Quá trẻ để chết / Trop Jeune Pour Mourir

trop-jenue-pour-mourir_perrine-huonhttp://www.perrinehuon.com

Bút ký Quá trẻ để chết/ Trop Jeune Pour Mourir, chân dung của Perrine Huon. Perrine Huon sinh năm 1982 ở St. Quentin, miền Bắc nước Pháp. Cô là học sinh giỏi, đậu tú tài năm 17 tuổi, rồi học Luật, chuẩn bị thi vào trường Thương Mại. Cô cũng có uớc vọng tương lai trở thành một nhà báo. Nhưng bác sĩ phát hiện trong máu cô có dấu ung thư bạch huyết cầu vào tháng Ba năm 2000. Trong bút ký Perrine Huon miêu tả kinh nghiệm nhà thương, cách điều trị bằng hóa học (chemotherapy), những lần được tiếp máu, triệu chứng hói đầu vì thuốc trị. Trong bút ký người đọc cảm nhận tinh thần lạc quan kiên trì của một cô gái trẻ không muốn bó tay trước căn bệnh như một con quái vật hăm he tìm đủ mọi cách phá hoại, tiêu diệt tinh thần lẫn thể xác cô. Dù trải qua bao tháng năm căng thẳng cơ cực, cô và gia đình, cùng người bạn trai, đã sát cánh tương trợ nhau chống chọi lại kẻ thù là căn bệnh bạch huyết cầu quái ác. Claire, em gái của Perrine, đã hiến tủy xương để ghép cho chị mình. Sau 5 năm dài chiến đấu, Perrine may mắn được bình phục từ tháng 8 năm 2005. Hiện đang cư ngụ tại Picardie cùng chồng. Từ lúc đó cô bắt đầu viết lại kinh nghiệm này, như một nhân chứng…

Trang Thanh Trúc chuyển ngữ

Đốc Tờ Ma Bùn và mấy miếng cao dán (cai thuốc lá)

(trang 20)

Rồi sẽ bớt thôi. Chỉ tại vì làm việc quá độ đó mà. Em biện luận như vậy. Những triệu chứng vẫn ngự trị. Và em thì cứ chểnh mảng, dời ngày này qua ngày nọ cái hẹn đến bác sĩ. Em đâu biết sẽ nói gì với họ đâu chứ. Muốn đi khám bệnh, cần phải có những dấu hiệu rõ rệt về thể xác. Còn em, ngoài cơn mệt mỏi, sức khoẻ em cũng không tệ hại lắm mà, cám ơn. Dù gì đi nữa, em biết trước họ sẽ chuẩn đoán sức khoẻ em như thế này: « Cô hút thuốc nhiều quá! ». Thì càng tốt, bởi em cũng đang muốn cai thuốc đây. Em có cảm tưởng rằng, mỗi lần em rít vào một luồng thuốc là em lại làm hư hại thêm cho hai lá phổi.

Tháng Hai năm 2000, gần như sáu tháng sau khi triệu chứng đầu tiên phát hiện, sức khoẻ em giảm sút đến mức độ em quyết định lấy cái hẹn bác sĩ rồi hóa ra cũng là chuyện … vô tích sự. Qua lời giới thiệu của cặp sinh đôi, em tìm đến đốc tờ dễ thương mà bất tài. Em đặt biệt hiệu cho ông ta là Ma Bùn (*Maboul, đọc trại ra là Ma Bùn). Em nói cho Đốc Tờ Ma Bùn biết là em có ước vọng cai thuốc bởi vì em cảm thấy đuối sức, thật sự rất đuối sức. Thay vì khám em thật kỹ và cho em đi thử nghiệm máu, ông Ma Bùn nện xuống câu chuẩn đoán chớp nhoáng: lỗi của cuộc sống hiện đại, lỗi ở đời sống sinh viên! Em cố gắng nói thêm. Em có những triệu chứng nhức đầu rất lạ kỳ gần như ôm xiết hết bộ óc của em, như thể đè ép không cho không khí chui lọt vào óc. Không có thuốc gì làm cho em bớt đau cả. Bởi thế cơn đau dằn vặt em mãi! Em rời phòng mạch của Đốc Tờ Ma Bùn với toa thuốc đầy ắp những trụ sinh, thuốc bổ, và mấy miếng cao dán trị bệnh nghiền thuốc lá bởi đốc tờ phán rằng, không có gì phải lo lắng thái quá cả. Em chỉ là một nạn nhân của đời sống sinh viên căng thẳng và… một cơn cảm mạo bình thường! Qua ngày hôm sau, em dán miếng cao cai thuốc trên cánh tay và cố gắng không hút nữa. Vài ngày sau đó, trong lúc quay về phòng trọ để ăn trưa với Emmanuelle, tự dưng em buồn nôn, em đau bụng đến mức phải nôn hết ra. Em nghĩ ngay đến miếng thuốc cao, em liền tháo gỡ ra lập tức: em thấy bớt đau bụng ngay. Ngày kế tiếp, em lại dán lên miếng thuốc cao để coi thử em có bị triệu chứng như hôm qua hay không: y chang như thế. Thôi đành vậy, em tự nhủ là không dùng đến miếng thuốc cao nữa. Tự tha thứ bằng cách: em hút thuốc trở lại.

***

Rồi điềm báo nguy cũng vượt qua chặng úp mở. Một buổi sáng, ba, Victor và em – Emmanuelle cùng bà chị họ thì đã rời nhà lên đồi tuyết từ trước – chuẩn bị lấy thang treo lên núi trượt tuyết. Những bước lên thang leo sao em thấy mênh mông quá. Ngay lúc mọi người bắt đầu đi lên thì bất ngờ em bị ngã nhào. Em đau, đầu em quay cuồng, em đau đến phát khóc. Em không thể cầm những dụng cụ truợt tuyết, trái tim như muốn nổ bung. Ba đã phải cầm dụng cụ truợt tuyết cho riêng ba và Victor. Em không dám nhờ ba đến tiếp viện. Thành thử em quay sang thằng em vì không còn cách nào khác. Nhóc Victor hăng hái nhận lời giúp chị, có vẻ lo lắng khi thấy em trong tình cảnh quá đỗi tội nghiệp. Đến nơi, đi sát bên ba, em lập đi lập lại rằng em không được khỏe. Chắc là em bị bệnh tim. Em tự nhắc mình em phải đi khám bệnh khi trở về. Đối với ba, vấn đề của em chỉ là bệnh nghiền thuốc lá, mãi mãi, và luôn luôn chỉ có thế. Cũng chẳng có gì lạ, vì em mỗi ngày em hút một gói thuốc. Riêng em, em bắt đầu lo lắng thật sự. Đồng ý rằng em hút nhiều. Nhưng không chỉ là thế. Em linh cảm rằng, không chỉ có thế…


Qua ngày hôm sau, thận trọng hơn, em không đi trượt tuyết nữa. Em nán lại trong làng để nằm phơi nắng trên sân thượng của chalet. Bất chợt, em thấy mầu da em hình như tái nhợt hơn mọi khi, nắng không ấm áp để làm da ngăm đi chút nào. Em nhớ lại những lúc đi thang leo đưa em lên bãi trượt tuyết, em thường nghe cuốn an-bum nhạc mới nhất của Patrick Bruel. Bản nhạc Ngay Trước Đó (Juste Avant) tạo cho em một xúc động lạ kỳ:

« Ta biết gì về những điều khẩn cấp, sẽ tước mất của ta những âm điệu nhịp nhàng, gây cho ta những giấc mơ trắc trở. Còn lại bao nhiêu thời gian nữa, trước khi gió cuốn hút ta, và thay đổi tất cả? Đi thôi, cứ thế mà đi tới ngay trước [giây phút] đó. »

Trong bài hát « Anh chắc dối em », em chỉ nhớ một câu: « Mau lên, anh sẽ rơi ngã xuống, nào biết có em ở bên dưới, nào biết có em cứu bắt lấy anh để mang anh đến một nơi nào đó mà anh không biết, mà anh không thể tự đến. Mau lên, anh sẽ rơi ngã như một con búp bê múa rối khi bị mất sợi chỉ kéo. »

Trực giác? Linh cảm về định mệnh của chính em?

***

6 mars 2000 : Tin sét đánh

(trang 26)

Khoảng 4 giờ chiều, trong lúc chờ giảng viên toán lên lớp, tụi em đùa giỡn ở tuyệt đỉnh huyên náo-chuông điện thoại di động bỗng reo. Ba gọi.

– Perrine?

– Dạ

Kết quả thử máu rất xấu, con phải đến bệnh viện ở Lille ngay, ba em nói với giọng đầy lo lắng.

Em ngạc nhiên.

-Tại sao vậy ba?

– Ba không biết, chỉ hiểu là con có kết quả thử máu rất xấu, [đốc tờ] Bernard vừa nhận được qua fax.

Em mất bình tĩnh, em không tìm được chữ gì để nói.

– Con làm ơn đưa Emmanuelle cho ba nói chuyện con nhé!

Cuộc đối thoại giữa hai người khá dài. Khi Emmanuelle cúp điện thoại cô bé có vẻ bàng hoàng, có vẻ như không nắm hết được những điều ba nói. Nhưng điều chắc chắn nhất là chúng em đã được lệnh phải rời lớp để đi bệnh viện ngay. Em không màng lắm. Yên tâm … được bỏ một buổi học! Em thông báo cho giáo viên biết. Em chào đón những kinh nghiệm mới. Vào bệnh viện thì cũng như chuyện phiêu lưu đó mà! Có gì đáng lo …


Trong hành lang nhà trường, phản ứng đầu tiên của em là gọi Renaud để anh ấy đưa em đi. Cũng may, lúc đó anh cũng vừa từ phòng thể thao bước ra. Chỉ cần bước xuống một tầng lầu là em gặp anh ấy ngay. Anh đang nói chuyện điện thoại với ba. Còn em thì gọi cho Bernard. Và được Bernard giới thiệu đến một bác sĩ chuyên ngành huyết học: Giáo Sư K. bệnh viện Claude-Huriez ở Lille. Khái niệm « ghé thăm » nhà thương một cách khoan thai của em lúc ban đầu bất chợt nhen nhúm một nỗi lo. Em dùng hai chữ « ghé thăm » bởi không lý do gì họ giữ em lại lâu hết được. Đối với sức khỏe, em chưa hề bị vấn đề gì. Không bao giờ nhiễm bệnh, dù chỉ là bệnh cảm vặt vãnh. Lúc ấy, em còn nghĩ rằng em đã được miễn dịch nhờ nước cam tươi mà em thường uống mỗi sáng nữa kìa.

