ tối hơn. Khoa gay gắt nạt tôi tại chỗ, nói chuyện của Khoa để Khoa lo. Ơ hay, khi trước Khoa nhờ tôi để ý tới dùm mà??? Thế là tôi giận vì ý tốt bị hiểu lầm, bỏ ngay vào trong, kệ 2 người với nhau.

Nghe nói đêm đó hát xong, Ngọc Lan hấp tấp chạy vào té xõng xoài trên đống dây điện. Tôi hối hận…

Cuốn CD đầu tôi hát cùng Ngọc Lan cho Ngọc Lan Musique – « Những Lời Mê Hoặc », Khoa hòa âm & thâu âm luôn. Tôi không biết làm sao Ngọc Lan thâu được. Chắc là lâu & cực lắm vì không thấy rõ thì làm sao đọc được bài hát! Phải học thuộc một đống bài như thế mà thâu thì ngay cả khỏe mạnh như tôi chắc cũng mất khá nhiều thời gian.
CD này được đón nhận bao nhiêu tôi cũng không biết & cũng không hỏi.

Khoa hỏi tôi giúp cuốn CD thứ hai. Tôi cũng đồng ý ngay, không cần suy nghĩ. Cái gì tôi cũng giúp được mà nói chi … thâu băng, tuy lúc ấy tôi đang độc quyền giọng hát với Trung Tâm Thúy Nga. Tôi vì bạn làm liều. Mà cũng may Thúy Nga làm lơ bỏ qua dùm. Thủy, Thi của Thúy Nga cũng là bạn của Khoa, tôi nghĩ họ cũng muốn giúp không bằng cách này thì bằng cách khác. Chứ không thôi lúc ấy tôi đã … mất việc rồi .

Một tối tới thâu, hiếm hoi gặp Ngọc Lan đang ngồi trong phòng khách. Khoa đặt tay lên vai khẽ nói: « Lan, Don đến nè ». Ngọc Lan quay lại nhìn. Người thì ở đó mà ánh mắt ở …đâu đâu! Dường như Ngọc Lan không còn nhận ra tôi. Cô cười vu vơ. Nước mắt tôi bỗng rươm rướm. Tôi quay vội mặt đi, giả lả chào rồi dục Khoa lên thâu không thôi hết giờ. Tôi không muốn Khoa thấy, cũng không muốn Khoa bẽ bàng…
Bài thâu đêm đó cũng thật buồn. Bài « Tình Buồn Chinh Chiến » nhạc Pháp do Thảo, em gái của Ngọc Lan dịch. Tôi không khóc trong nước mắt, tôi khóc trong câu hát. CD thứ hai không bao giờ ra. Ngọc Lan không còn thâu được nữa!

Và đó cũng là lần cuối cho tới khi tôi tới thăm Ngọc Lan trong phòng thăm của nghĩa trang Peak Family. Hình như gia đình muốn dấu tin Ngọc Lan mất nhưng tin vẫn bị xì ra ngoài với tốc độ chóng mặt. Người ra vô thăm lần cuối nườm nượp. Người thân có. Fans của cô có. Cả những người tò mò cũng có luôn.
Tôi ngồi xa xa với Ngọc Lan cả buổi, cũng chú ý tới Khoa để coi bạn mình có gì cần giúp đỡ.

Ngày chôn cô cũng đông nghẹt người viếng. Lại có cả …quay video….
Chúng tôi, một nhóm bạn đứng xa xa. Tới lúc quan tài cô được hạ xuống huyệt, đất được lấp lên. Chiếc xe xúc đất gầm máy, dộng rầm rầm trên huyệt để nện đất xuống cho chặt thì không ai còn kềm được, bật khóc nức nở…
Người nhà cô gào lên. Bố mẹ cô như muốn xụm xuống thật tội…
Tại sao cái xe ấy không chờ cho tới lúc chúng tôi về hết rồi hẵng làm việc ấy nhỉ??? Chúng tôi còn xót như thế thì người nhà của cô còn đau tới mức nào?!!

Nhưng rồi mọi việc cũng xong. Sau đó một lần, tôi ghé viếng. Khi ấy bia mộ bằng đá đen có in hình Ngọc Lan cũng đã được đặt tại chỗ. Đây đó cũng có những bó hoa ai mang tới.

