WORDS – F.R DAVID

WORDS – F.R DAVID
PHOTOS & VIDEO BY TRANG THANH TRUC

Cũng trong không khí những ngày cuối năm, giai điệu bebop trong Words dễ thương mời mọc mọi người đưa nhau ra sàn nhảy (nói sàn cho có vẻ phòng trà, vũ trường, thật ra đó chỉ là một không gian nhỏ các anh chị sinh viên lấy màn che lấp khung kính, đơn sơ lắm nhưng ấm cúng là ổn thôi). Lúc ấy, mình bao nhiêu tuổi? Mình với cái ghế, cạnh bên là cô bạn tên P. hai đứa yên lặng nhìn nhau ngắm « người lớn » khiêu vũ. Có những anh chị chỉ lớn hơn hai đứa một hai tuổi là cùng. Bên trong này nghe không khí cuối năm mà mùi nhà thương thì phảng phất đâu đây. Hình ảnh Th. bơ vơ trên giường lạnh, căn phòng được đưa từ phòng cứu cấp lạnh, cái bàn nhỏ đủ cắm 9 nhánh hồng đỏ trong bình thủy tinh lạnh, tiếng nện dưới gạch bông lạnh, tiếng ho khe khẽ lạnh, tiếng cái giỏ đựng mấy trái cam lạnh, tất cả nhạt nhẽo, lạnh! Khi người ta chưa hai mươi tuổi sao người ta có những nông nổi quá chừng. Ai cũng nói thế đó mà! Cô không biết người vừa ốm khỏi ăn gì ngoài cam. Ngày xưa hễ nghe ai bệnh là phải ăn cháo thôi và uống nước cam. Uống cho nhiều vào để lấy lại sức nhưng Th. lại thều thào tiếng có, tiếng không, cô phải cúi thấp xuống kề tai vào thật gần mới nghe tiếng Th. « trong cam … có chất chua, Th. không ăn dược đâu … mất máu! » Ai nói ăn cam mất máu vậy! Thật khó tin quá luôn! Cô nhìn lại P. rồi bỏ trái cam xuống, buồn mấy phút. Lúc ấy mình bao nhiêu tuổi? Ngoài mấy trái cam chắc gì mình có tiền để mua thứ gì khác nếu Th. muốn? Cô muốn ôm lấy Th. vỗ về nhưng cô sợ sẽ làm đau vóc dáng gầy yếu Th. thôi!

Ai đó nói « hồng nhan thì bạc phận », nghe sến sến gì đâu, cô không muốn tin gì hết chỉ giữ lại duy nhất một điều, « không thương mà sao lại làm ». Làm gì mới được? Cô im bặt không dám nói chữ kế tiếp? P. cười nhạt, « thời buổi này, cho thì người ta tiếp nhận thôi, hơi đâu bồ thắc mắc! » P cười khan, nhưng cô hiểu, P buồn dùm cho Th. lắm …

Chưa hai mươi mà sao dám dùng dao để khứa mảnh gân xanh trên cánh tay mình? Chưa hai mươi mà sao lại chọn con đường tương lai đơn độc u tối như thế này? Người năm xưa nào đó có biết rằng đã cho Th. những tháng ngày tuổi trẻ đau đớn như thế này không ?

Lúc ấy, mình bao nhiêu tuổi? WORDS – F.R DAVID ra đời vào năm 1982, đúng rồi!

Một câu chuyện buồn nhắc vào ngày cuối năm, nhưng là những hình ảnh rực rỡ để làm video này. Trúc cầu mong sao cho tất cả các Anh Chị Em, các Bạn sẽ gặp được thật nhiều niềm vui để chuẩn bị đón mừng một năm mới 2011 sắp đến bình an, may mắn nha …

Trang Thanh Trúc

Café Sáng Nay

– 1  muỗng rưỡi café, 2 muỗng sữa đặc. Có phải loại café em gởi sang cho anh không ?

– Dạ, đúng rồi, Carte Noire đó anh? Em pha café anh uống nghe?