Lẹ lên! Em còn phải về phòng trọ lấy theo bộ quần áo ngủ nữa chứ. Rồi còn phải cạo lông nách, chân, đùi ở một tốc độ thật nhanh. Lúc nào em cũng ngại lỡ gặp phải một tai nạn nào đó, người ta sẽ cởi quần áo mình ra và y tá sẽ la thất thanh.


Túi sách mầu xanh đeo trên vai, em đó, sẵn sàng thủ vai nhà thám hiểm. Ngồi trong xe, trên đường đến bệnh viện, em hút thuốc liên miên. Bởi lúc đến đó khó lòng mà họ cho em hút thẳng cánh như vậy! Em gọi điện dò hỏi Bernard. Em đoán người y sĩ biết tất cả mọi chuyện nhưng câu trả lời của ông thật mập mờ. Cháu sẽ ở bao nhiêu lâu trong nhà thương? Khoảng chừng mười ngày… Em ngạc nhiên. Mười ngày? Tại sao ở lâu vậy? Tại vì cơ thể em bị thiếu nhiều chất dinh dưỡng nên phải cần tiếp hồi.


***

Nhà thương ở Lille trông bề thế nhưng chẳng mảy may thiện cảm. Đi giữa hai cận vệ, Renaud và Emmanuelle, em vừa hút điếu cuối cùng vừa ngắm nhìn khối kiến trúc ngói đỏ. Giây phút thật ảm đạm. Vào trong, tụi em mần mò theo lời chỉ dẫn để tìm sở huyết dịch học. Huyết dịch học là một từ em không hoàn toàn thấu hiểu. Chỉ về sau em mới hiểu rằng khu này chuyên điều trị những căn bệnh về máu. Không khí ở đây thật nản. Ngoài y tá không có bóng một vị bác sĩ nào. Những dãy hành lang vàng vọt, buồn, âm u, dưới những ngọn đèn nê-ông trắng trợt. Nhợt tí nữa là chết ngắc không chừng! Trên đường đi, tụi em qua ngang một cánh cửa có biển đề, « Lưu Ý-Khu Vô Trùng – Cấy Ghép Tủy Xương ». Nhưng em làm gì ở đây chứ? Em có cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới hư ảo. Khu này coi khiếp quá. Phía sau tường là những gì mà họ gắn lên tấm bảng như thế ? Tại sao lại gửi em đến nơi đây? Em đi lầm tầng lầu chăng. Em nhấn nút chuông để kiểm chứng lại và cùng lúc để xác nhận về đường đi. Trời đất! Một phụ nữ trang phục toàn bằng vải giấy trả lời em sau miếng mặt nạ rằng không phải ở đây. Hú vía!


Mắt em theo dõi, quan sát, từ đầu đến cuối mỗi dãy hành lang. Em bán tín bán nghi lời hướng dẫn mập mờ của quầy tiếp tân, đại khái, theo hướng này thì phòng thứ ba nằm bên tay trái. Rồi một trong các cô y tá – một cô gái tóc đỏ to cao mặt đầy tàn nhang mang tụi em tới một nơi còn âm u hơn khu lúc nãy. Hãy nói với em đây là cơn ác mộng. Hãy nói với em bây giờ là đêm và em sẽ tỉnh giấc!

Đã thế, căn phòng tương lai của em đã có ai nằm trong đó. Thật quá quắt! Nước mắt em trào ra. Em không muốn vào đây chút nào. Em không muốn nói chuyện với ai hết. Trên hết em rất ngại chuyện chung chạ với người lạ, làm thế nào để thay quần áo đây? Người cùng phòng – một thiếu phụ dáng dấp khá to lớn – nhận ngay ra sự ngập ngừng của em. Đến lúc đó em mới nhận ra rằng bệnh viện không phải là trò đùa. Em đang giáp mặt với những người phải chịu khổ. Bởi thế em không cảm nhận được đây là nơi chốn của em. Tại sao lại phải gửi em đến chung đụng với những bệnh nhân trầm trọng như vầy? Em sợ phải ngủ một mình ở đó. Bệnh viện là chỗ tá túc của tử thần.

Cũng mừng là ba mẹ của em từ Saint-Quentin đến thăm em ngay buổi chiều hôm đó. Ba mẹ an ủi em. Ba mẹ lo lắng nhưng không để lộ ra mặt.


Một cô y tá giải thích cho em hiểu là vì em thiếu tiểu bài huyết ( plaquette) và hồng huyết cầu, cho nên cần phải được tiếp máu nhanh chóng. Tiểu bài huyết? Hồng huyết cầu? Toàn là những từ ngữ mới không thôi. Em hiểu đại khái tiểu bài huyết có đặc tính làm đông lại máu, để ngăn chận sự băng huyết. Với tỉ lệ máu em có lúc đó, một vệt đứt tay nhỏ xíu cũng có thể đi đến chuyện băng huyết làm thiệt mạng. Thế mới biết em vô cùng may mắn bởi em đã có thể đứt tay đứt chân trong lúc cạo lông mà không bôi kem mềm da trước khi đến bệnh viện. Chưa kể những lần em có thể mất máu như lúc đi trượt tuyết nếu chẳng may em đã té ngã và bị thương tích. Tiếp máu quả là vấn đề sinh tử. Giờ đây, để làm công việc tiếp máu, cô y tá gắn một ống thông vào cánh tay em, ống này dẫn đến một ống bơm khác có nối một túi glucose. Ống thông dùng để nhập vào, lấy ra những chất lỏng thẳng từ mạch máu mà không cần phải tiêm mỗi lần. Nói tóm lại, nhờ ở những người hiến máu mà em mới có cơ hội tiếp nhận những lượng tiểu bài huyết quí báu như thế đó.

Qua ngày hôm sau, em dần dà phát hiện được giờ giấc sinh hoạt trong bệnh viện. Đại khái, 7 giờ sáng: xếp dọn khi thức dậy. Không cần biết em thức hay không, các cô y tá bước vào phòng bật đèn lấy máu em đi khám nghiệm. Sau đó là điểm tâm. Chưa thấy bữa điểm tâm nào tệ như vậy. Tất cả mọi giờ giấc phân định rõ ràng. Cứ như là ở trong quân đội không bằng. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng, là giờ nghỉ ngơi.


Lúc đầu em không hiểu hết những điều lệ trong nhà thương nên mọi diễn biến đối với em thật là ngỡ ngàng. Em như người bị đánh mất phương hướng. Có rất nhiều điều em mù tịt. Ví dụ như truyền hình chẳng hạn. Em sẽ không ngừng bấm lia lịa cái máy điều khiển từ xa nếu người thiếu phụ trọ chung phòng không cho em hay biết là muốn xem được đài thì phải đóng tiền.

Em chờ… em đợi. Giờ giấc trong bệnh viện co giãn như sợi giây thun. Nhưng hề chi, em đâu có ý định ở đây lâu dài mà lo. Như lúc em gọi cho thầy Hiệu Trưởng em cũng nói thế. Em ở đây khoảng chừng hai tuần lễ thôi, không có gì trầm trọng, em chỉ hơi thiếu máu, em không đủ hồng huyết cầu, nhưng mà mọi việc sẽ êm đẹp sau khi em được tiếp máu. Yên tâm phần nào, thầy Hiệu Trưởng chúc em sớm bình phục trước khi cúp máy.


Trong lúc chờ Renaud và ba mẹ em viếng thăm, em hàn huyên với người thiếu phụ. Được biết lá lách của bà ta có vấn đề, gây ra những xáo trộn trong máu. Tỷ lệ tiểu bài huyết của bà cũng không ổn, nên những bọc máu phải được tiếp liên tục. Em thật ái ngại cho bà ta. Đến lượt em, em nói em cũng không hiểu rõ em bị đau gì nữa, người ta đang thử nghiêm. Một điều rõ ràng nhất: người ta tiếp máu cho em xong rồi em sẽ xuất viện! Những người bệnh ở khu vực này không liên quan gì đến em đâu. Bằng chứng: sau khi nói chuyện xong, em chạy vọt ra ngoài để hít thở không khí trời. Đứng ngoài hành lang, một trong những phòng bệnh có cửa mở. Tò mò, em kín đáo liếc nhìn vào trong. Một người đàn bà đầu trọc – với nửa cái đầu khuất sau cánh cửa- cất tiếng chào em – tim em vô cùng đau xót. Trong thâm tâm em lúc đó chuyện mất tóc đồng nghĩa với ung thư máu. Chắc chắn em bị ấn tượng từ những phim như Love Story và Le Choix D’aimer, trong đó các nhân vật chính, bị hành hạ vì chứng bệnh nan y này, đều chết ở đoạn cuối. Số phận người người đàn bà tội nghiệp ấy rồi cũng sẽ như vậy. Tất cả rồi cũng giống như ba của ba em, chết vào lúc mới có ba mươi bốn tuổi với bệnh ung thư máu.