Đời sống vẫn trôi. Bận rộn & bận rộn… Cho tới hôm này cũng đầu tháng 3, tôi không còn nhớ chính xác ngày giỗ Ngọc Lan, nhưng nhớ khoảng khoảng thời gian này. Tôi mò lại nghĩa trang « Chúa Chiên Lành » để thăm cô. Tôi nghĩ nhắm mắt cũng vẫn kiếm được mộ nhưng đã lầm to! Ở Cali, mộ bịa gắn ngay trên mặt đất, ai cũng giống ai, ai cũng một miếng đá bằng nhau chỉ có khác tên.
Bối rối… Số điện thoại của Khoa tôi cũng mất sau vài lần Khoa đổi số!
Tôi nhớ có con dốc nhỏ & cái cây nghiêng nghiêng gần mộ… Nhưng bây giờ chỗ có dốc thì lại không có cây! Chỗ có cây lại không có dốc!
Thôi thì chỗ nào có cây là tôi dừng xe và đi dọc kiếm tìm.
Từng hàng mộ bia thẳng tắp nối nhau. Trời mới mưa hôm qua nên có những bia mộ bị cát văng lên che hơn nửa. Cũng có nhiều bia mộ bóng loáng không một hạt cát, chắc người nhà mới đến thăm & quét dọn.
Nhiều tên người Việt Nam thật. Nhiều người lớn tuổi & cũng không ít những người thật trẻ. Mọi người đều nằm chung với nhau trong một không gian thật yên bình. Tôi tìm mãi không ra tên Lê Thanh Lan. Thật sự có khấn trong lòng nhờ Ngọc Lan chỉ đường cho tôi kiếm ra, nhưng… không may mắn.

Kiếm mãi hoa mắt & cũng gần tới giờ tôi có hẹn dợt nhạc, tôi gởi bó hoa ở trên mộ bia của một em gái nhỏ. Tôi gởi để cho mộ bia em có thêm màu sắc cho em vui thêm tí thôi, hy vọng em thông cảm!

Trời cũng bắt đầu chập choạng tối, tôi lái xe ra khỏi nghĩa trang thầm gởi lời tạ lỗi tới Ngọc Lan. Một ngày rất gần tôi sẽ tới sớm hơn & kiếm Ngọc Lan cho bằng được. Tôi sẽ kể cho Ngọc Lan nghe về sự tiếc thương & yêu thương của rất nhiều người đến Ngọc Lan mà tôi đã nghe được. Chắc Ngọc Lan sẽ rất hạnh phúc lắm, đã bao nhiêu năm rồi mà cô còn được bao nhiêu người yêu mến & nhắc nhở. Tiếng hát của cô vẫn làm bạn đồng hành của bao nhiêu người….
Mà nhiều khi chẳng cần tôi kể Ngọc Lan cũng đã biết trước từ lâu rồi. Đâu phải chỉ mình tôi mới đi thăm Ngọc Lan đâu. Có biết bao nhiêu người có khi còn đi thăm Ngoc Lan hàng ngày đó chứ…

Hạnh phúc quá há Ngọc Lan. Người ca sĩ chỉ mong được có thế…

DON HỒ

http://www.facebook.com/home.php?#!/note.php?note_id=357137347127

Nỗi Nhớ Lặng Câm

Nỗi Nhớ Lặng Câm

Thơ: Phạm Ngọc

Nhạc: Trang Thanh Trúc

Trình bày: Nhóm Cadillac

Hình ảnh: Trang Thanh Trúc

Trưa trong Si Bémol Café

Tại Paris, trên đại lộ Exelmans, quận 16 có một Si Bémol Café. Mỗi ngày Trúc ngang qua đó một lần. Buổi sáng lấy bus đến văn phòng. Bus chạy lòng vòng các con đường nhỏ phía trong nên không bao giờ ngang qua Si Bémol Café. Mãi cho đến một buổi chiều, chán bus, tan giờ văn phòng Trức thả bộ tà tà đi theo hướng cầu Gagliano thì bắt gặp Si Bémol Café dễ thương này. Bao lần định sẽ dừng lại, kéo ghế kêu café uống mà có lần nào dừng lại đâu. Mãi cái hôm khi không ông chủ nổi trận lôi đình với khách hàng, rồi giận luôn thớt, chém thớt không chém, đi chém mình! Khóc cho ổng … ngán, ổng quay ra xin lỗi, rồi tạ tội bằng lời mời đi ăn cơm trưa!