Hai chiếc khăn choàng – quà Giáng Sinh anh cho – từa tựa như màu thủy tinh này. Em “khai trương” chiếc khăn có màu tím lợt. Lúc ngồi trên tramway, bên ngoài tuyết rơi không ngừng cho đến một lúc loa thông báo, tramway sẽ ngừng ở trạm cuối như thường lệ nhưng bus PC1 sẽ không chạy đâu nhé! Nghe là rầu rồi. Em choàng chiếc khăn thành ba vòng luôn! Em mang đôi găng tay anh cho, chậm rãi băng qua cầu. Bên dưới là dòng Seine. Tuyết bay trên này không ngừng. Ba trăm bước chân em từ đầu cầu cho đến cuối cầu bây giờ chắc là nhân gấp đôi quá! Em lựa chỗ nào tuyết còn trắng xóa mà đi. Những ngón tay không còn lạnh. Chiếc cổ không còn lạnh. Sự hiện diện anh lúc này, đã làm những ngón tay em, chiếc cổ em ấm quá chừng …


Ban đầu, anh hứa sẽ chăm chỉ nhắc cô đi ngủ sớm vi anh thấy cô thức khuya quá, nhưng riết rồi anh chỉ nhớ mỗi câu, em nhớ mặc áo ấm,  choàng khăn, coi chừng đừng để bị cảm lạnh nghe. Cô gật đầu, dạ dạ cho anh yên tâm. Thật ra, cô cũng không ưa gì bị trúng gió, trúng mưa cả. Bệnh không sao, nhưng nghe cái chữ cúm thiên hạ rì rào qua tai, ái ngại quá. Lên tramway, hễ cái người bên cạnh ho một tiếng là lật đật tìm cách quay lưng đi, tưởng như mình quay lưng đi như vậy là con vi trùng vừa ho ra một tiếng khan đó không ảnh hưởng gì đến mình hết vậy .

Tối nay, đang nói chuyện vui, không nhớ đến đoạn nào thì bất thình lình anh nói, đợi em tự nãy giờ buồn không biết làm gì anh viết ra bài thơ. Bên này, cô mừng vui hớn hở. Đâu anh, đọc em nghe đi. Anh ấp a ấp úng, không phải thơ gì đâu nghe em! Anh buồn nên anh viết ra thôi. Em muốn nghe thiệt hả? Dạ. Hình như bên đầu dây, anh đang suy nghĩ điều gì. Cô không dám hối thúc, nhưng thật lạ là cô muốn nghe lắm! Và đây là …10 Thương Con Cóc – Anh tặng cô –

Thương em anh lại viết thơ

Thương em anh thích lang thang

Thương em anh lại chụp hình

Thương em anh hay mộng mơ

Thương em anh mới biết mong chờ

Thương em anh cảm thấy đời vui

Thương em anh thường hát thầm

Thương em anh nhớ từng đêm

Thương em anh tìm về dĩ vãng

Thương em anh sụt mất mấy cân

10 Thương của anh nghe « bệnh » chết được, nhưng cô nhất định không cười. Cô mà cười anh nín ngay cho nên đọc một lát anh im bặt, anh hỏi, cô đang nhai gì mà nghe rào rào vậy? Cô nói, dạ em đang nhai mấy cọng giá sống! Cô phải nhai giá sống trong lúc anh đọc để anh không thể nghe được tiếng cô nhịn cười!