**
Đặt ống thông, tiếp máu, tiểu bài huyết … Chương trình bắt đầu mới chỉ có thế. Sao lúc này người ta lại nói chuyện rút chất tủy lỏng (aspiration) từ xương ức? Rút tủy lỏng là sao? Người ta sẽ lấy tủy lỏng bằng những dụng cụ như thế nào? Em sẽ đau lắm không? Thật ra, chuyện rút tủy lỏng là một phương thức khám nghiệm cần thiết cho việc chuẩn đoán căn bệnh. Nhóm bác sĩ ở bệnh viện phỏng đoán em bị ung thư máu nhưng em là người duy nhất lúc đó chưa biết chuyện này. Cô bác sĩ nội trú phụ trách công việc gớm ghiếc ấy giải thích sơ cho em hiểu quá trình rút tủy như sau: thuốc mê được xoa ngay trên chỗ mà cô sẽ ấn sâu xuống một mũi kim chích thật dài – cũng là một thứ ống thụt–vào một khúc xương bằng phẳng nằm trong lồng ngực–chỗ xương ức, trung điểm giữa vú và cổ họng. Thú thật em nghe mà không thấy yên tâm chút nào! Biết đâu đây là lần đầu tiên cô sinh viên nội trú thực tập. Vị bác sĩ « phụ tá » công việc rút tủy dặn dò cho cô vài lời. Em khiếp sợ bởi người ta mang em ra làm thí nghiệm. Cô đâm cái kim nhọn sâu vào trong ngực em, mồ hôi nhiễu giọt trên gương mặt cô ta, chứng tỏ cô không làm chủ được tình hình. Em nghe mũi kim dọ dẫm, đâm chọc, rồi hút tủy. Người ta đè thật mạnh trên lồng ngực em, như tất cả xương của em trên đà bị bẻ gãy. Ít nhất cảm giác em là như thế đó. Em la hét, sức ép làm em đau không chịu nổi. Quá trình rút tủy lỏng chỉ kéo dài độ vài phút thôi. Cô bác sĩ kéo cái kim ra khỏi lồng ngực em, bỏ em nằm đó với bao nỗi hoang mang bấp bênh. Em chỉ cảm thấy khuyây khỏa khi ba mẹ em đến thăm.


Điều gì ?


(trang 34)


Nhưng sự an ủi cũng ngắn ngủi. Ba em rơi đầy nước mắt. Nhìn thấy ba khóc mà xúc cảm tràn dâng. Một người cha thường thủ vai người hùng, vững vàng như núi, không có gì cản trở. Ba của em mọi ngày là như thế. Tụi em không gặp ba thường trực bởi ba thường về nhà rất trễ. Ba có nhiều văn phòng đại diện bảo hiểm cùng những trách nhiệm nặng nề của công việc. Nhưng em thương ba bởi ông rất ôn hòa. Ba giảng dạy em, cho em nhìn ra phải trái. Với ba, em khám phá ra rất nhiều điều hay. Ai trong nhà cũng nghe ba, nể ba.

Hôm nay, ngọn đá vững vàng ấy vỡ tan tành. Em lo quá, có điều chi khủng khiếp làm ba em suy sụp đến độ như thế, ngay lúc này, trước mặt mọi người?

Buổi sáng trôi qua chậm dần, em trên giường ngủ, quần áo chỉnh tề. Để cho có vẻ riêng tư, các cô y tá chia phòng bệnh ra làm hai gian, người thiếu phụ và em. Mẹ đến, tháp tùng kề bên là Renaud. Khi ba gặp mọi người thì ba đầy nước mắt. Chắc ba buồn vì thấy em nằm lẻ loi trên giường bệnh viện? Lúc ấy trí óc em chưa thể đoán được việc gì đang chờ đợi mình. Vài ngày tá túc đơn thuần trong bốn bức tường. Em mệt, các bác sĩ sẽ giúp em hồi phục và trong vòng mười lăm ngày, em sẽ được tự do thôi! Nhưng mẹ, với tất cả can đảm, chính mẹ là người có nhiệm vụ để thông báo cho em biết:

– Chúng ta đã có kết quả về chuyện rút tủy rồi con à. Bây giờ chúng ta có thể biết được con bị bệnh gì. Con cần theo liệu pháp điều trị hóa học.

Phương trình tự động giải cho em biết: liệu pháp hóa học đồng nghĩa với ung thư. Khiếp sợ quá.

– Cái gì mẹ? Con bị ung thư?


– Đúng, ung thư máu, mẹ bình tĩnh trả lời.

– Chứng bạch huyết cầu, ba nói thêm vô, ánh mắt ba nhòa nước.

Em hỏi:

– Tựa như ba của ba?

– Đúng rồi con.

Trả lời em xong, ba khóc nức nở.

Em choáng váng! Ngay khi cái từ « chứng bạch huyết cầu » được thốt ra, đầu em nổ bung. Trong vòng vài phút ngắn thôi em có cảm giác như mình mất điểm tựa. Em muốn biết tất cả: tóc em sẽ rụng hết? Và chắc nhất là em sẽ chết? Em cảm được nỗi đau, nỗi lo lắng của ba mẹ em về tương lai cho đứa con gái đầu lòng. Nhưng em từ chối ảo tưởng. Mẹ nhấn mạnh: đúng, đương nhiên con sẽ bị rụng tóc. Nhưng mẹ nói thêm rằng chứng bạch huyết cầu trị liệu rất tốt ở thời đại chúng ta. Lời quả quyết của mẹ không làm em một chút nghi ngờ: dĩ nhiên là không, em sẽ không chết! Với em, mọi việc rõ ràng. Em uống từng lời nói của mẹ, em tin tưởng mẹ em, một tin tưởng mù quáng, tuyệt đối. Mẹ không bao giờ nói dối. Hơn thế, mảnh bằng y tá của mẹ làm cho lời nói được bảo đảm hơn. Bất ngờ em thấy lòng bình an. Những giọt nước mắt ngừng rơi. Rồi từ ghê tởm mang đến chỗ tò mò. Em lúc nào cũng vậy, từ những năm bé nhỏ. Để kiểm soát được chính bản thân mình, em cần phơi bày và phân tích rõ ràng: em dò hỏi từng chi tiết nhỏ nhặt. Hiện tại không có gì khó hiểu cả: em chỉ cần mang một mặt nạ để tránh nhiễm bệnh trong khi chờ đợi có chỗ trống trong khu vô trùng. Mức kháng sinh trong người em rất thấp. Tất cả nhánh bạch huyết cầu trong người em hầu như đều có triệu chứng ung thư. Khu vô trùng cho em môi trường vệ sinh tuyệt đối, trong thời gian em tiếp nhận liệu pháp hóa học.

Mẹ không nói cho em biết ngay rằng chích việc rút tủy là để các bác sĩ tìm ra nhiễm sắc thể Philadelphia ( Philadelphia chromosome). Nếu có sự hiện diện của nhiễm sắc thể ấy, em sẽ mang chứng ung thư độc và trường hợp em sẽ là bệnh nan y (ngày nay, nhờ sự tiến bộ không ngừng của Y Học, dạng ung thư ấy có thể trị liệu rất thành công, tùy mỗi trường hợp, qua vị thuốc mới). Tưởng tượng cái đêm mà mẹ đã phải nghe ngóng chờ kết quả. Mẹ giữ bí mật để không làm ai phải lo lắng. Cám ơn trời đất, trong niềm khổ đau, em đã được tha. Họ ghi xuống là em không bị gia truyền nhiễm sắc thể Philadelphia!

Hói đầu

(trang 45)

Em không bận tâm về sự rụng tóc. Mọi người đã báo trước cho em biết. Rụng tóc bắt đầu ở lần làm liệu pháp hóa học thứ nhì. Ánh nhìn của người khác không là điều quan trọng. Em nghĩ chẳng có gì xấu hổ khi mình bệnh hoạn. Chỉ những người có ánh mắt thương hại mới cần cúi gầm xuống, em thì không. Em quả quyết! Nếu như lương tâm của họ không được ổn thỏa, điều đó không phải là vấn đề của em.

Dù sao đi nữa, em cũng chẳng cần có tóc trong phòng vô trùng. Để làm gì chứ? Chỉ bận rộn thêm cho em thôi. Chuyện hói đầu có một tiện lợi là: khỏi phải khom cúi xuống la-va-bô để gội đầu trong lúc đeo kè kè túi tiếp máu bên cạnh. Trong lúc tình trạng sức khỏe yếu kém, mọi cử chỉ càng nên tiết kiệm. Điều duy nhất phiền nhiễu em và làm em buồn là chứng hói đầu cùng nghĩa với cái chết đang lượn quanh. Phải chăng em đã nhìn thấy cái chết thật gần, quá gần. Như cái chết của bà Ngoại yêu dấu.

***
Một thời gian ngắn sau lần trị liệu thứ nhất, em quen với Romain, một sinh viên bằng tuổi em. Anh ấy đã nằm trị liệu ngay trong phòng vô trùng trước khi em tới. Romain là bạn trai của một cô bạn của Suzon. Anh cũng không còn tóc như em nhưng có vẻ kém sinh động hơn. Sau lần trị liệu thứ nhất với chín tuần lễ, anh được về nhà, chỉ quay trở lại bệnh viện lúc cần tiêm liệu pháp hóa học. Anh cư ngụ ngay tại Lille nên không gặp trở ngại trong việc điều trị như thế. Anh rất thường hay ghé qua phòng. Tụi em trao đổi về những tác dụng của liệu pháp hóa học, những ảnh hưởng có thể gây trở ngại trong đời sống lứa đôi, những bàn luận nói chung về căn bệnh!

Anh có cùng căn bệnh bạch huyết cầu như em. Cái tội « dễ thương » của anh ư? Những trận ói mửa. Anh dùng Zophren, nhưng không hiệu quả. Còn em, vật vã bởi chứng nhức đầu. Những cơn nhức óc khủng khiếp cùng cảm giác ngộp thở. Có lúc, cơn đau mãnh liệt như chôn em ngay trên giường. Cảm giác như là khi em quay về phía tay mặt thì nguyên một khối óc quay hết về phía tay mặt, khi em chuyển sang phía tay trái thì nguyên khối óc quay về phía tay trái. Máu của em nặng hàng tấn. Những giây phút ấy ánh sáng làm em thêm đau đớn. Từ đó, những rèm màn được phủ xuống hết và thời gian của một ngày trôi qua trong bóng mờ. Im lặng tuyệt đối.