Trưa hôm nay, một mình quay lại Si Bémol Café. Quán đông vừa. Cạnh bên một bà cụ kêu rượu vang uống. Phía bên góc trái một chút, một ông lão lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Ông tìm gì không biết. Khi thức ăn dọn ra, ông dời ánh mắt nhìn xuống màu khói từ miếng thịt bò chiên hành. Rồi ông lơ đãng xé từng miếng bánh mì nhỏ. Trúc thầm nghĩ, sao ông cụ và bà lão này, không dọn về ngồi chung một bàn nói chuyện với nhau cho vui hơn ta?

Góc cuối, trong Si Bémol Café …
Đẹp quá há!

Còn có mỗi 30 phút để ăn mà sao cái món salade này nó có bề ngang rộng hơn … biển vậy nè!
t r a n g t h a n h t r u c

Le Bonheur à Paris – Happiness in Paris

Tấm hình này Trúc chụp ngay sau bão Xynthia, Chủ Nhật vừa qua. Cơn bão đến từ Portugal, Espagne, hai xứ láng giềng không bị bão tố hành, nhưng khi vào Pháp, rồi sau đó sang Đức, bão đã giết chết bao nhiêu mạng người vô tội không biết. Bão đến vào đêm khuya, ngay trong lúc giâ’c ngủ còn ấm, còn nồng. Bão ập đến, lôi họ đi, dìm họ xuống dòng nước xoáy, lạnh. Chôn vùi mạng người không thương tiếc!

Thiên tai hỡi thiên tai!

Paris, còn sống sót những bình yên này.

Hãy chúc Lành cho đôi Uyên Ương ngay sau cơn bão!

Hình ảnh mỏng manh luôn có sức mạnh giữ chân khách qua lại
(Vậy nếu như ta nói chuyện nhỏ nhẹ, có hy vọng mong manh nào,  giữ người ở lại không?)

Muốn đẩy sự Cô Đơn đi, hãy mong mọi người xung quanh ta Hạnh Phúc!

Trang Thanh Trúc

DON HO

Sáng ngày thứ ba, 22 tháng 12, Trúc mở máy vi tính đọc thư trong phòng khách. Ai nói miền Nam Cali không lạnh chứ Trúc thấy tháng 12 năm nay ở Cali lạnh quá chừng.

Còn bốn ngày nữa Ra Mắt Sách rồi!

Thời gian không ngừng lại nữa rồi!

D gọi :
– Trúc chuẩn bị trước nghe. D khỏi vào nhà. D đến là đi ngay nghe!
– Ok D. Mình hẹn 10 giờ sáng, phải không ?
– Biết rồi. Trễ rồi. Kẹt xe trên xa lộ quá chừng …
– D có gọi nói người ta người biết là mình đến trễ không?
– Gọi rồi. Yên tâm đi! Vậy nghe, D đến là đi ngay đó nghe!
– Dạ!

Đi cắt tóc, mà cũng không biết giá cả, và cũng không biết tiệm gì. D đưa đi đâu, Trúc yên tâm đến đó. Nhưng im lặng hoài, cảm giác vô duyên sao đâu, Trúc mạnh dạn hỏi cho biết:
– D ơi, giá cả ở đây là bao nhiêu há?
D cười cưòi:
– Cái này, đài thọ!
– Thôi đi D ơi! Không được đâu. Trúc hỏi để biết, Trúc có mà … (Có, là người ta từ bên Tây sang, cũng có mang theo tiền Euros đàng hoàng vậy!)
Bất giác D ngưng cười. D nghiêm giọng:
– Trúc nè, lát đừng có vô trong đó rồi dành trả này nọ kỳ lắm nghe. D đã nói chuyện xong với Quốc Anh rồi . Quốc Anh là người sẽ cắt tóc cho Trúc đó.
Trúc thở dài (không thở ngắn được chỉ biết thở than dài mà cũng không xong đâu)
– D này thiệt tình! Cà chớn! (Thấy chưa, ai biểu dành trả tiền chi, không mang ơn còn bị tặng lại hai chữ cà chớn nữa đó!)
– Nhớ đó nghe chưa!
– Nhớ rồi! Nhớ rồi! Nhưng chán D quá!
D đưa Trúc vào tiệm, chào Quốc Anh, nói gì với Quốc Anh không biết, Trúc chỉ nghe Quốc Anh trả lời: « Dạ, chuyện nhỏ anh Don! ». Xong D quay sang Trúc căn dặn tiếp:
– Bao giờ sắp xong, gọi D nghe!
Trúc gật đầu cười, thay câu trả lời .
Khi D rời khỏi tiệm, Quốc Anh hỏi kiểu tóc Trúc muốn cắt. Trúc chỉ trả lời vắn tắt. Tùy Quốc Anh! Em muốn cắt sao cũng được! Quốc Anh hỏi tiếp:
« Hồi nãy anh Don nói, nếu chị Trúc muốn thay đổi màu tóc, thì nhuộm luôn nha chị …  »
– Ồ khỏi đâu Quốc Anh! Cám ơn em …
– Dạ, vậy tùy chị …