Nhưng nói gì thì nói, 10 Thương Con Cóc từ anh viết đó, cô giữ cẩn thận lắm. Lâu lâu cô cũng hay lấy ra đọc đi đọc lại hoài.  Chắc là cô cũng … thương! Phải thương người ta mới hay nhai đi nhai lại hoài ca khúc một thời …

Trang Thanh Trúc

Hoài Niệm

Photos, video by :
NGUYEN QUANG HUY & TRANG THANH TRUC
Music by :
GHEORGHE ZAMFIR
THE LONELY SHEPHERD

Một ngày tháng chín, khi tôi đang đứng lớ ngớ trước căn phố mà bây giờ trong hình Bạn thấy có ghi Mi Lan đó, có 1 cô gái nhỏ, dắt chiếc xe đạp đỏ băng qua đường. Bên này, tôi đứng trông theo.Tôi theo dõi từng cử chỉ cô. Cô băng qua đường và dường như cô không có ý đi đâu khác ngoài hướng về phía tôi thì phải! Khi chiếc xe dừng lại, cô hỏi tôi :

–  Huy chưa đi học hả ?

Cô gọi tên tôi! Lần đầu tiên trong suốt ba năm Trung học tôi nghe tiếng Huy từ nụ cười và ánh mắt cô. Tôi bồi hồi, tôi cố giữ bình tĩnh và đáp lại nụ cười ấy bằng câu:

– Còn sớm mà! Với lại hôm nay vô trường chỉ làm vệ sinh lớp học thôi!

Ai nói điều này cho tôi biết hay là tôi phịa một câu chuyện cho có để nói? Tôi còn nhấn mạnh thêm rằng:

– Trúc cũng vậy mà!

Nhưng Trúc gái không à lên một tiếng ra vẻ đồng ý với điều tôi vừa nói ra, cô nhìn tôi rồi buông một câu:

–  Không Huy, hôm nay Trúc đi Tây!

Tôi nhìn Trúc, một chút e dè. Cô học trò 14 tuổi vừa nói cái gì như là cô đi Tây! Tôi có nghe lộn không vậy? Tôi cười một tiếng nhưng cùng lúc trong lòng cũng thấy mất mát và buồn. Tôi gắng cười cho rằng câu nói ấy rất khôi hài:

– Trúc đi Tây! Trúc giỡn chơi hoài!

Nhưng cô nhìn tôi, gương mặt cô sao không có vẻ gì gọi là bông đùa hết vậy nè! Cô nói chậm rãi:

– Trúc đi Tây thiệt! Lát Trúc đi!

Rồi chúng tôi không nói gì thêm nữa. Im lặng để chờ, để nghe một điều gì khác hay ho hơn, vui vẻ hơn chăng? Nhưng cuối cùng không có câu nói gì khác hơn ngoài câu Trúc chúc tôi ở lại học cho thật giỏi.

Trúc đi Tây, tôi ở lại, và Trúc mong tôi học thật giỏi! Tôi nhìn theo bóng dáng Trúc dắt chiếc xe đạp quay xuống đường và cũng chúc một câu tương tự vậy. Cho đến khi Trúc ngồi lên yên xe, tôi mới nhận thức ra rằng mình sắp mất một người bạn rồi đây! Trúc do dự, chần chừ, rồi quay lưng lại nhìn tôi lần cuối, cô hỏi tôi:

–  Huy có sao không vậy ?

Câu nói cuối cùng của tôi là:

– Trúc đi, buồn sao sao đâu …

Buồn sao sao đâu là buồn như thế nào, tôi cũng không biết! Thế là Trúc đi Tây thiệt!

Bên Tây có gì lạ ngoài tháp Eiffel, Thằng Gù ở Nhà Thờ Đức Bà và Cung Điện Versailles! Chúng tôi mất liên lạc nhau từ khi chiếc xe đạp nhỏ rời khỏi tầm mắt. Tôi âm thầm nghĩ, Trúc thiệt là có phước, được rời VN đi Tây, được biết Paris kinh đô ánh sáng, là nơi mà tôi hằng ước mơ có dịp gặp trong đời. Và tôi cũng không hiểu tại sao ngay buổi sáng tựu trường năm ấy tôi lại không hỏi xin Trúc địa chỉ nào đó Trúc sắp đến. Có lẽ tôi nghĩ ra đi là hết, là không cách gì gặp lại nữa, thì xin địa chỉ để làm gì!

Tôi đứng chôn chân ở dãy phố. Một mình, nghe tủi thân đầy …