Để giúp em cầm cự, các cô y tá tiêm vào người em chất morphine. Nhưng morphine đôi lúc cũng không công hiệu lắm. Có một lần, em năn nỉ với một cô bác sĩ nội trú: em không thể cầm cự nổi nữa, cơn đau quá khốc liệt. Nhìn cảnh đáng thương, vài phút sau bác sĩ quay trở lại với thuốc Topalgic, một loại thuốc phát sinh từ chất morphine. Hẳn là, bác sĩ nội trú không biết rằng không thể cho bệnh nhân dùng loại thuốc ấy khi mà người bệnh đã trị liệu dưới một dạng thuốc làm dịu cơn đau rồi. Kết quả: em như bị đè lún sâu trong tấm nệm, sau đó là rơi vào một cái hố đen ngòm sâu thẳm. Tâm trạng em như người đang phi xì-ke, hoàn toàn mê sảng! Tất cả bức tường trở nên mờ nhạt, con người cũng vậy. Ngày đó, em khóc như chưa từng được khóc! Mẹ, luôn cạnh bên, bình tĩnh, mẹ nắm lấy tay em cho đến khi cơn đau giảm dần và em vùi sâu vào giấc ngủ.


Sự hiện diện của Romain an ủi em nhiều lắm bởi tấm lòng anh rất dễ thương. Hy vọng, em sẽ như anh ấy, có thể làm liệu pháp hóa học thứ nhì tại nhà. Romain hay thường nhắc đến quãng thời gian chín tuần lễ của lần làm liệu pháp hóa học đầu tiên, coi là quá nhiều. Anh lập đi lập lại cho đến lúc nhận ra em phải trải qua mười hai tuần lễ, coi như em thắng, đứng đầu lớp!

***

Trong ba tháng trời trị liệu, trên nguyên tắc em được hai vị bác sĩ nội trú theo dõi bệnh tình thường trực. Giảng Viên K. chỉ « chỏ mũi » vào phòng em một tuần một lần. Làm việc ngày đêm để tranh thủ phương trình sống còn cho một bệnh nhân chắc là nhiều đam mê hơn cho nên vị giảng viên cũng quên bẵng chuyện ngó ngàng đến môi trường hiện thực. Ấy mà, có đến tận phòng bệnh hay gặp gỡ bệnh nhân trong các dãy hành lang người ta mới đo lường được sự đau đớn của họ ra sao. Nhưng Giảng Viên K. không thích gặp những người quá hư hao. Ông không biết cách an ủi bệnh nhân ngoài chuyện chỉ lập đi lập lại những điều sáo mòn mà bệnh nhân muốn nghe. Đối với những bệnh nhân quá suy nhược, ông để cho các cô y tá coi sóc. Em biết có lẽ em hơi cực đoan nhưng ở đây em chỉ ghi nhận lại những cảm giác của em vào lúc ấy.


Em công nhận: nếu không có bác sĩ, sẽ không hy vọng được chữa khỏi. Nhưng không có y tá cũng thế. Thử hỏi xem tất cả các vị giảng viên hãy chia ra một bên là sự hiểu biết, một bên là nỗi đau, hãy mời họ thi hành một cử chỉ làm dịu nỗi đau đớn. Không chắc họ có khả năng tiêm thuốc mà làm người bệnh không rên xiết.


Em nói dưới cơn giận. Em phóng đại, em vơ đũa cả nắm nhưng đáng lý ra em không nên nói như thế, vì chỉ riêng Giảng Viên K. mà thôi. Khi về Lille, em được một giảng viên khác theo dõi bệnh tình, ân cần hơn, đó là Giảng Viên J.


Và những điều khác …


(trang 69)

Có nhiều người đặt niềm tin trong đạo giáo. Em không chống chuyện này. Em chấp nhận sự thăm viếng nhà thương của Cha Tuyên Úy nhưng người đàn ông, trạc bảy mươi tuổi, hoàn toàn sai lầm trong những lời cầu nguyện. Em phải nói ngay em có lòng tin, nhưng ở phương cách riêng của mình. Em tin ở sức mạnh cao thượng dẫn lối. Và Đức Chúa Trời? Đó là chuyện khác… Cho nên em chấp nhận chuyện cầu nguyện với Cha Tuyên Úy với một điều kiện duy nhất: Cha không gọi Đức Mẹ Maria, kể cả Đức Chúa Jésus. Điều ước mong của em không được coi trọng. Khi Cha Tuyên Úy bắt đầu bằng một câu: « Con xin kính chào Đức Mẹ Đồng Trinh, » ông đã tự mình cắt đứt nhanh chóng buổi thăm viếng.


Trong mỗi giai đoạn khó khăn, ai ai cũng có lòng tin riêng, bản chất con người là như thế. Người thiếu phụ mà em ở cùng phòng lúc mới đến bệnh viện có tặng cho em một khuôn mề-đai trước khi em chuyển sang khu vô trùng, khuôn mề-đai nhỏ có tượng hình Thánh Rita, thánh bảo hộ cho những trường hợp tuyệt vọng. Em rất xúc động với món quà đó và em đã không rời xa cho đến hết giai đoạn trị liệu pháp hoá học lần thứ nhất. Mỗi khi em cảm thấy không an lành, em xiết chặt miếng mề đai trong lòng bàn tay. Vô hiệu quả! Những đứa em họ cũng có gởi đến em một miếng mề-đai của một vị Thánh, em quên mất tên, cũng tương tự như Thánh Rita. Em đặt ngay trên bàn nhỏ, bên cạnh khuôn mề-đai kia. Phải chăng thử thách về bệnh hoạn đã thay đổi cách nhìn của em? Dĩ nhiên rồi.

Renaud, người hùng của em


(trang 70)


Renaud không được vui nhưng lại chăm sóc em gấp đôi ngày xưa. Trị liệu pháp hóa học lần thứ nhất của em kéo dài hơn so với những bệnh nhân khác: mười hai tuần thay vì bảy bởi tỷ lệ bạch huyết cầu của em trì trệ trong người. Trong suốt ba tháng trời, Renaud ghé thăm em mỗi tối sau giờ học. Lúc ấy em chưa biết – em chỉ biết sau này thôi – hầu như Renaud « trượt » hết những lớp học buổi sáng. Anh ngủ quá ít, đêm anh thường đi lang thang trước cửa bệnh viện. Dẫu rằng lo âu, anh luôn che chở em bằng những ngôn từ êm dịu, những lời mà một cô gái mong đợi nghe, nhất là trong thời gian ấy. Anh nói rằng em đẹp. Em không còn tóc cũng chẳng hệ trọng gì. Anh lập lại rằng anh yêu em mặc cho đời sống sẽ ra sao. Em vẫn luôn luôn quyến rũ, bất cứ lúc nào. Tụi em không có quyền đụng chạm nhưng vẫn hôn nhau qua mặt nạ. Sự gần gũi, giao cảm, dù trong ranh giới phòng thủ, vẫn nguyên thủy. Anh tạo cho em niềm tin, và những nụ hôn với ý trung nhân đã nhắc nhở em rằng mình vẫn hấp dẫn và sinh động.


***

Renaud bị xúc động. Có chuyện gì không xong rồi. Anh gượng dằn nước mắt. Em hỏi mãi cho đến khi anh nhả nỗi đau mới thôi. Giờ đến phiên mẹ của anh bị ung thư vú. Làm như chứng ung thư máu của em chưa đủ hay sao! Tính tình anh thường hay lo lắng, cái tin mới mẻ này như vun bồi thêm nghiệp chướng. Anh mới có hai mươi tuổi mà hai người phụ nữ quan trọng trong đời anh đã bệnh hoạn rồi. Em không được phép nhưng giây phút này dữ dội quá để em tuân theo lệnh bác sĩ. Em nói Renaud hãy nằm trên giường ngay bên cạnh em. Lần đầu tiên kể từ khi nhập viện cho đến lúc này, em đánh bạo giang vòng tay ôm lấy Renaud. Em cảm nhận tột cùng nỗi cô đơn của anh ấy.

http://www.perrinehuon.com

Trang Thanh Trúc chuyển ngữ

HỌA SĨ VŨ THÁI HÒA

KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH CỦA HỌA SĨ VŨ THÁI HÒA TẠI PHÁP

vth3

vth4

HÌNH ẢNH KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH

CỦA HỌA SĨ VŨ THÁI HÒA

tại Galerie du Cinéma Eden

66 Rue Gambette – Romilly Sur Seine (Pháp)

Mở cửa : 12/12/2008 – 04/01/2009

Romilly Sur Seine (Pháp) – 12/12/2008 Thời tiết ở Pháp từ hơn một tuần lễ nay đã thay đổi , Tuy chưa vào đông nhưng nhiệt độ đã xuống độ trừ, nhiều thành phố, ruộng đồng tuyết phủ trắng xóa.

Thành phố Romilly Sur Seine mấy ngày qua, đường phố cũng tràn ngập tuyết, sự đi lại gặp nhiều khó khăn.

– Trước giờ khai mạc Phòng tranh của Họa sĩ Vũ Thái Hòa ,trời càng lúc càng buốt giá, mưa tuyết cùng lúc càng nhiều – Tuy nhiên đúng 18h30 chiêu đãi khai mạc phòng tranh của Họa sĩ Vũ Thái Hòa bắt đầu tại số 66 Rue Gambetta thành phố Romilly Sur Seine (Pháp) với sư hiện diện của ông Eric Vuillemin Thị trưởng thành phố Romilly Sur Seine, ông Christian Rouge Phó Thị trưởng đặc trách Văn Hóa Nghệ Thuật Thành phố cùng với nhiều Quan khách yêu Hội Họa trong vùng .

Mở đầu khai mạc phòng tranh- Ông Christian Rouge Phó thị trưởng đặc trách Văn Hóa Nghệ Thuật của Thành phố đã giới thiệu với Ông Thị trưởng và Quan khách về Họa sĩ Vũ Thái Hòa, Ông cho biết HS Vũ Thái Hòa là một Họa sĩ VN định cư tại Thành Phố Troyes (Pháp) từ 1984 tác phẩm của VTH được nhiều người biết đến qua những cuộc triển lãm tranh trong vùng Champagne (Pháp) do các Trung tâm Văn Hóa các thành phố tổ chức, VTH có Họa phẩm : Longue a été la nuit (đêm dài) được UNESCO giới thiệu đưa vào Viện bảo tàng Loukine d’ Arsonval (Pháp) và Họa sĩ Vũ Thái Hòa được UNESCO tặng huy chương hội họa : Picasso – Miró .