Trúc muốn nhắm mắt lại ngủ một giấc, để khi thức dậy thấy mình thành … cô Tiên! Đùa, chứ Trúc buồn ngủ lắm rồi. Paris đi trước Cali 9 tiếng. Lúc người Cali ngủ, thì Trúc thức. Lúc người Cali thức, thì Trúc cũng chưa ngủ!

Những ngón tay của Quốc Anh, và đôi mắt nhà nghề của Quốc Anh đã biến đổi Trúc một cách bất ngờ! Cám ơn Quốc Anh nhiều lắm. Mình-nhìn-mình-không-ra! Tự dưng sao mình trẻ trung, tươi tắn ra, lạ quá vậy ta!

Khi D đến đón, lúc ra khỏi tiệm Trúc ngần ngừ làm gan hỏi đại một câu:
– Ngó … « được » không D?
D trả lời không suy nghĩ :
– Tuyệt vời!
D nói tuyệt vời thì Trúc tin là tuyệt vời. Nhưng chính mình, mình-nhìn-mình-sao-không-ra. Sao thấy ngại gì đâu nên không dám hỏi thêm D điều gì khác, và cũng tránh ngó D luôn. Làm như mình « tuyệt vời » từ khuya đến giờ rồi, không phải mới mẻ gì! Trong xe, D nói thêm câu khác:

– Lâu lâu, phải diện lên vậy mới được!
Câu nói này, không biết D ám chỉ điều gì. Nhưng thôi, Trúc lờ luôn. Làm như câu D vừa tuyên bố là để cho con ruồi, con muỗi nào đó nghe! « Lâu lâu, phải diện lên vậy mới được! » Ok. Cái này là trường hợp đặc biệt, lên đài truyền hình nha. Hy vọng, trong cuộc đời mình sẽ lâu lâu mới được hân hạnh được mời lên đài, để mình bớt khỏi phải bàng hoàng mình-nhìn-mình-sao-không-ra!

D đưa Trúc trở về nhà bà chị thay quần áo xong thấy còn sớm đưa Trúc tạt ngang nhà thăm Bố Mẹ D. Căn nhà dễ thương, mười mấy mấy năm qua, vẫn tồn tại sự ấm cúng dễ thương.

D dừng xe lại, ngay phía trước đài SET, D nhắc:
– Lát vô trong đó, hỏi xem thời gian phỏng vấn là bao nhiêu lâu nghe?
– Ok D…
– Bao giờ xong, gọi D ngay nha!
– Ok…
– Vậy nghe Trúc. Chúc vui vẻ, thành công!
– Dạ!

Trúc bước xuống xe, đi phỏng vấn ở đài truyền hình – Show của chị ca sĩ Thanh Lan – mà cứ như đi thi Đệ Thất! Lo âu cùng lúc tự tin. Tự tin ở đây không phải tánh Trời, mà tự tin có được trong giây phút này là tấm lòng đến từ một người bạn. Trúc tin chắc như vậy. Sự ân cần, dễ thương của D làm Trúc tự chủ nỗi lo của mình hơn. Đến giờ phút này, ngay trong phòng thu (đài SET), tuy là có nhỏ hơn so với phòng thu bên SBTN (đến thứ tư, ngày 23/12 Trúc có một cuộc phỏng vấn ở đó, với cô Tố Uyên) nếu không cố gắng « làm chủ » nỗi lo, thì kể như tiêu đời!