Bản thân Ông Christian Rouge cũng là một trong những người yêu tranh của Họa sĩ Vũ Thái Hòa vì tranh Vũ Thái Hòa màu sắc rất mạnh bạo, rực rỡ, vui tươi… với đường nét lạ, nhiều khai phá mới… Ông đã có dịp xem tranh của HS Vũ Thái Hòa trong các cuộc triển lãm gần đây ở các thành phố khác.

– Vì những lý do trên, chính Ông đã vận động với chính quyền tài trợ và mời Họa sĩ Vũ Thái Hòa đưa tranh đến đây triển lãm cho công chúng Pháp thành phố này xem

Dịp này Ông Christian Rouge còn cho biết thêm là Ông và Họa sĩ Vũ Thái Hòa không hề quen biết nhau trước đây.- Ông rất hài lòng khi được giới thiệu tranh của HS Vũ Thái Hòa với công chúng yêu nghệ thuật ,

Đáp từ – Hoạ sĩ Vũ Thái Hòa cám ơn sự giúp đỡ, tài trợ của chính quyền địa phương cho cuộc triển lãm này, và cám ơn riêng Ông Thị trưởng, Ông phó Trị trưởng đặc trách Văn Hóa Nghệ thuật cũng như những người yêu Hội họa đã bớt chút thì giờ qúy báu đến dự lễ khai mạc và xem tranh Vũ Thái Hòa.

Sau đó, chiêu đãi nhẹ gồm rượu Champagne và bánh v…v…do Trung tâm Văn Hóa thành phố Romilly Sur Seine khỏan đãi , Họa sĩ Vũ Thái Hòa đã ân cần trò chuyện với Ông Thị trưởng , Ông phó Thị trưởng đặc trách Văn Hóa Nghệ Thuật và những người khách yêu Hội Họa – Buổi lễ kết thúc lúc 21h00 cùng ngày.

TRIỂN LÃM TRANH CỦA

HỌA SĨ VŨ THÁI HÒA

Tại PHÁP từ 13/12/2008 đến 04/01/2009

trienlamtranhvuthaihoa

Nhân dịp Giáng Sinh 2008 và Năm Mới 2009 với sự tài trợ của Trung tâm Văn Hóa thành phố Romilly-sur-Seine (Pháp), Họa sĩ Vũ Thái Hòa sẽ cho ra mắt công chúng Pháp tranh của ông tại :

GALERIE DE L’EDEN

66 Rue Gambetta

Romilly-sur-Seine

FRANCE

Phòng tranh mở cửa từ 13 tháng 12 năm 2008 đến 4 tháng Giêng 2009

(Vào cửa tự do)

Web : http://www.saigonline.com/vuthaihoa

Vũ Thái Hòa là một khuôn mặt Văn nghệ VN quen thuộc,

Sở trường : Vẽ tranh, Viết Nhạc, Hòa âm, Làm thơ, Viết Văn…

Sinh năm 1947 tại Trung Lao – Nam Định (VN)

1954 Di cư vào Nam VN

– 1965 bắt đầu sinh hoạt nghệ thuật viết và làm báo tại Sàigòn

trienlamtranhvuthaihoa21

Họa sĩ Vũ Thái Hòa và những tác phẩm Hội Họa của Ông

Từ 1972 đến nay, Tranh Vũ Thái Hòa đã xuất hiện trên trang bià các tác phẩm Thơ, Văn, Nhạc … của các Văn Nghệ Sĩ tên tuổi VN – và tranh Vũ Thái Hòa còn xuất hiện trên những cánh thiệp Chúc Giáng Sinh và Năm mới, trên các tạp chí Việt ngữ xuất bản ở Hoa kỳ, Pháp, Đúc, Canada, Úc …

– Định cư tại Pháp 1984

– Vũ Thái Hòa đã triển lãm tranh nhiều lần , nhiều thành phố tại Pháp từ năm 1985 đến nay, đa số các cuộc triển lãm của ông đều được Chính phủ Pháp tài trợ mọi măt .

-1986 Giải thưởng hội họa Libé nhật báo Libération Champagne (France)

– 1987 Họa phẩm : Longue a été la nuit (đêm dài) của Vũ Thái Hòa được UNESCO giới thiệu đưa vào Viện bảo tàng Loukine d’Arsonval (France) và VTH được UNESCO tặng huy chương hội họa : Picasso – Miró

-1992 Phát hành 10 thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm mới có in tranh Vũ Thái Hòa trên mỗi tấm thiệp (do Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu phát hành)

-1999,2000,2001 Trong Hội đồng Giám khảo thi hội họa quốc tế do UNESCO tổ chức hàng năm tại Troyes (Pháp)

-2/2003 Triển lãm tranh tại Salon des Artisans d’Art (Hội Chợ Mùa Xuân)(Troyes)(Pháp)

– 10/2003 Triển lãm tranh tại : (Trung Tâm Văn Hóa) Centre Culturel de la Chapelle Saint Luc (Thành phố La Chapelle Saint Luc) (Pháp)

– 2/2004 Triển lãm tranh tại : Maison pour tous thành phố Sainte Savine.(Pháp)

– 4/2004 Triển lãm tranh tại Ngân hàng BNP Paribas (Troyes) (Pháp) do Maison du Boulanger tổ chức.

– Họa sĩ Vũ Thái Hòa ngoài tài vẽ tranh, Ông còn là một nhạc sĩ có nhiều tình khúc giá trị nghệ thuật, Nhạc của ông được nhiều người biết đến từ thập niên 70-80 qua những tình khúc của ông do các ca sĩ thượng thặng của nền âm nhạc VN lúc bấy giờ hát trong các băng nhạc sản xuất tại Sàigòn

– Ngoài Nhạc tình, Vũ Thái Hòa còn viết Thánh Ca Công giáo

Căn phòng mầu trắng …

can-phong-mau-trang

Sáu tuổi, em bước vào trường học. Ngôi trường có nhiều lá hoa và cây cỏ đẹp. Những gương mặt rạng ngời. Những giờ ra chơi dễ thương, hạnh phúc. Nhưng tiếng cười nơi em không hiện hữu bao lâu. Cô giáo đã sớm nhận ra điều ấy. Những nét vẽ trên trang giấy có ghi tên Magalie. Nét vẽ của em là những hình ảnh không bình thường, đầy sợ hãi. Nét vẽ của em không là một mặt trời. Không là một ngọn cây nhiều lá hoa và chim chóc. Mà chỉ là những người lớn chập chờn trong đó. Bóng dáng em đâu đó. Thật nhỏ nhoi. Hình ảnh người mẹ của em cũng hiện hữu đâu đó. Đơn côi. Thụ động.

Sáu tuổi, rồi đến 10. Trong sân vườn mùa hè. Giữa cái nắng chói lọi em nắm tay chú bé tên Vịt 4 tuổi chạy vào chuồng gà thăm chị gà mái xem có đẻ thêm được trứng nào không? Rồi em dạy cho nhóc Vịt chơi xích đu. Em bày đủ thứ trò chơi. Và có một lúc em căn dặn luôn chú bé 4 tuổi rằng:  » Vịt nhớ đó nhé, không để cho ai cởi quần mình ra hết! »

Sáu tuổi. Sao người ta lại có thể, hay nỡ nào chiếm lấy một thân thể chưa phát triển của một thiên thần như thế? Người ấy, không ai xa lạ hơn chính là mẹ của Magalie. Thế mới thê thảm! Từ mẹ rồi đến người đàn ông xa lạ nào đó thay thế ba của Magalie. Rồi đến bạn của mẹ Magalie nữa. Những bóng dáng chờn vờn vây kín em. Những con người không mang vóc dáng con người. Những con thú không có trái tim nhân loại.

Từ 6 đến 10. Em có những cơn khủng hoảng tiếp nối thật bất thường, đáng thương. Chỉ mới cách đây vài ngày thôi, em bớt tiêu tiểu ra quần. Bớt nhưng có chắc gì là hết? Vết thương đã xâm chiếm tâm hồn em, thể xác em. Thời gian và tình thương chân thật ban bố của người khác, nếu có, hy vọng gì rửa sạch được những tỳ vết ấy? Hay vết tích muôn đời vẫn sẽ là vết tích mà thôi?

t r a n g t h a n h t r u c

(Viết cho Magalie. Em đã chết cháy vào mùa Thu 2001. Ngay trong căn phòng em cho cô, Trực, nhóc Vịt tạm trú vào mùa Hè. Căn phòng mầu trắng, tấm màn mầu trắng, tập giấy mầu trắng và một con mèo cũng trắng …)

Giai điệu buồn – linh họa Vương Huyền

thang11muathu

http://honque.com/HQ052/GiaiDieuBuon_TTTruc.html

Sinh Nhật của ThyCa – Trầm Hương

thuparis60

* Tặng những ai mang nghiệp thyca.

Cái rét đầu đông và cơn mưa buổi sáng không kịp đuổi theo khi chị mở tung cánh cửa xe, đi như chạy qua lối vào có mái che của cửa Cấp Cứu, đến thẳng khu Quang Tuyến. Chị chựng lại trước dây người xếp hàng dài từ lúc nào. Cây kim ngắn của chiếc đồng hồ to tướng, tròn vành vạnh như mặt trăng16 treo trên tường chỉ đúng con số 8. Chị hối hận (như trăm lần hối hận), Biết thế đã đi … sớm!

Hình như chữ “sớm” hơi khó kiếm trong search engine của bộ não chị. Lỗi chỉ tại ông Trời, nào phải chị muốn thế? Cũng tại ông Trời ưa bao che cho chị trong những tai nạn bất ngờ nên chị đâm ra ỷ y.

Cũng thế, một năm trước, khi chị hớn ha hớn hở bước ra khỏi xe, sửa soạn từ giã chồng trước viễn cảnh tươi đẹp không có gì quý hơn độc lập tự do của 1 tuần lễ “nghỉ cuối hè” ở New Orleans, thì anh đã stop gian ý của chị: Này, laptop của em đâu? Chị tá hỏa, Thôi rồi, em quên!

thuparis70

Anh đã quá quen với những món quà đầy ngạc nhiên hãi hùng này của vợ, đành thở dài, Đợi đi, anh về lấy.

Đợi đi. Chao ơi, chỉ còn 45 phút đến giờ bay. Anh có làm anh hùng xa lộ, phóng 80miles/giờ, vượt qua 3 đèn vàng 2 đèn đỏ, chạy vô nhà rồi chạy ra, giỏi lắm cũng mất 35 phút. Cầm bằng như đã missed (flight) là… xong (từng tứng tưng). Chị thở dài, mở điện thoại cầm tay, báo tin không vui cho New Orleans .

Ấy thế mà anh phóng tới phi trường đúng 10 phút trước giờ bay thật.

Chuyện đâu phải chỉ đơn giản như thế. Còn phải qua cửa ải an ninh phi trường nữa. Chị đứng trong hàng người ngoằn nghoèo mấy vòng như con rắn, đôi mắt ngơ ngác tuyệt vọng.

Giữa lúc tưởng chừng hết đường “binh”, trí óc chị bỗng sáng lòa đúng như câu danh ngôn “ngu bẩm sinh, thông minh đột xuất” khi tình cờ ngó thấy ông xếp TSA da đen ngòm, đang phụ trông chừng hành khách, đứng ngoài làn dây ngăn cách phía trước. Thu hết can đảm, chị lúng túng: “Tôi bỏ quên laptop ở nhà nên phải về lấy. Chuyến bay tôi chỉ còn vài phút (tay run run trình vé, khuôn mặt ăn năn hối lỗi thấy rõ), xin ông cho biết tôi phải làm gì?”.

Xếp TSA liếc nhanh vô tấm vé, kéo chị tuột ra khỏi hàng người, đẩy chị bắn lên phía trước: Go, go…. Đến thẳng người kiểm vé. Đi đi chứ còn gì nữa. Hurry, hurry up … Sau lưng, chị còn nghe loáng thoáng ông nói qua máy truyền tin, Chuyến bay XYZ đi New Orleans , có một hành khách đang trên đường tới. Xin đợi…

Chính hành động đáng yêu của ông Mỹ đen hôm ấy đã là động cơ khiến chị dồn lá phiếu của mình trong kỳ bầu cử Tổng thống (sơ bộ lẫn chính thức) cho hoàng tử Obama. Hôm nay, có vị thần Mỹ đen nào hộ mạng cho chị nữa không?

thuparis80

Ma’am, how can I help you?”

Nhẩn nha trước hàng người chờ đợi mỗi lúc mỗi dài thêm, hai nhân viên với câu hỏi như một cái máy, bình thản và từ từ giải quyết từng người một. Rồi cũng đến phiên chị.

“Tôi có hẹn để làm đồng vị phóng xạ iode với Bác Sĩ Whites sáng nay”

Chị liếc nhanh qua cái đồng hồ. Cây kim đã nhích tới con số gần 8:30 AM. Chị vờ vĩnh bỏ lơ giờ hẹn là 8 giờ sáng.

“Xin bà cho biết họ, tên”

Bà thư ký nhanh chóng lôi từ xấp hồ sơ dầy cộp ra hồ sơ cá nhân của chị.

“Ấy chết, trễ quá rồi! Để tôi gọi người đưa bà gặp BS Whites ngay lập tức. Bà có thể quày lại làm thủ tục giấy tờ sau”.

Chị mừng hơn bắt được của, cảm ơn rối rít quý nhân dễ thương đã không mắng, lại còn nhiệt tình giúp đỡ. Đúng là xứ dân làm chủ.

Anh chị ngồi chưa nóng chỗ, BS Whites đã ào tới. Chị ngượng nghịu, Xin lỗi BS, tôi phải xếp hàng lâu quá. Không buồn để ý đến câu excuse nhàm chán của bệnh nhân, BS Whites vô đề liền:

“How do you feel today?”

Chị cười: “So nervous!”

“Bà không mệt sao?”

“Thưa không, chỉ căng thẳng,” chị lập lại.

BS tỏ dấu ngạc nhiên:

“Lượng kích tố trong người bà đã xuống rất thấp mà sao bà không mệt? Nhưng thôi, bây giờ chúng ta trở lại những gì đã nói trong lần trước.

Sau khi chất phóng xạ vào cơ thể, sớm mai, bà sẽ bị đánh thức bởi một cảm giác khó chịu ở cổ. Đó là do tuyến nước bọt ở hai bên cổ bị sưng lên. Theo tường trình từ rất nhiều bệnh nhân, bà sẽ bị đau, sẽ bị chóng mặt, ói mửa. Thậm chí không ăn uống được và có thể phải nhập viện để được chuyền I.V. Có thể bà sẽ ăn không ngon, sẽ bị khô miệng do tuyến nước bọt ngưng hoạt động. Ngưng tạm thời hoặc vĩnh viễn …”

“ Thưa BS, nếu bị khô vĩnh viễn, có cách nào chữa trị?”

“ Rất tiếc là không! Khi nước bọt không tiết ra được nữa, hậu quả sẽ là răng bị hư, ảnh hưởng dây chuyền đến bộ máy tiêu hóa. Vì vậy, sau khi uống thuốc phóng xạ đồng vị, bà nhớ ăn kẹo chua càng nhiều càng tốt. Mục đích là để kích thích tuyến nước bọt phải làm việc tối đa, chất phóng xạ cũng theo đó mà được thải ra nhanh hơn.

Phóng xạ sẽ được thoát ra theo sự bài tiết và qua da. Vì vậy, bà nhớ uống thật nhiều nước, tắm ít nhất 2 lần một ngày”

“Thưa BS, trong thời gian này, tôi có xử dụng được… laptop?”

“Bởi vì phóng xạ đi qua da nên tất cả những đồ vật bà chạm tay trong 5 ngày đầu tiên – thời gian nó thải ra mạnh nhất – sẽ bị nhiễm, sẽ có khả năng gây tổn thương sức khoẻ cho những người chung quanh. Lời khuyên của tôi là với những đồ vật có thể rửa được, bà nên rửa với thật nhiều nước sau khi xử dụng vì đặc điểm của phóng xạ iode là tan trong nước.

Với những vật không thể rửa như laptop, nên tránh xử dụng trong tuần lễ đầu…”

“Thế thì bao lâu chất phóng xạ sẽ hết hoàn toàn nếu bị tồn đọng trên đồ vật?”

“Ba tháng. Trong cơ thể bà cũng thế. Ba tháng. Đây, tôi viết cho bà tờ giấy chứng nhận này, phòng khi bà phải đi máy bay. Qua cổng an ninh phi trường, có thể cơ thể bà sẽ khiến hệ thống dò tìm vũ khí báo động. (Cười). Trong trường hợp này, nếu họ có bắt bà bỏ hết y phục cũng không hiểu tại sao máy vẫn kêu thì bà chìa tờ giấy này ra.

thuparis35

Ngoài ra, như tôi đã nói, bà nên ở phòng riêng, dùng nhà vệ sinh riêng trong 5 ngày đầu, tránh tiếp xúc với mọi người trong gia đình càng nhiều càng tốt. Bà còn câu hỏi gì nữa không?”

“Cảm ơn Bác sĩ. Hôm nay thật là một ngày đáng nhớ trong đời. Thay vì được ăn bánh, tôi được ăn phóng xạ. Hôm nay là sinh nhật của tôi”

“Oh vậy sao? Happy Birthday to you”

thuparis37

Anh chàng chuyên viên dẫn chị vào phòng thuốc, không quên đóng kín cánh cửa sau lưng.

Anh trịnh trọng đeo vào đôi găng tay, loại dùng chỉ một lần.

Anh trịnh trọng đưa cho chị mang vào đôi găng khác.

Anh trịnh trọng cầm một ống thuốc nhỏ, cao, bằng plastic, bên trong chứa viên thuốc con nhộng màu xanh da trời đậm, màu của buổi chiều vào tối.

“Bà cầm lấy ống thuốc này, ngửa cổ, đổ viên thuốc vào miệng và uống ly nước này cho tôi”

Rất trịnh trọng, chị ngửa cổ dốc viên thuốc vào miệng, cố không … bật cười.

thuparis25

Chị nghĩ đến hình ảnh người cung nữ phải uống thuốc độc khi vua băng hà thuở xa xưa.

Ống thuốc rỗng được bỏ vào thùng rác.

Cả hai trịnh trọng cùng lột găng tay, trịnh trọng cùng thả vào thùng rác.

Chị nhẩy lên xe, ngồi bên cạnh chồng, muốn phá lên cười haha nhưng sợ phóng xạ bay vèo vào anh nên ngậm kín miệng.

Happy Birthday to me… to me…

Trầm Hương (UT)

Chú thích:

ThyCa, chữ viết tắt của website Hội Những Người Sống Sót Ung Thư Tuyến Giáp Trạng / Thyroid Cancer Survivors’ Association, Inc.

http://thyca.org/

Tiếng – nhạc – Việt trong lòng Paris

chantinh

TRÒ CHUYỆN CÙNG TRANG THANH TRÚC (PARIS):

MAI ANH thực hiện

Theo lời giới thiệu của nhạc sĩ Trần Quang Hải, chị là nữ nhạc sĩ sáng tác nhiều nhất ở hải ngoại. Học nhạc từ năm 1973, bắt đầu sáng tác năm 15 tuổi (1979). Bản nhạc “Tháng 9 và một người” của chị đã nhận được giải thưởng của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Pháp năm 2000. Duyên nhạc của Trang Thanh Trúc gắn nhiều với thơ Phạm Ngọc. Ngoài những sáng tác rải rác trong các album thực hiện chung, người yêu nhạc có thể tìm thấy 2 CD riêng của Trang Thanh Trúc – Phạm Ngọc: “Những ngày tháng không tên” (2003) và “Từ một phía không em” (2005).

Cách nói chuyện nhẹ nhàng, đầy nữ tính của Trang Thanh Trúc dễ gây cho người phỏng vấn một thiện cảm, một ấn tượng hết sức nhu mì… Mời bạn đọc cùng gặp gỡ với nữ nhạc sĩ Việt sống tại Paris – Trang Thanh Trúc.