Chị Ca Sĩ Thanh Lan mặc áo xanh, cổ rộng. Gương mặt chị, ánh mắt chị, đôi mắt chị như biết cười, mọi góc đều xinh. Trúc mặc áo hồng, cổ-cài-kín! Bên trời Âu sang có khác! Lúc nào cũng sợ lạnh, sợ trúng gió! Xung quanh hai chỗ ngồi tối đen. Chỉ còn lại ánh sáng từ trên cao rọi xuống. Trúc giấu cặp kính cận của mình đi, bởi lý do, càng không thấy gì, càng không biết sợ điều gì! Ở nơi đây, không có D ở cạnh bên để thỉnh thoảng nhắc, hay dặn dò Trúc điều gì. Ở nơi đây, chỉ còn lại những câu hỏi, và trả lời …

Thở mạnh, không dám. Thở nhẹ sợ tắt thở, chết bất thình lình sao! Thôi thì ba mươi phút, xin hãy qua mau. Rồi cũng xong được một việc, (trong vô số việc phải làm), từ đây cho đến cuối tháng12. Đầu tháng giêng năm 2010, Trúc mới rời khỏi Cali mà. Đứng xớ rớ bên ngoài chị Thanh Lan hỏi có ai đến đón em về không? Nếu không, chị đưa về cho. Trúc lí nhí cám ơn chị. Dạ, em có « người nhà » đến đón! Trời, nghe sang như thiệt!

Xe chị Thanh Lan vừa rời khỏi bến đậu, thì xe D đến:
– Vui vẻ, thành công chứ?
– Không biết!
Nói không biết nhưng vẫn cười tưoi. Như thí sinh trúng bài tủ! Nghĩa là hỏi trúng bài thì mới biết trả lời, còn hỏi lệch đi, là quờ quạng luôn
– Ngày mai Trúc có hẹn mấy giờ với Tố Quyên bên SBTN ?
– Hai giờ D…
– Chết rồi, D bị kẹt rồi …
– Trúc có tìm được người đưa rồi D …
– Ok. Có đói bụng không?
– Đói quá đi chớ!
– Ăn phở nghe?
– Dạ!

Phở mang ra, trời ơi là thơm. Nhưng kêu tô phở đặc biệt mà quên mất cái đặc biệt ở bên Mỹ nó to tướng như cái gì! Ăn hoài, mà sao không có cái gì cạn hết! Có cảm tưởng tô phở vẫn ở vị trí cũ, trong khi bao tử mình ứ đầy!

Đó là ăn trưa, vào lúc 4 giờ chiều nha. D thả Trúc về lại nhà bà chị, mấy tiếng sau gọi lại kêu đi ăn tiếp. Trúc ngước nhìn đồng hồ rên tường:
– Mới ăn đó, D đói rồi hả?
– « Mới ăn đó! » Có mỗi tô phở mà no cái gì?
– Trời!
D cười trong điện thoại.
– Lát D đến đón nghe!
– Dạ!

Cái tiệm Nhật này, quá xá là ngon. Không nhớ tiệm tên gì. D chọn và kêu thức ăn. Người ta dọn ra như « chơi đồ hàng ». Cái gì cũng chút chút tạo cho khách thêm sự tò mò, cái gì cũng muốn thử cho biết cả. Thật vậy, buổi ăn tối ở cái quán Nhật này, hình như người ta mang ra món gì, D và Trúc tiêu thụ gần như sạch món ấy! May là đã có sơ sơ tô phở 4 giờ chiều lót dạ đó nghe!

Trưa ngày hôm sau, trong lúc vừa trùm mền, vừa đọc những câu hỏi của Tố Quyên gởi qua email, vừa lim dim ngủ, thì D gọi.
– Trúc chưa đi hả?
– Dạ chưa ..
– Ủa, bộ đang ngủ hả?
– Ừa!
Trúc cười to. Nhưng bên kia đầu dây, D không cười :
– Ê Trúc ơi, coi chừng trễ giờ đó nghe. 2 giờ Trúc có hẹn trên đài phải không?
– Đúng rồi D.
– 1 giờ rồi đó. Lo chuẩn bị đi là vừa!

May mà có D đời còn dễ thương, có biết không?

Thành thử ra, cầu mong D giữ gìn sức khỏe.
Cầu mong Don Ho nhiều may mắn, vui vẻ, bình an …

Trang Thanh Trúc