Đã là người VN, ai cũng muốn biết về xứ sở…

PV: Chị đã từng phỏng vấn người khác, còn bây giờ chị cảm thấy như thế nào khi có người đang muốn “tò mò” về chị?

Nhạc sĩ Trang Thanh Trúc: Trước khi trả lời câu hỏi cho phép Trúc có lời cám ơn đến Người Viễn Xứ đã cho mình một cơ hội để trò chuyện. Chỉ hy vọng là những câu trả lời sẽ đưa mình đến gần hơn với người đọc, và dòng nhạc của mình đến gần hơn với thính giả xa gần.

Để trở lại câu hỏi của bạn, cách đây không bao lâu Trúc có thực hiện một cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Trần Quảng Nam – tác giả của bài ca: « 10 năm tình cũ ». Trúc chưa từng quen biết với nhạc sĩ Trần Quảng Nam, nhưng lại rất muốn biết về tác giả này. Dường như anh là người rất trực tính. Ưa nói thẳng và nói thật. Trần Quảng Nam đã được nồng nhiệt đón nhận từ bản nhạc « Mười năm không gặp… tưởng chừng đã… thoát ». Bài phỏng vấn này Trúc đặt tên là « Chân dung nhạc sĩ Trần Quảng Nam qua gợi ý của Trang Thanh Trúc ». Sau đó không bao lâu đọc giả lại hỏi: « Đã đọc bài phỏng vấn của Trang Thanh Trúc thật thú vị. Thế còn bài Trang Thanh Trúc bị phỏng vấn nằm ở đâu? ». Cảm giác của Trúc ngày hôm nay là thật lạ và hồi hộp khi biết được Người Viễn Xứ ưu ái dành cho một cuộc phỏng vấn như thế này…


chantinh4

PV: Là một người VN sống ở Pháp, chị có thấy mình bị “Pháp hóa” không nhỉ?


NS TTT: Trúc sống gần 28 năm ở một quốc gia khác không phải là quê hương của mình thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng lối sống của họ (nhập gia tùy tục, ca dao đó mà). Trúc cũng thích như người Parisienne đi dạo, ngắm nhìn dòng sông Seine chảy uốn khúc thơ mộng trong lòng thành phố. Hay cái thú nhàn nhã ngồi tư lự nhâm nhi cà phê hay ăn kem ở các quán bên lề đường. Hay như dạo chơi vườn Luxembourg vào những ngày đầu thu lá đổi màu đẹp hơn cả bức tranh vẽ.


PV: Tôi được biết chị không sinh tại VN, sống ở nước ngoài nhưng lại thường xuyên sử dụng tiếng Việt. Phải chăng sử dụng tiếng Việt để nhớ mình là người Việt?


NS TTT: Trúc sinh ra tại Nam Vang, lớn lên ở Đà Lạt. Không bao giờ Trúc muốn quên cái không khí lạnh lẽo nhiều thông, nhiều sương mù, cùng các con đường ngoằn ngèo lên đồi xuống dốc. Cũng từ thành phố dễ thương này, âm nhạc đã gieo mầm trong Trúc lúc nào không hay. Theo Trúc, đã là người Việt Nam thì bất cứ sinh tại đâu hay sống ở nơi nào đi nữa ai lại không muốn biết về xứ sở của mình, và việc dùng tiếng Việt trong gia đình Trúc hàng ngày hay những lúc gặp gỡ bạn bè người Việt cũng là chuyện thường tình thôi, vì đó vẫn là ngôn ngữ riêng của mình. Tiếng mẹ đẻ mà!

chantinh3


Sự lãng mạn chỉ dành riêng cho nghệ thuật


PV: Trong bài trả lời phỏng vấn của chị với Nam Dao, tôi được biết bản nhạc đầu tay được chị sáng tác năm 1979. Mãi đến năm 1999 chị mới sáng tác nhiều hơn. Theo chị, những “khoảng lặng” trong sáng tác như thế có cần thiết với người nghệ sĩ không? Cụ thể với chị, thời gian tạm xa âm nhạc, chị đã có được những gì?


NS TTT: Bản nhạc đầu tay sáng tác năm 1979 mang tên: « Tháng chín, mùa thu và em » còn đọng lại ở những ngày tháng lao đao khi mới đến xứ người. Nhạc là một phần lớn đời sống của Trúc, tuy nhiên có những lúc lo toan của đời sống đã không cho mình nghĩ nhiều đến âm nhạc, dù có những lúc rất nhớ những phím trắng đen trên cây đàn dương cầm. Trúc nghĩ “khoảng lặng” theo như bạn nói đôi khi nó cũng là một điều cần thiết trong đời sống để mình tìm được những ý tưởng khác lạ qua những đam mê mới. Thí dụ như qua nghệ thụật nhiếp ảnh, viết tùy bút tạp ghi, xây dựng và thiết kế trang nhà trên mạng Internet. Những điều gì có thể áp dụng vào nhạc như cách bố cục trong hình tạo sự chú ý; cách dùng những từ ngữ để diễn tả cường độ gợi cảm trong lời nhạc; cách cấu trúc cân phương v.v…

chantinh5


PV: Theo chủ quan của tôi, những sáng tác của chị đầy màu sắc lãng mạn. Nhạc sao – người vậy, có thể nghĩ về chị như vậy không?


NS TTT: Ơ, cái câu nói này không biết có chính xác hay không (nhạc sao người vậy đó). Chắc là nên hỏi đến những người gặp gỡ Trúc rồi. Trúc rất lãng mạn và rất thực tế. Rất bi quan và rất lạc quan yêu đời. Cái gì cũng « rất ». Chứ không có lưng chừng! Nên có thể tóm tắt là: Lãng mạn dành riêng cho nghệ thuật. Đời sống thì không.

PV: Theo chủ quan của tôi, những sáng tác của chị đầy màu sắc lãng mạn. Nhạc sao – người vậy, có thể nghĩ về chị như vậy không?


NS TTT: Ơ, cái câu nói này không biết có chính xác hay không (nhạc sao người vậy đó). Chắc là nên hỏi đến những người gặp gỡ Trúc rồi. Trúc rất lãng mạn và rất thực tế. Rất bi quan và rất lạc quan yêu đời. Cái gì cũng « rất ». Chứ không có lưng chừng! Nên có thể tóm tắt là: Lãng mạn dành riêng cho nghệ thuật. Đời sống thì không.


PV: Khi phổ nhạc cho thơ, chị có thấy cảm hứng của mình bị gò bó không? Sáng tác nhạc – lời của riêng mình và phổ nhạc cho thơ, chị thấy việc nào hấp dẫn hơn?


NS TTT:
Nếu mình đã chọn một bài thơ để phổ có nghĩa là mình đã đọc qua, đã hiểu – có thể là hiểu một phần nào điều tác giả bài thơ muốn nói. Cảm hứng từ đó sẽ nẩy mầm. Khi áp dụng vào thực hành đôi lúc bài thơ ấy sẽ gây cho mình những khó khăn bất ngờ. Ví dụ như không thể giữ nguyên bài thơ (dài cũng như ngắn). Không thể giữ những câu thơ đi cho thứ tự; chẳng hạn như, câu thơ cuối đi đầu tiên vào nhạc, câu thơ giữa lại không giữ được trong nhạc.

Cái gò bó ở đây không nằm trong cảm hứng bởi vì phải có cảm hứng thì mình mới quyết định mang bài thơ ấy vào nhạc của mình được. Cho nên những khó khăn nếu bất ngờ gặp phải, hãy dùng cái… giác quan thứ sáu của mình để áp dụng. Nhưng làm cái điều này nên làm cho khéo và cố gắng tôn trọng tứ của bài thơ. Bởi ít ai chuộng sự cắt-xén-mổ-xẻ đứa con tinh thần của mình lắm. Chuyện bình thường thôi mà.

Đã gọi là sáng tác thì muôn màu. Cái màu nào càng khó thì càng gây cho mình sự hứng thú. Như một hình thức muốn thách thức ý chí làm việc của mình đến đâu. Tự viết lời cho nhạc của mình hay phổ nhạc cho thơ, cả hai đều dễ thương và khó khăn như nhau!

Trúc rất coi trọng giai điệu. Đối với Trúc một bản nhạc hay việc đầu tiên là phải có giai điệu hay. Sau đó là lời ca. Giai điệu hay mà đặt lời vô nghĩa thì không kết hợp đuợc gì. Người ta sẽ chọn bản nhạc ấy nghe – những lúc không lời. Nếu Trúc viết nhạc và lời – nghĩa là phần đông những bài ấy – Trúc tìm cái tựa để đặt đầu tiên. Sau đó mới là giai điệu. Kế tiếp là lời ca.

chantinh6


Khi tạo được niềm vui cho ai đó mình sẽ lấy lại được cân bằng mau chóng hơn


PV: Một mình âm nhạc đã đủ cho cuộc sống của chị chưa nhỉ?


NS TTT: Âm nhạc là một chốn riêng. Bình an. Âm nhạc còn là một nôi ngủ biết dỗ dành, biết tha thứ, biết yêu thương. Âm nhạc bao la lắm. Một màu xanh biếc. Với Trúc, âm nhạc không phải là nơi để tìm lấy sự bon chen. Lo ngại hơn thua. Tranh giành. Hãy khoan thai để âm nhạc trong túi áo mình, trong lòng bàn tay mình, trong trái tim mình. Bao giờ nhớ quá thì mang ra ngắm nhìn (như hình thức viết nhật ký). Viết mỗi ngày chưa chắc sẽ hay. Nhưng viết mỗi ngày thì dễ tạo nên cho mình một thói quen tốt.

Với Trúc, âm nhạc không nuôi sống mình nhưng lại giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Âm nhạc là một sự cân bằng trong đời sống. Ngoài ra Trúc còn có vài sở thích khác nữa là đi lang thang một mình để săn hình. Vào quán nước gọi kem cà phê mỗi khi trời lạnh. Đi đâu xa chút là phải thủ sẵn trong túi mấy tờ tạp chí, cuốn sách, máy hình, máy nhạc, ô mai, xí muội. Tất cả đều là thân thiết không thể rời nhau được.

chantinh7PV : Trong ca khúc “Hình như mưa cũng nhớ…” có đoạn “Hãy lắng nghe mưa ngọt ngào, gọi trong nỗi nhớ mong anh về đây…”. Đã bao giờ chị “biết khi thương một người” mà lại “giữ riêng trong ngậm ngùi” không?


NS TTT : Ồ nhiều lắm chứ. Nhưng mà cái câu hỏi này có bắt buộc phải trả lời không?


PV: Vâng, tất nhiên rồi, ai cũng có những điều riêng tư cần giữ cho mình. Thế, chị đã bao giờ bị “mất thăng bằng” trong cuộc sống chưa? Mỗi khi như thế, chị làm gì để lấy lại cân bằng?


NS TTT : Sống trong cuộc đời, có bao giờ tất cả mọi việc đều êm đẹp như ý mình muốn đâu. Cho nên việc mất thăng bằng bởi những chuyện nắng mưa thì nhiều. Mỗi khi cái chơi vơi, chới với ấy xảy ra thì càng nên biết an ủi mình hơn. Bằng cách nói rằng trái đất này đầy ắp những người đau khổ hơn mình nhiều lắm, hai chữ « nhiều lắm » đôi khi có sức mạnh rất mãnh liêt, mình chỉ bị mỗi cái chuyện nắng mưa vu vơ mà đã than xót xa ngấm ngầm rồi! Còn có một phương cách khác mà Trúc hay thử nghiệm mỗi khi « trời trở gió thất thường » đó là tìm cách giúp đỡ một người mất thăng bằng hơn mình. Khi mình tạo được niềm vui cho ai đó (ngay trong lúc mình bối rối như tơ vò) mình sẽ lấy lại được cân bằng mau chóng hơn (bởi khi mình quyết lòng giúp đỡ ai, mình dùng ý chí nhiều hơn). Tựa như cái bóng đèn nhà mình đứt, mình không siêng năng thay nhưng nhà hàng xóm láng giềng mà gọi một tiếng là mình chạy sang ngay. Và mình làm rất chăm chỉ. Sợ không thay ngay, nhà người ta sẽ tối om. Trong khi đó, nhà mình thì… kệ đi. Không thay hôm nay, mai thay vẫn được như thường.


PV: Xin cám ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng Người Viễn Xứ. Hy vọng những giai điệu trữ tình trong âm nhạc của Trang Thanh Trúc có thể mau chóng đến với người yêu nhạc đại chúng tại VN…


Quý vị có thể tìm nghe một số sáng tác của nhạc sĩ Trang Thanh Trúc tại website:

http://saigonline.com/trangthanhtruc.

MAI ANH

(2006)

http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/vanngheviet/hoatdongvhnt/2006/04/566045/

Tâm tình đọc giả

camnghi5

Cuốn sách của T mang theo lên máy bay đọc. Dễ thương! Văn T biên dễ đọc, không cầu kỳ, dễ hiểu. Good lắm. Chúc T thành công với cuốn sách.

Thân mến
DH
30/09/08

camnghi6

Anh K đã dùng nhiều thời giờ thưởng thức « Twin Babies » của Trúc trong vài tuần nay. Anh không giỏi về văn nghệ, không thông thạo về thơ nhạc, nhưng cũng gởi tới Trúc, « Mẹ hiền của hai bé » vài cảm nghĩ của mình.

Cd Prélude của Trúc, nhiều bài có dòng nhạc lạ, nghe câu trước không đóan được câu sau, hòa âm cũng có nét đặc biệt, và nhiều giọng ca trình bày khá lắm. Vì cấu trúc nhạc của Trúc lạ, nên đa số các bài nhạc khá « kén » người nghe, « kén » người hát, có thể vì thế những người yêu nhạc rất có cảm tình, nhưng anh nghĩ có lẽ nhạc của Trúc trong CD này khó phổ thông trong đại chúng.

Tập « 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc » của Trúc thì anh K thích đọc lắm. Nhất là cách hành văn, cú pháp của Trúc. Nhiều bài cũng giống như những bài « Trúc Ghi », nói lên những cảm nghĩ và nhận xét rất tinh tế của Trúc. Đoản văn « Chết Đuối » có lối dựng truyện như nhà văn Trung Hoa Cao Hành Kiện, xuất sắc.

Anh K tin tưởng hai đứa con tinh thần của Trúc đã và sẽ được thân hữu, và một số thính giả yêu nhạc, yêu văn đón nhận với nhiều cảm tình, nhất là tập tuyện « 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc ».

Cám ơn Trúc nhiều lắm, đã cho anh K chia sẻ tác phẩm của mình. Mến chúc Trúc và những người thân luôn vui mạnh

Thân mến,

Khanh Phương/ Trần Văn Khang

02/11/08

camnghi7

Viết về những gì mình nghĩ sau khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết, một cuốn truyện nói về lịch sử, hay một cuốn truyện tranh thì có lẽ đơn giản. Lý do đơn giản là vì chỉ có việc nói thích hay không thích. Hoặc dở quá hay là hay quá. Bởi kết quả có thể đoán trước được. Nhưng đối với cuốn 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc, có thể liệt kê vào loại tự truyện, (tác giả viết về những cảm nghĩ, suy nghĩ, đời sống của mình, và đôi khi viết về chuyện của bà hàng xóm nữa). Về nội dung, cấu trúc, tình tiết, nên bắt đầu từ đâu? Khó quá đi! Nếu không biết thì cứ bắt đầu từ trang đầu nha (không phải là kể lại từ đầu cuốn sách đã đọc, mà là lúc bắt đầu đọc cuốn sách đó).

Nhập đề như vậy nhé: Mình thấy cuốn sách cũng khá dầy (ba trăm mười mấy trang, con số đúng nhất là 313). Chà! Lúc đầu mình còn tưởng là 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc của TTT sẽ giống cuốn tiểu thuyết Mùa Thu Lá Bay của Quỳnh Dao vừa mới đọc lại xong tối hôm kia. Mình còn đang ở Đài Bắc, đâu đó trên xứ Đài Loan, bước sang 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc đã đưa mình thẳng về quê nhà, ở tận Việt Nam, với hình ảnh bà mẹ già. À mà không phải, là bà mẹ chồng già với chiếc xe lăn chưa bơm bánh xe và có một cô con dâu cá tánh quá xá đặc biệt giống mình: Lầm bầm! Rồi mười hai giờ khuya tới bốn giờ sáng, cũng từng bước, từng bước, cuốn sách này lại đưa mình đi từ quán café, tới cồn cát ở Nha Trang, từ bãi biển đi vào quán ăn đặc sản (bún bò chả giò « kiến »!) Từ phòng trọ, sàn sân khấu, từ Việt Nam sang Paris, từ Paris sang Mỹ. Và hình ảnh như là đi du ngoạn như chưa thấy hả hê, nên cứ lâu lâu lại có vài trận mưa đáng nhớ. Mưa nhỏ, mưa to, mưa ray rứt, mưa kéo dài, mưa thưa thớt, mưa rơi rơi, mưa xa xôi, mưa dật dờ, mưa yếu đuối, mưa suốt ngày, mưa ngày xưa, mưa ngày nay, và mưa gõ nhạc nữa. Đúng vậy, nghe tiếng mưa rơi không chưa đủ, phải nghe nhạc trong mưa mới hay. 7 Nốt Nhạc vui buồn lẫn lộn trong bảy trạng thái khác nhau: Nốt trầm thì hồi hộp, nốt càng lên cao thì càng rắc rối!

Chỉ sau một hai chuyện đầu tiên là độc giả có thể nhận ra được một lối viết văn rất tự do, rất giản dị, với nhiều chủ đề khác nhau (nắng, mưa, tình yêu, tình bạn, tình mẹ con …), thay đổi như những nốt nhạc trên khuôn nhạc của một bài nhạc. Lúc trầm thì buồn như điệu nhạc Slow chậm, lúc cao thì vui như điệu nhạc Twist, còn nốt ngang ngang nửa chừng thì buồn hơn. Khi đọc không biết mình nên thả hồn về đâu, hướng về loại nhạc nào? Về xứ nào? Thái Lan, Việt Nam, Paris, Mỹ? Còn có các nhân vật khác nhau xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh của xã hội hiện nay. Tuy xa mà gần, tuy lạ mà thân. Thông thường nhất là có một Anh và một Em. Càng về sau càng có nhiều người như Ông Bà, Mẹ Con, Cha Con, Anh Em, Thầy Cô, bà con lối xóm, người yêu, người bạn … Nếu muốn làm quen hơn với tác giả chỉ cần lâu lâu đưa mình vào một trong những nhân vật thì mình có thể cảm thấy được đâu đó có mối liên hệ bà con liền nha! Và khi đọc 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc mình nghiệm ra được một điều rất là thú vị: Trong sách này có đầy đủ các mùi vị. Không phải riêng những mùi vị của các món ăn thức uống, (mặn, ngọt, chua cay, đắng, nóng, bùi), mà còn đầy đủ hương vị của chữ Tình (với chữ T rất lớn đó nghen!) và còn có cả mùi hương rất đặc biệt của … (ai đọc sẽ biết!)

Tóm lại, nội dung của 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc rất phong phú. Cái hay là ở chỗ khi đọc mình không thấy chán vì các nhân vật và sự việc tất cả đều là có thật và hơn nữa họ gắn liền với đời sống xã hội hiện naỵ Mình thích nhất là đoạn viết về D, tiếc nhất là sự đánh mất chiếc nhẫn đồi mồi khắc tên T của D tặng cho T (dị đoan ơi là dị đoan!) trân quý nhất là thời gian tác giả dành riêng để viết nhiều chuyện đáng nhớ cho Trực, cho Quân. Không thích nhất là có những mẫu truyện đang đọc hay bị … hết một cách bất ngờ! Và yêu cầu lớn nhất sau khi đọc xong 7 Nốt Trên Khuôn Nhạc đó là hy vọng sẽ có phần hai trong nay mai Có lẽ là, « 8 điệu nhạc và 2 ly café đen không đường! »

Như

04/11/08